news

Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 18/9/2013 của UBND huyện Hải Hậu về triển khai bổ sung, sửa đổi hương ước xóm (TDP)

(12:49, 16/10/2013)


UỶ BAN NHÂN DÂN       CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

  HUYỆN HẢI HẬU                     Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

     

  Số: 49/KH-UBND                 Hải Hậu, ngày 18 tháng 9 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

Triển khai bổ sung, sửa đổi hương ước xóm (TDP)

 

Thực hiện Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg ngày 19/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư, Thông tư liên tịch số 03/2000/TTLT/BTP-BVHTT- BTTUBTƯMTTQVN ngày 31/3/2000 của liên bộ Tư pháp, Văn hóa- Thông tin, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư, công tác triển khai xây dựng hư­ơng ­ước của các xóm (TDP) trên địa bàn huyện được thực hiện từ rất sớm. Đến năm 2002 có 100% các xóm (TDP) xây dựng hoàn chỉnh hương ­ước, đư­ợc UBND các xã, thị trấn phê duyệt, công khai tại nhà văn hoá xóm (TDP) và chuyển tới từng hộ dân để thực hiện. Các hương ước đã cụ thể hóa được đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và tình hình cụ thể của địa phương; nội dung cụ thể, rõ ràng, đề cập nhiều vấn đề có liên quan trực tiếp đến đời sống  nhân dân, bao quát được nội dung cần quy định trong hương ước theo hướng dẫn, ghi nhận các thỏa thuận do người dân tự nguyện đề ra theo quy chế dân chủ để cùng thực hiện, hỗ trợ tích cực cho việc tự quản tại cộng đồng dân cư và quản lý nhà nước bằng pháp luật ở cơ sở….

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn những hạn chế như: nội dung hương ước chậm được bổ sung; quan hệ làng xóm, gia đình ở một số nơi có biểu hiện xuống cấp; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang chưa nghiêm gây lãng phí tiền của và thời gian, một số hủ tục có biểu hiện gia tăng; công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường thực hiện chưa tốt, chưa phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội và xây dựng nông thôn mới…

Căn cứ Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới (Ban hành kèm theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ); Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21/01/2011 quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; Quyết định số 17/2013/QĐ-UBND ngày 30/5/2013 của UBND tỉnh Nam Định về việc ban hành quy định tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Làng (thôn, xóm) văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”; “Cơ quan (đơn vị), doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”; “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” và quy định việc thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Nam Định và tình hình thực tế của địa phương; thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, Uỷ ban nhân dân huyện ban hành kế hoạch triển khai bổ sung, sửa đổi hương ước xóm (TDP) gồm những nội dung sau:

A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

I. Mục đích:

Tiếp tục cụ thể hóa chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào điều kiện của từng địa phương. Thực hiện Pháp lệnh thực hiên dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, giữ gìn và phát huy những thuần phong mỹ tục tốt đẹp của người dân, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới; thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội và giữ vững an ninh quốc phòng trật tự an toàn xã hội ở cơ sở.

II. Yêu cầu:

Hương ước là văn bản quy phạm xã hội trong đó quy định các quy tắc xử sự chung do cộng đồng dân cư cùng thỏa thuận đặt ra để điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của nhân dân, nhằm giữ gìn và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp và truyền thống văn hóa trên địa bàn xóm, TDP góp phần hỗ trợ tích cực cho việc quản lý Nhà nước ở cơ sở bằng pháp luật:

1. Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, các quy định của pháp luật hiện hành cùng nhau thỏa thuận đề ra quy tắc xử sự chung điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của nhân dân trong xóm (TDP).

2. Hội đồng xóm, các đoàn thể của các xóm (TDP) phải tổ chức họp xóm, bàn bạc dân chủ công khai nội dung bổ sung, sửa đổi hương ước thực sự có chất lượng và hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức chính trị, dân trí của nhân dân. Xây dựng bộ mặt nông thôn mới ngày càng giàu đẹp, văn minh, an ninh chính trị và trật tự xã hội được đảm bảo.

3. Triển khai bổ sung, sửa đổi hương ước đúng quy trình, quy định. Các điều trong hương ước quy định ngắn gọn, cụ thể, thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ.

B. NỘI DUNG HƯỚNG DẪN BỔ SUNG, SỬA ĐỔI HƯƠNG ƯỚC:

Việc bổ sung, sửa đổi nội dung hương ước đã ban hành và đang thực hiện  hiện nay là hết sức cần thiết và phải được tiến hành toàn diện, tập trung vào một số vấn đề chủ yếu sau:

1. Bổ sung thêm nội dung về các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới: Căn cứ các tiêu chí công nhận danh hiệu gia đình nông thôn mới, xóm (TDP) đạt nông thôn mới để bổ sung những quy định chung của bản hương ước; về bảo vệ và phát triển sản xuất; bảo vệ các công trình công cộng.

- Về phát triển kinh tế: Có đời sống kinh tế ổn định và phát triển vững chắc. Thực hiện tốt quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, xóm (TDP) theo tiêu chí NTM; phát triển làng nghề, mỗi hộ có thêm ít nhất một nghề.

- Công tác vệ sinh môi trường: Bổ sung, sửa đổi các điều về vệ sinh môi trường, thu gom rác theo quy định, mỗi tháng phát động 1 ngày làm vệ sinh xóm làng, các gia đình tự phân loại rác, có hố rác gia đình, không vứt rác ra đường, ra sông, không lấn chiếm lòng đường, hè phố, không đặt biển quảng cáo sai quy định, cơi nới gây mất mỹ quan, gây cản trở giao thông; phòng chống dịch bệnh. Có công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn quy định của ngành y tế, sử dụng nước hợp vệ sinh.

- Về văn hóa- xã hội:

+ Bổ sung, sửa đổi những quy định, quy định về tổ chức việc cưới, việc tang: Căn cứ vào Quyết định số 17/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nam Định ngày 30/5/2013 và Công văn số 09/UBND-VHTT ngày 08/01/2013 về việc tăng cường thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang của UBND huyện và tình hình cụ thể của địa phương để đưa ra quy định phù hợp.

+ Việc cưới: Thời gian tổ chức lễ cưới gọn trong một ngày; âm nhạc phải lành mạnh, loa đài sử dụng với công suất vừa phải không trước 06 giờ sáng và sau 22 giờ đêm; việc đưa đón dâu bảo đảm quy định về an toàn giao thông và trật tự công cộng; nghiêm cấm tình trạng uống rượu say gây mất an ninh trật tự xã hội, không hút thuốc lá, thuốc lào. Làm cỗ đủ ăn, không “làm cỗ lấy phần” và không “ăn cỗ lấy phần”. Khuyến khích dùng hình thức báo hỷ. Không tảo hôn và cưỡng ép hôn nhân. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không mời và đi dự tiệc cưới trong giờ làm việc.

+ Việc tang: Thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang phù hợp với truyền thống địa phương và hoàn cảnh gia đình. Lễ tang phải được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, tiết kiệm phù hợp với tập quán, truyền thống văn hoá của địa phương, tôn giáo. Các nghi lễ xã hội và tôn giáo tiến hành tại gia đình tang chủ. Việc quàn ướp thi hài phải đảm bảo vệ sinh môi trường, không để người chết ở nhà quá 48 giờ. Trường hợp chết vì dịch bệnh, gia đình phải tuyệt đối tuân theo sự chỉ đạo của cơ quan y tế. Không dùng loa đài, kèn trống trước 06 giờ sáng và sau 22 giờ đêm, không sử dụng các nhạc khúc không phù hợp trong lễ tang. Việc đưa tang phải đảm bảo quy định về an toàn giao thông; không rải tiền Việt Nam và các loại tiền nước ngoài; hạn chế việc rắc vàng mã, tiền âm phủ trên đường đưa tang. Người qua đời phải được chôn cất trong nghĩa trang theo quy định của địa phương. Khuyến khích các địa phương thành lập các tổ, đội chuyên đưa linh cữu, đào huyệt; dùng băng tang gắn vào vòng hoa do ban tổ chức chuẩn bị để làm lễ viếng, hạn chế sử dụng nhiều vòng hoa; không hút thuốc lá, thuốc lào trong đám tang; việc tổ chức ăn uống trong tang lễ và thực hiện lễ cúng 3 ngày, 49 ngày, 100 ngày chỉ trong nội bộ gia đình, dòng họ và trong ngày.

+ Lễ hội (đối với những địa phương có lễ hội): Những địa phương có lễ hội truyền thống phải đưa vào bản hương ước những quy định của lễ hội để mọi người thực hiện nhằm phát huy hiệu quả của lễ hội, ngăn chặn các hành vi mê tín, dị đoan như: xóc quẻ, bói toán, lên đồng; không đốt pháo, đốt và thả đèn trời; chỉ được hóa tiền vàng mã đúng nơi quy định.

+ Hàng năm, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải có chỉ tiêu về thực hiện công tác dân số - KHHGĐ. Căn cứ vào Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở các xóm, TDP thảo luận quyết định bổ sung vào hương ước nội dung những người sinh con thứ 3 trở lên phải có trách nhiệm tự nguyện đóng góp xây dựng cơ sở vật chất làng văn hóa, xóm (TDP) nông thôn mới của địa phương, phải được phê bình hoặc kiểm điểm trước hội nghị xóm do hội đồng hương ước quyết định. Tỷ lệ người sinh con thứ 3 dưới mức bình quân chung của xã; đảm bảo 100% trẻ em được chăm sóc, tiêm chủng đầy đủ và phụ nữ có thai được khám định kỳ.

- Về an ninh chính trị- trật tự an toàn xã hội: Không để xảy ra khiếu kiện kéo dài. Thành lập đội tự quản ở các xóm, không để xảy ra các vụ án nghiêm trọng; các loại tội phạm, tai tệ nạn xã hội năm sau giảm so với năm trước.

2. Dựa vào điều kiện kinh tế của từng xóm (TDP) để điều chỉnh quỹ khen thưởng cho phù hợp nhằm động viên (có hình thức động viên bằng lợi ích vật chất), khuyến khích kịp thời những điển hình tiên tiến đối với những cá nhân, tập thể có thành tích trong việc thực hiện nếp sống văn minh ở xóm, TDP.

C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. Thời gian và các bước tiến hành:

Bước 1. Thành lập Ban chỉ đạo:

- Ở huyện: Ban chỉ đạo gồm:

+ Trưởng ban: Đ/c Phó chủ tịch UBND huyện.

+ Phó ban: Đ/c Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện.

+ Ủy viên: Thủ trưởng các phòng chức năng của huyện, gồm Phòng Tư pháp, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phòng Nội vụ, Văn phòng Ủy ban nhân dân, đại diện Mặt trận Tổ quốc huyện.

Ban chỉ đạo thành lập Hội đồng thẩm định, xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên, tổ chức hội nghị triển khai đến các xã, thị trấn.

- Ở xã, TT: Ban chỉ đạo gồm:

+ Trưởng ban: Đ/c Phó chủ tịch UBND xã, TT.

+ Phó ban: Đ/c Cán bộ văn hóa- thông tin

+ Ủy viên: gồm cán bộ công chức chuyên môn như Tư pháp- Hộ tịch, Địa chính, Văn phòng UBND, đại diện Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội.

Ban chỉ đạo thành lập Hội đồng thẩm định, xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên, tổ chức hội nghị triển khai đến các xóm, tổ dân phố.

- Thời gian: hoàn thành trong tháng 10- 2013.

Bước 2: Hội đồng hương ước các xóm (TDP) dự thảo bổ sung, sửa đổi hương ước, tổ chức họp xóm (TDP) thảo luận lấy ý kiến, sau đó báo cáo về xã. Thời gian: hoàn thành trong tháng 11- 2013.

Bước 3: UBND xã, TT xem xét nội dung bổ sung, sửa đổi phù hợp với địa phường, trình UBND huyện thẩm định, duyệt hương ước. Thời gian: hoàn thành trong tháng 12 - 2013

Bước 4: UBND xã, TT phê duyệt trên cơ sở kết quả thẩm định của huyện, hoàn chỉnh in treo công khai tại nhà văn hoá xóm (TDP) và gửi tới các hộ dân để thực hiện. Thời gian: hoàn thành trong tháng 12- 2013.

II. Phân công trách nhiệm

1. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện:

Phòng Văn hóa và Thông tin triển khai chỉ đạo, phổ biến quán triệt, hướng dẫn thực hiện tới các xã, TT. Tham mưu giúp UBND huyện xem xét nội dung bổ sung, sửa đổi hương ước phù hợp với thuần phong mỹ tục và các quy tắc xây dựng nếp sống văn hóa. Thành lập Hội đồng thẩm định hương ước của các xã, TT.

2. Phòng Tư  pháp:

Phòng Tư pháp có trách nhiệm phối hợp tham mưu cho UBND huyện xem xét tính hợp pháp, loại bỏ những nội dung hương ước trái với các quy định của luật pháp hiện hành.

3. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Tham mưu cho UBND huyện xem xét tính phù hợp đối với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đưa vào bổ sung, sửa đổi bản hương ước.

4. Phòng Nội vụ:

Tham mưu giúp UBND huyện thành lập Ban chỉ đạo và tham gia hướng dẫn kiểm duyệt nội dung bổ sung, sửa đổi hương ước theo đúng quy định của Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở.

5. Văn phòng UBND huyện:

Phối hợp với các phòng ban của huyện tổng hợp tình hình báo cáo UBND huyện, tham gia hướng dẫn và kiểm duyệt nội dung bổ sung, sửa đổi của hương ước.

6. Đài phát thanh và truyền hình huyện:

- Tuyên truyền sâu rộng trên hệ thống phát thanh, truyền hình và trên Trang thông tin điện tử của huyện về vị trí, vai trò của hương ước đối với xóm (TDP) và sự cần thiết phải bổ sung, sửa đổi của hương ước cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế- xã hội và xây dựng nông thôn mới.

- Tổ chức phát sóng các chuyên đề, chuyên mục về: thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, viêc tang, lễ hội; tổ chức lễ cưới gói gọn trong một ngày; vận động nhân dân tổ chức đám tang theo truyền thống và hoàn cảnh gia đình; việc đưa nội dung phòng chống tác hại thuốc lá vào hương ước để vận động nhân dân cùng thực hiện; biểu dương tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường tại các xóm (TDP); biểu dương các dòng họ xây dựng quỹ khuyến học; nêu gương những xóm (TDP) xây dựng tình đoàn kết, tương thân, tương ái giúp đỡ nhau trong sinh hoạt và phát triển sản xuất.

7. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc huyện: Tham gia Ban chỉ đạo của huyện, hướng dẫn, chỉ đạo UBMTTQ xã, thị trấn phối hợp với các ban ngành của xã, thị trấn trong việc sửa đổi, bổ sung hương ước xóm, TDP.

8. Ở xã, TT:

- Đảng ủy, UBND xã tập trung lãnh đạo, thành lập Ban chỉ đạo gồm các ban ngành đoàn thể như: Tư pháp phối hợp ban văn hóa thông tin và Ban Thường trực UBMTTQ xã, hướng dẫn, kiểm tra các xóm, TDP sửa đổi, bổ sung nội dung bản hương ước.

- Tổ chức hội nghị quán triệt thực hiện các nội dung theo đúng kế hoạch.

- Giao nhiệm vụ cho các xóm (TDP) phải tiến hành tổ chức họp xóm để thảo luận.

- Xem xét kiểm duyệt nội dung của bản bổ sung, sửa đổi hương ước và trình UBND huyện thẩm định.

9. Ở xóm, TDP:

- Hội đồng hương ước xóm (TDP) gồm: Trưởng xóm (TDP) chủ trì, phối hợp với Ban công tác Mặt trận, đại diện các thành phần trong xóm dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng ở cơ sở tổ chức cuộc họp xóm (TDP) để bàn bạc, thảo luận công khai nội dung bổ sung, sửa đổi hương ước.

- Thống nhất và hoàn thành nội dung bổ sung, sửa đổi trình UBND xã phê duyệt.

- Hàng năm tổ chức đánh giá kết quả thực hiện hương ước, biểu dương khen thưởng cá nhân gia đình tiêu biểu.

Việc triển khai bổ sung, sửa đổi hương ước xóm (TDP) có ý nghĩa hết sức quan trọng. UBND huyện yêu cầu UBND các xã, TT, các cơ quan có liên quan tổ chức triển khai thực hiện, đồng thời báo cáo về UBND huyện (qua Phòng Văn hóa và Thông tin huyện)./.

 

Nơi nhận:

- BTV Huyện ủy; (để báo cáo)

- Lãnh đạo UBND huyện;

- Các xã, thị trấn;

- Các cơ quan liên quan;

- Lưu: VT, PVH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

 

Đã ký

 

Trần Minh Hải


 Hương ước mẫu 2013

Uỷ ban Nhân dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định
- Điện thoại: 0350. 3877.141 - Fax: 0350.3877.143
- Email: vanphong@haihau.vn
© 2003-2010 by INCOM
CLB DOANH NHÂN HẢI HẬU
Góp ý: doanhnhan@haihau.vn
SEO là gì | XSMB | XSMT | Lịch Vạn Niên |