news

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân của ngành Y tế Hải Hậu trước yêu cầu mới

(04:17, 23/02/2011)


 
Đỗ Thanh Hưng - HUV, Trưởng phòng Y tế huyện

 

Hải Hậu là huyện ven biển phía Nam tỉnh Nam Định. Diện tích 226 km2. Dân số gần 30 vạn người, phân bố ở 32 xã và 3 thị trấn.

            Mạng lưới chăm sóc sức khoẻ nhân dân trên địa bàn huyện, gồm: Phòng Y tế, Bệnh viện đa khoa hạng 2, Trung tâm Y tế, Trung tâm dân số-KHHGĐ và 35 trạm y tế xã, thị trấn.

            Thực hiện chiến lược chăm sóc sức khoẻ nhân dân, dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp, về cơ bản các đơn vị y tế trên địa bàn huyện đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch; phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, chính quyền các xã, thị trấn để kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả các dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, như dịch cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, tiêu chảy cấp, sốt phát ban,...Nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, tạo được niềm tin và đáp ứng nhu cầu của người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế gần nhất, có chất lượng, chi phí phù hợp với thu nhập của nhân dân.

 Đến nay, Bệnh viện đa khoa Hải Hậu được công nhận là Bệnh viện hạng II, quy mô 230 giường (Đây là Bệnh viện tuyến huyện hạng II đầu tiên của tỉnh Nam Định); năm 2010, đã tổ chức khám bệnh cho trên 173.000 lượt người, số bệnh nhân điều trị nội trú 20.333 lượt người, phẫu thuật sản khoa 644 ca, phẫu thuật ngoại khoa 591 ca, phẫu thuật mắt, tai mũi họng 335 ca, phẫu thuật răng hàm mặt 525 ca... Ngoài nhiệm vụ khám chữa bệnh cho nhân dân trong huyện, bệnh viện còn chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân các huyện lân cận như: Giao Thuỷ, Trực Ninh, số lượng bệnh nhân ngoài huyện chiếm 12,7% tổng số bệnh nhân đến khám và điều trị.

Đội ngũ cán bộ y tế tuyến huyện có 210 người, trong đó có 43 bác sỹ (33 bác sỹ chuyên khoa cấp I); 3 dược sỹ đại học. Số lượng cán bộ công tác tại Trạm y tế xã, thị trấn 206 người, 32 bác sỹ công tác 29/35 Trạm Y tế; 35/35 Trạm Y tế có y sỹ sản nhi hoặc nữ hộ sinh trung cấp; 516/546 = 94,5% số xóm, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động; 34/35 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế xã.

Việc triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế được quan tâm. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế năm 2010 đạt gần 40%. Bệnh nhân bảo hiểm y tế được tiếp nhận ở tất cả trạm y tế các xã, thị trấn, được chăm sóc, khám chữa bệnh tốt hơn. Công tác đào tạo, đào tạo lại, phát triển nguồn nhân lực y tế, triển khai ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật y tế chuyên sâu như : mổ kết hợp xương, mổ  lấy thai lần II, truyền máu, hồi sức cấp cứu, điều trị tai biến mạch máu não, X quang kỹ thuật số,… được chú trọng và có bước phát triển khá. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ 7 loại vaccin đạt 99,4%. Duy trì kết quả thanh toán bệnh phong, bệnh bại liệt theo tiêu chuẩn Việt Nam. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cân nặng 16,83%; suy dinh dưỡng thấp còi 20,17%. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,21%. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm còn 16,3%.

Thực hiện cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ”, “Quy tắc ứng xử” ở Bệnh viện, Trạm y tế đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, nâng cao đạo đức và phẩm chất của người thấy thuốc. Công tác phối hợp quân dân y, chỉ đạo tuyến, giảm gánh nặng cho y tế tuyến trên có tiến bộ rõ rệt. Liên doanh, liên kết, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ được coi trọng.

Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Mô hình bệnh tật thay đổi, các bệnh không truyền nhiễm như: tim mạch, đái tháo đường, ung thư, tai nạn thương tích,… gia tăng. Một số bệnh dịch diễn biến khó lường tác động xấu đến sức khoẻ con người. Việc chuyển đổi cơ chế hoạt động y tế còn bất cập, đầu tư từ ngân sách nhà nước còn thấp so với nhu cầu, chưa đủ để phát triển hạ tầng, mua sắm trang thiệt bị y tế hiện đại. Mặt trái của kinh tế thị trường, sự phân hoá trong xã hội tác động không nhỏ đến công tác y tế. Nhân lực y tế (bác sỹ) thiếu cả về số lượng, chủng loại và trình độ chuyên môn cao, nhất là lĩnh vực y tế dự phòng, y tế xã, thị trấn. Công tác xã hội hoá y tế, huy động nguồn lực xã hội (ngoài ngân sách), phát triển y tế ngoài công lập chưa được như mong muốn. Việc duy trì các chuẩn ở một số đơn vị đã được công nhận chuẩn quốc gia về y tế xã chưa được quan tâm đúng mức, trang thiết bị y tế thiếu, chưa được bổ sung kịp thời. Chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân chưa cao, không đồng đều. Công tác Dân số - KHHGĐ còn khó khăn. Tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn cao. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả.

Trước khó khăn thách thức trên, ngành Y tế Hải Hậu đã xác định một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp; sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể, chính quyền các xã, thị trấn trong việc thực hiện Kết luận số 42, 43, 44 ngày 01/4/2009 của Bộ Chính trị. Triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Khám chữa bệnh, Luật Bảo hiểm Y tế, Luật Dược; Pháp lệnh Dân số và các văn bản liên quan của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khoá XXV và hướng dẫn của UBND huyện.

Hai là: Coi trọng “nhân tố con người”. Tăng cường đào tạo, đào tạo lại, chuyển giao kỹ thuật tiên tiến. Quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để cho mỗi cá nhân, mỗi đơn vị thật sự được cống hiến, đóng góp cho công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Ba là: Củng cố, tạo sự chuyển biến mạnh về y tế dự phòng, triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tích cực. Tổ chức giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh từ huyện đến các xã, thị trấn, phấn đấu không để dịch bệnh xảy ra, nếu xảy ra phải dập dịch nhanh, không để lây lan ra diện rộng.

Bốn là: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tiêm chủng mở rộng, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống sốt xuất huyết, y tế trường học, phòng chống ung thư, phòng chống đái tháo đường, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, dân số - KHHGĐ.

Năm là: Tăng cường nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nhất là chăm sóc người bệnh tại Bệnh viện đa khoa huyện. Tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân, đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Từng bước triển khai ứng dụng kỹ thuật y tế chuyên sâu đối với Bệnh viện hạng II, như : hồi sức cấp cứu, phẫu thuật nội soi, chạy thận nhân tạo, chụp cắt lớp…

Sáu là: Triển khai có hiệu quả Chương trình quốc gia phát triển y dược cổ truyền 2011-2020. Tăng tỷ lệ khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, tỷ lệ dùng thuốc y dược cổ truyền cả tuyến huyện và Trạm y tế xã; đẩy mạnh phong trào nuôi trồng và chế biến thuốc nam; củng cố vườn thuốc nam tại Trạm y tế xã, thị trấn.

Bảy là: Đẩy mạnh xã hội hoá y tế, tranh thủ các nguồn vốn, huy động đóng góp của cộng đồng để nâng cấp, xây mới, đầu tư trang thiết bị y tế cho Bệnh viện, Trung tâm y tế, Trạm y tế các xã, thị trấn. Tạo nhiều loại hình, phương thức linh hoạt, phù hợp thực tiễn để thu hút rộng rãi các nguồn lực xã hội (ngoài ngân sách) cho phát triển y tế. Bệnh viện đa khoa huyện triển khai kỹ thuật, liên kết, cổ phần mua sắm máy chụp cắt lớp, trang thiết bị phẫu thuật nội soi, chạy thận nhân tạo,… Khuyến khích phát triển y tế ngoài công lập (cơ sở khám chữa bệnh, chữa bệnh tư nhân, phòng chẩn trị y học cổ truyền) trên cơ sở hướng dẫn các chế độ, chính sách hiện hành.

Tám là: Duy trì và nâng cao chất lượng các đơn vị chuẩn quốc gia về y tế xã. Phấn đấu năm 2011, 35/35 Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Chín là: Hoàn thiện có chế phối hợp hoạt động giữa các đơn vị y tế trên địa bàn huyện. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát thực hiện nhiệm vụ, nội quy, quy chế chuyên môn và thực hiện chính sách trong việc khám chữa bệnh tại các cơ quan, đơn vị.

Uỷ ban Nhân dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định
- Điện thoại: 0350. 3877.141 - Fax: 0350.3877.143
- Email: vanphong@haihau.vn
© 2003-2010 by INCOM
CLB DOANH NHÂN HẢI HẬU
Góp ý: doanhnhan@haihau.vn
SEO là gì | XSMB | XSMT | Lịch Vạn Niên |