news

Vũ Văn Hiếu - người con thân yêu của đất mẹ Hải Hậu anh hùng

(04:53, 26/12/2013)

Trong chặng đường đấu tranh cách mạng đầy khó khăn, gian khổ và hy sinh, dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quê hương Hải Hậu đã sinh ra và đóng góp nhiều cán bộ, Đảng viên ưu tú và quần chúng cách mạng đã hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng. Trong đó tấm gương của đồng chí Vũ Văn Hiếu - quê ở xã Hải Anh - người chiến sỹ cách mạng “Sống vì Đảng mà chết cũng không rời Đảng” là một tấm gương cao đẹp mà lẽ sống và phẩm chất cách mạng của đồng chí đã khắc sâu trong lòng đất mẹ Hải Hậu và công nhân và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh.

Đồng chí Vũ Văn Hiếu sinh ngày 20/3/1907 tại ấp Văn Định, xã Quần Phương Thượng (nay là xóm 10, xã Hải Anh, huyện Hải Hậu). Năm lên 9 tuổi, Vũ Văn Hiếu được bà cô ruột ở Thái Nguyên đón lên nuôi ăn học. Đỗ Thành Chung rồi học trường Kỹ nghệ Hải Phòng. Ở đây, ông tham gia phong trào yêu nước nên bị đuổi học. Năm 1928 phải ra mỏ Hà Tu để kiếm sống. Nhờ giác ngộ Cách mạng, tháng 6/1929 trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Đông Dương Cộng sản Đảng ở Hòn Gai, và được giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở ở Hà Tu Núi Béo.

Sau khi đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3/2/1930, chi bộ đảng cộng sản Việt Nam ở Mạo Khê các chi bộ Hòn Gai, Cẩm Phả, Cửa Ông lần lượt được thành lập. Vũ Văn Hiếu chuyển ra Hòn Gai làm công nhân tại nhà máy sàng trực tiếp phụ trách cơ sở quần chúng ở nhà sàng và nhà máy than luyện. Nhân vụ tên cai đánh một phụ nữ, Hiếu đã vận động chị em đấu tranh bãi công chống đánh đập, cúp phạt, đòi tăng lương... Bọn chủ Pháp phải nhượng bộ, cônh nhận yêu sách của công nhân.

Tháng 4/1930 cùng với đảng ủy Uông Bí Vàng Danh, đảng ủy Hòn Gai Cẩm Phả được thành lập do Vũ Văn Hiếu làm bí thư.

Đảng ủy lãnh đạo công nhân nhà máy đình công, tiểu thương bãi thị đòi giảm thuế môn bài. Ở Cẩm Phả - Cửa Ông ta rải truyền đơn, áp phích phản đối đế quốc Phápđàn áp sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái 1930... Ngày 1/5 treo cờ ở núi Bài Thơ. Ở Hà Tu, Hà Lầm, Cẩm Phả cũng xuất hiện cờ đỏ búa liềm và hàng nghìn tờ truyền đơn áp phích đòi ngày làm 8 giờ, tăng lương, giảm thuế, phản kháng đế quốc chủ nghĩa, ủng hộ Liên bang Xô Viết... Do một tên đầu hàng địch, ngày 17/5/1930, mật thám Pháp đã bắt Hiếu và 4 đảng viên khác đang hoạt động ở Hòn Gai. Bất chấp đòn tra tấn của địch Hiếu không hề khai điều gì. Không đủ chứng cứ, mật thám phải thả.

Được trả lại tự do, Vũ Văn Hiếu bí mật liên lạc với nhiều đồng chí ở Cẩm Phả. Tình hình phong trào ở Cẩm Phả, Cửa Ông bị khủng bố dữ dội, Vũ Văn Hiếu được cấp trên điều ra Cẩm Phả làm bí thư đảng ủy mỏ Cẩm Phả - Cửa Ông để củng cố phong trào. Thực hiện quyết định của TW đảng thành lập đặc khu Đông Triều Hòn Gai Cẩm Phả cuối tháng 10/1930.

Ngày 9/2/1931, do có kẻ phản bội, Vũ Văn Hiếu và gần 70 cán bộ đảng viên và quần chúng cách mạng bị bắt. Sau mấy ngày đêm tra tấn, Vũ Văn Hiếu vẫn giữ vững khí tiết người cộng sản. Bọn chúng phải chuyển Vũ Văn Hiếu sang Hải Phỏngòi lên Hà Nội nhưng vẫn không khuất phục nổi.

Ngày 13/5/1931, thực dân Pháp đưa Vũ Văn Hiếu cùng hơn 40 đảng viên quần chúng cách mạng khác ra xử tử tại Hội đồng đề hình Hà Nội, kết án Vũ Văn Hiếu 20 năm cầm cố và đày ra Côn Đảo. Tại Côn Đảo, Hiếu bị giam cùng Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Hạ Bá Cang, Nguyễn Khắc Khang,...

Tháng 5/1936, phong trào Bình dân ở Pháp thắng thế, thực dân Pháp ở Đông Dương phải trả tự do cho Vũ Văn Hiếu cùng nhiều chính trị phạm, Vũ Văn Hiếu về tiếp tục hoạt động cách mạng ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Vinh. Sau chuyển vào miền Nam công tác, Vũ Văn Hiếu tham gia chỉ đạo tờ Đông Phương tạp chí với danh nghĩa đặc phái viên. Tháng 11/1939, phụ trách cơ quan Văn phòng TW đảng.

Đêm 17/1/1940, tại cơ quan Vũ Văn Hiếu đã bị bọn mật thám bắt cùng Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Vũ Văn Tấn.

 Mặc dù bị tra tấn dã man ở trong “chuồng cọp” Côn Đảo và chế độ nhà tù hà khắc, ông vẫn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Cách mạng.

Trong bài nói tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 3 của Ðoàn (tháng 3-1961) Tổng Bí thư Lê Duẩn đã xúc động kể lại một nghĩa cử cao đẹp của một người đảng viên trẻ tuổi: “Nằm cạnh tôi, đồng chí Hiếu bảo: "Tôi biết tôi không sống được nữa. Tôi đang cố nghĩ xem có cách gì làm lợi cho Ðảng mà nghĩ không ra. Giờ chỉ có cách là tôi đưa bộ quần áo này cho anh mặc để anh sống mà hoạt động cho Ðảng". Nhưng tôi khuyên đồng chí cứ mặc. Ðồng chí Hiếu khóc nức nở và nói: "Chỉ còn một việc này để tôi được phục vụ Ðảng trước khi nhắm mắt, sao anh không cho tôi làm nhiệm vụ với Ðảng". Hôm sau thì đồng chí Hiếu qua đời.

Khi nghe kể lại câu chuyện “Trao áo”, trào dâng niềm xúc động, nhà thơ Tố Hữu đã viết:   

Chết còn cởi áo cho nhau

Nắm cơm để lại người sau ấm lòng

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, để tưởng nhớ công lao của ông Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Ninh đã dựng tượng đài ông bằng đá nguyên khối tại phường Hà Tu, trường THPT Hà Tu mang tên trường THPT Vũ Văn Hiếu; tại nghĩa trang Hàng Dương- Côn Đảo đã xây dựng bức tượng “Trao áo” thể hiện tinh thần vì sự nghiệp cách mạng của những người Cộng sản Việt Nam. Tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đặt tên đường phố mang tên Vũ Văn Hiếu. Tại quê hương, có trường THPT Vũ Văn Hiếu mang tên ông; nhân dân địa phương được sự ủng hộ của chính quyền các cấp đã tu sửa ngôi nhà nơi ông sinh ra và lớn lên thành nhà lưu niệm để các thế hệ mai sau luôn tự hào và  học tập tinh thần anh dũng kiên cường của người chiến sỹ cộng sản kiên trung, người con thân yêu của đất mẹ Hải Hậu anh hùng. Trong ngôi lưu niệm tại quê hương, ông Vũ Hồng Hưng - Cháu đời thứ 3  của đồng chí Vũ Văn Hiếu tâm sự: “Là thế hệ con, cháu của cụ Hiếu, chúng tôi luôn tự hào về truyền thống gia đình, dòng họ, đặc biệt là cụ Hiếu. Bản thân tôi và gia đình nguyện phát huy truyền thống và sống xứng đáng với sự hy sinh to lớn của cha ông để gây dựng lên đất nước hôm nay”.

70 năm sau ngày người chiến sỹ cách mạng kiên trung hy sinh, ngôi nhà lưu niệm tại xóm 10, xã Hải Anh trở thành nơi bảo tồn những dấu ấn về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Vũ Văn Hiếu - người chiến sỹ cách mạng “Sống vì Đảng mà chết cũng không rời Đảng”. Lối sống và phẩm chất đạo đức, những câu nói của người chiến sỹ cách mạng kiên trung Vũ Văn Hiếu là tấm gương để Đảng bộ và nhân dân Hải Hậu nói chung, xã Hải Anh nói riêng mãi tự hào. Là một tấm gương cao đẹp mà lẽ sống và phẩm chất cách mạng của đồng chí đã khắc sâu trong lòng đất mẹ Hải Hậu anh hùng và công nhân - nhân dân các dân tộc Quảng Ninh./.

Vũ Diên - Kim Luyên

Uỷ ban Nhân dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định
- Điện thoại: 0350. 3877.141 - Fax: 0350.3877.143
- Email: vanphong@haihau.vn
© 2003-2010 by INCOM
CLB DOANH NHÂN HẢI HẬU
Góp ý: doanhnhan@haihau.vn
SEO là gì | XSMB | XSMT | Lịch Vạn Niên |