news

Truyền thống mở đất của các Thuỷ tổ khai sáng, hành trang tạo dựng Hải Hậu Văn hoá-Anh hùng

(08:22, 16/08/2013)

Hải Hậu là huyện đồng bằng ven biển tỉnh Nam Định, Dân số trên 29 vạn người, được phân bố ở 32 xã, 3 thị trấn. Vào thời Lê Thuận Thiên (1428-1433), bốn dòng họ đứng đầu là các liệt Tổ: Trần Vu, Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập tới đây khởi nghiệp mở đất. Tiếp đến đầu Thế kỷ thứ XVII An phủ sứ Vũ Duy Hoà, thế kỷ thứ XIX Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ, Doanh điền sứ Đỗ Tông Phát tập hợp nhân dân đẩy mạnh sự nghiệp khai hoang, lấn biển. Ngày 27/12/1888, huyện Hải Hậu được thành lập. Đến nay, huyện Hải Hậu tròn 125 năm tuổi. Từ mảnh đất Phú Cường địa linh, nhân kiệt được hình thành cách đây trên 500 năm và tên gọi Hải Hậu đến nay tròn 125 năm tuổi. Truyền thống Văn hóa đặc sắc “Tứ tính, cửu tộc”, giúp các thế hệ người Hải Hậu tự hào về quê hương, dù đi đâu cũng mang trong mình dòng máu của “Tứ tính, Cửu tộc và các bậc tiền nhân” có công mở đất dựng làng sinh thành ra mình là người Hải Hậu Văn hóa-anh hùng.

Lê Lợi lên ngôi vua, bắt đầu tiến hành củng cố địa vị quyền lực. Tháng 4/1428 ra sắc chỉ cho các đại thần định lại các quan lộ, huyện, quan trấn thủ cùng các quan giữ đầu nguồn, cửa biển và những nơi xung yếu.

Nhận thấy vùng đất Tương Đông chật hẹp, đồng bãi không ổn định, tiên tổ họ Trần vốn giỏi nghề sông nước đi tìm thế đất mới ven biển Thiên Trường Thừa Tuyên, đã tìm được bãi bồi Lạch Lác. Địa thế của vùng đất này đã được ghi lại trong Huân tích ký thờ liệt tổ khai sáng Quần Anh: “Trước, tổ ta xây dựng làng ta, vào lúc ấy đất đai Tây Bắc giáp sông, Đông Nam tới bể, gốc do làm cát nổi lên. Khi nước lên thì cá bơi, hạc đứng, bốn mặt mênh mông”

Năm đầu Thuận Thiên (1428). Cụ Trần Vu thị sát nơi đây. Nhìn xuống Nam sông, trông qua Bắc bể, thấy nơi đây thế rộng bằng, bãi bồi mầu mỡ. Cồn Rồng vươn lên phương Bắc, nước hổ chảy từ phương Đông. Từ Đông sang Tây tốt lành chung đúc, bể vùng, sông lượn đẹp đất làm ăn. Vì vậy, mắt thấy lòng ưa, bèn cùng các tổ Vũ, Hoàng, Phạm bàn việc đến đây lập ấp…”

Bãi bồi Lạch Lác là một vùng đất đẹp, đầy triển vọng cho việc mở mang, xây dựng cơ nghiệp muôn đời, nhưng là đất “Chân nguồn, ngọn biển” nên khai phá ban đầu gặp nhiều khó khăn.

Lúc này bãi biển còn thấp, nước biển lên thì ngập lòa, chỉ còn lô nhô mấy ngọn cồn cao, lác đác có dân chài lưới đến thu bắt hải sản ở tạm. Các dấu tích cổ xưa ở các địa tầng dưới, trong một địa bàn hẹp, phía Bắc Lạch Lác xưa, nay đào ao, xẻ sông, làm thủy lợi… vẫn còn tìm được.

Qua những hiện vật tìm được chứng tỏ nơi đây bờ biển nông sâu khác nhau. Từ rất sớm đã có nhiều thuyền bè qua  lại. Sử sách ghi lại, vào thời Lê vùng đất Thiên Trường càng trở nên đặc biệt quan trọng với các hoạt động quân sự phòng vệ phía Nam cho vùng Trung Châu Bắc Bộ, cho kinh thành Đông Kinh. Vua Lê Thánh Tông đã từng qua đây theo đường thủy để đi dẹp Chiêm Thành, vì vậy tuyến biển này còn là đường giao thông thủy ven biển, lên Bắc, vào Nam của cư dân Bắc Bộ.

Theo sách “Quần Anh địa chí” của tú tài Trần Xuân Hân thì: “các Tổ Quần Anh đến đây, ở cửa Lác đã có miếu thờ Tống Hậu do dân chài lập”. Việc thờ Tống Hậu được tôn là nữ thần cửa biển, để cầu may sự bình an cho ngư dân, nói lên bão biển, sóng biển ở đây cũng rất hung dữ. Tháng ba (Âm lịch) năm Quang Thuận thứ hai (1461), vua Lê Thánh Tông ra lệnh cho các quan ở các phủ, huyện, xã phải đôn đốc, khuyến khích nhân dân chăm nghề làm ruộng, không được bỏ nghề gốc theo nghề ngọn, mượn cớ đi buôn bán, làm thợ để chây lười. Ra lệnh trị tội những kẻ có ruộng mà không chịu cày cấy.

Được triều đình ban hành các chính sách khuyến nông, cụ Trần Vu cùng bàn với các đồng liêu Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập từ Tương Đông đưa quyến thuộc xuống bãi bồi lạch Lác xin trưng khẩn. Được triều đình chấp thuận, phong cụ Trần Vu chức Doanh Điền phó sứ, đứng ra chiêu tập dân đinh, tổ chức lực lượng mở đất.

Theo gia phả dòng họ Vũ ở Tương Nam, lập từ thời Lê Vĩnh Trị (1676 -1679)  do nhất trường Vũ Văn Tần lưu giữ thì “các cụ Trần Vu, Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập để lại 1.000 mẫu ruộng ở Tương Đông cho các ông Trần Lang Tướng, Đoàn Đô Quan, Nguyễn Chiêu Thảo coi giữ, lại xuống phía nam Trấn Sơn Nam trưng khẩn một bãi bồi phù sa ven biển”.

Ban đầu, các cụ đưa gia đình xuống ở bên đất Xối Nước phía Bắc Lạch Lác (nay là xã Trực cát, huyện Trực Ninh), do đất của một nhà họ Nguyễn nhượng lại, diện tích 19 mẫu, 9 sào, 3 thước Bắc Bộ, làm chỗ trú chân. Ngày ngày, phụ nữ ở lại chăm sóc con cái, bếp núc, còn trai tráng đẩy thuyền sang bãi đào đất đắp vùng, chiều tối mới trở về. Nhân dân đã phải bỏ rất nhiều công sức, thời gian san đắp, vượt nền, dựng nhà. Dành khu đất cao trồng cấy, đào kênh mương dẫn nước, thau chua, rửa mặn, đến khi thành thổ cư mới đưa gia đình từ Xối Nước sang ở. Khu đất này đặt tên là Phú Cường (nay ở xóm 6 xã Hải Trung).

  Đến đây, giai đoạn thăm dò, lập đất đứng chân trưng khẩn bãi bồi Lạch Lác của bốn dòng họ Trần, Vũ, Hoàng, Phạm (1428-1484) đã hoàn thành, mở đầu cho quá trình tạo lập làng xã Quần Anh và tạo tiền đề cùng các bậc tiền nhân khác tiếp tục mở đất, thành lập huyện Hải Hậu vào ngày 27/12/1888.

Như vậy: Tứ tính, Cửu tộc và các thế hệ con cháu đã biến bãi biển hoang vu, lau lách sình lầy thành một vùng đất phì nhiêu, mầu mỡ, dân cư đông đúc trù phú, kinh tế phát triển, văn hóa đa dạng, phong phú đậm nét ven biển châu thổ sông Hồng.

Lịch sử hình thành và phát triển mảnh đất Hải Hậu là quá trình lao động cần cù, sáng tạo để khẩn hoang lấn biển, mở đất khởi nghiệp bắt đầu từ mảnh đất Phú Cường đến xã Quần Anh…và ngày nay là huyện Hải Hậu anh hùng. Đó là kết tinh cao độ trí tuệ, mồ hôi, công sức và cả máu xương của bao thế hệ người Hải Hậu. Đó còn là một quá trình lịch sử từ không đến có, từ nhỏ đến lớn; từ hoang vu sơ khai lạc hậu đến văn minh hiện đại.

Truyền thống hào hùng vẻ vang đó từ lâu đã được người Hải Hậu gọi là truyền thống “Tứ Tính, Cửu Tộc”, là niềm tự hào và hành trang riêng có của người Hải Hậu, là động lực tinh thần to lớn gắn kết máu thịt các thế hệ người Hải Hậu thành một khối thống nhất, bền vững để chiến thắng thiên tai, địch họa, vượt qua nghèo nàn, lạc hậu tiến lên văn minh, hiện đại.

Tìm hiểu những trang sử vẻ vang, hào hùng về quá trình khẩn hoang, lập ấp, lập làng, lập xã xây dựng đời sống kinh tế, văn hóa của mảnh đất và con người Hải Hậu suốt hơn 5 thế kỷ và 125 năm thành lập huyện là một việc có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người Hải Hậu. Chỉ có hiểu đúng quá khứ và truyền thống tốt đẹp của quê hương mới có thể bước những bước đi đúng trên con đường tương lai tươi sáng. Và đích hướng tới phấn đấu trở thành huyện Nông thôn mới vào năm 2014 (giai đoạn 2010-2015), đời sống nhân dân no, đủ, có nếp sống văn hoá đẹp như lời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khi về thăm huyện đang dần trở thành hiện thực trên miền quê biển Văn hoá-anh hùng./.

 

 Quang Nhuệ

Uỷ ban Nhân dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định
- Điện thoại: 0350. 3877.141 - Fax: 0350.3877.143
- Email: vanphong@haihau.vn
© 2003-2010 by INCOM
CLB DOANH NHÂN HẢI HẬU
Góp ý: doanhnhan@haihau.vn
SEO là gì | XSMB | XSMT | Lịch Vạn Niên |