news

Chiến thắng Cầu Đôi, Văn Đàn

(05:26, 03/05/2013)

            Trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954) của dân tộc ta, quân, dân Hải Hậu đã đoàn kết, anh dũng chiến đấu, lập được nhiều thành tích và chiến công xuất sắc, làm tròn nhiệm vụ của một huyện cửa ngõ vùng ven biển châu thổ sông Hồng, nằm sâu trong vùng địch tạm chiếm. Gắn liền với phong trào nhân dân vùng lên tiến công địch, giải phóng quê hương là chiến thắng Cầu Đôi, Văn Đàn - một trong những chiến công điển hình, không chỉ ở Hải Hậu mà của cả vùng địch chiếm đóng ở đồng bằng Bắc Bộ.

            Cuối năm 1951, Hải Hậu và các huyện phía nam Nam Định còn thuộc vùng kiểm soát của địch, gọi là “vùng tề”. Trong gần 700 thôn, vùng tề toàn tỉnh, sự kiểm soát của địch ở Hải Hậu khá nghiêm ngặt. Lúc này, phong trào đấu tranh của nhân dân Hải Hậu tuy ít nhiều đã có chuyển biến, những nhìn chung vẫn nằm trong vòng kiềm toả của địch và có nơi bị chúng o ép căng thẳng. Chỉ thị của Trung ương Đảng mở mặt trận Hoà Bình nhằm tiêu diệt 20 tiểu đoàn bộ binh cơ động chiến lược có pháp binh, máy bay yểm trợ đã tạo điều kiện thuận lợi, có ý nghĩa toàn cục và cơ bản cho chiến trường đồng bằng Bắc Bộ nói chung, vùng Nam Định và Hải Hậu nói riêng. Ở Nam Định, địch buộc phải đưa quân cơ động đến chiến trường chính, lực lượng chiến đóng bị dàn mỏng. Tranh thủ thời cơ, Liên khu uỷ III đã chỉ đạo đưa lực lượng vào, đẩy mạnh hoạt động ở vùng sau lưng địch. Hải Hậu là vùng năm sâu ở phía nam Nam Định đang bị địch khống chế mạnh. Tỉnh uỷ Nam Định và Ban Chỉ huy các trung đoàn bộ đội chủ lực Liên khu III lúc đó chủ trương: “Mở khu du kích tư miền trung Nghĩa Hưng, nối liền Trực Ninh tới khu “dân chủ cộng hoà” Nam Trực, tạo thành thế liên hoàn, nếu không thì xây dựng từng khu vực, sau đó phát triển thắng lợi, mở thêm khu du kích Hải Hậu”.

            Cuối năm 1951, bộ đội địa phương, dân quân du kích đã chuyển dần sang hoạt động vũ trang chiến đấu. Lực lượng du kích bẫy chông, gài mìn, phục kích địch ở cầu Yên Định; tổ chức cắt hàng nghìn mét dây điện thoại; trấn áp trung đội dõng xứ Hoà Định, thu súng, lựu đạn; gây rối bốt cầu Thượng Trại,…Tỉnh uỷ và Ban Chỉ huy các trung đoàn quyết định chọn vị trí Văn Đàn làm điểm đột kích, mở hướng vào vùng Hải Hậu.

            Ngày 05/01/1952, đồng chí Trẫn Nẫm, Uỷ viên Liên khu III kiêm Chính uỷ Trung đoàn 46 triệu tập các đồng chí Lại Xuân Thát, Bí thư Huyện uỷ; Hồng Sơn, Huyện đội trưởng Hải Hậu sang Trực Ninh nhận nhiệm vụ: chuẩn bị địa bàn tập kết, bảo đảm hậu cần, tổ chức lực lượng dẫn đường phục vụ chiến đấu. Đồng chí Chính trị viên huyện đội Trực Ninh được giao nhiệm vụ huy động lực lượng, bảo đảm phương tiện giúp bộ đội vượt sông.

            Đêm 7/01/1952, một đơn vị bộ đội của Trung đoàn 46 và 52 vượt sông Ninh Cơ sang Hải Hậu. Từ khu Đò Mới xã Trực Đại, bộ đội bí mật hành quân về thôn Phương Đê, xã Minh Khai (Hải Minh) tập kết. Tại đây, đảng uỷ xã đã lãnh đạo nhân dân chuẩn bị các mặt: cơ sở trú quân, tiếp tế hậu cần và tổ chức hai tiểu đội du kích tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Thôn Phương Đê là một trong những căn cứ vững của huện, có kinh nghiệm đấu tranh bảo vệ cơ sở trong vùng địch, bảo đảm cho bộ đội nghỉ ngơi an toàn, làm tốt công tác chuẩn bị chiến đấu.

            Đêm ngày 8/1, trận đánh mở màn cho toàn huyện tiến công địch bắt đầu theo đúng kế hoạch. Tiếng súng tiến công đồn Văn Đàn bắt đầu nổ cũng là hiệu lệnh thống nhất cho phong trào toàn huyện nổi lên phá tề, trừ gian, Kế hoạch hành động táo bạo đó nhằm tạo thế bất ngờ và thực tế ở Hải Hậu lúc đó cũng đã có những căn cứ để thực hiện kế hoạch đó. Nhưng do trinh sát nắm tình hình địch chưa kỹ (cuối năm 1951, địch đã tăng cường cho vị trí Văn Đàn một đại đội Âu Phi), trận đánh Văn Đàn đêm đó không thành công, hơn 20 chiến sỹ bị thương vong. Bộ đội phải rút về tập kết ở khu chợ Hàng - đền Bảo Ninh, cách Văn Đàn hơn 1 km về phía nam. Cán bộ và du kích xã Hải Phương tham gia thu dọn chiến trường cho tới gần sáng.

            Phối hợp với hoạt động quân sự, theo chỉ đạo của huyện ngay trong đêm ngày 8/01/1952 hầu hết các xã trong huyện đã nổi dậy bao vây, trấn áp và bắt giữ những tên tề ngoan cố. Có nơi cán bộ, du kích đã ra hoạt động công khai. Song trong tình hình Hải Hậu lúc đó, phong trào chưa thể phát triển hơn được, vì lực lượng chính trị, vũ trang tại chỗ của ta chưa đủ mạnh, sự phối hợp tiến công của bộ đội, du kích với nổi dậy của nhân dân chưa nhịp nhàng. Đại đội 28 mới thành lập, còn phân tán, hình thức hoạt động như một đội vũ trang tuyên truyền. Nhìn chung khả năng của lực lượng du kích trong nhiệm vụ bảo vệ cán bộ, cơ sở còn hạn chế. Trong khi đó các vị trí đồn, bốt, các nhóm dõng, dân vệ vũ trang của địch vẫn còn nguyên vẹn. Chúng chỉ tạm thời co vào, nghe ngóng tình hình. Trước thực tế này, đòi hỏi phải có một thắng lợi quân sự lớn để nhân dân bung ra tiến công địch, nếu không sẽ bị địch phản công.

            Sáng 9/1, địch cho máy bay trinh sát và cho quân từ Lạc Quần theo đường bờ sông Múc xuống thăm dò, liên lạc với vị trí Văn Đàn. Địch đã chú ý đề phòng, tăng cường lực lượng. Chuyển tình hình phức tạp, bất lợi thành có lợi cho ta quả là một thử thách, cả về mưu lược trong chỉ đạo và sự khéo léo trong tổ chức hành động. Tại khu chợ Hàng - đền Bảo Ninh, Ban chỉ đạo tỉnh và các đồng chí lãnh đạo huyện nhận định: “Địch phải tiếp viện cho Văn Đàn, vì Văn Đàn là vị trí then chốt, nằm sâu ở phía nam, đang bị uy hiếp”, do đó quyết định: “Chuyển từ đánh đồn sang vây đồn, diệt viện”. Ban chỉ đạo phán đoán: Từ Bùi Chu, Lạc Quần chi viện cho Văn Đàn, địch có thể đi theo đường bờ sông Múc hoặc đường 21, nhưng do yêu cầu khẩn cấp tăng cường cho Văn Đàn, nên chúng nhất định phải đi bằng cơ giới và phải qua khu chợ Cầu Đôi, ngã tư của hai đường giao thông quan trọng 21 và 56, cách Văn Đàn hai km. Trên cơ sở ấy, ta đã chọn khu chợ Cầu Đôi làm điểm phục kích đánh quân tiếp viện.

            Đêm 09/01, từ khi chợ Hàng - đến Bảo Ninh, bộ đội hành quân bí mật xuống khu đò Hai Đồng, rồi vượt sông Múc, ngược lên xã Phan Chu Trinh (Hải Hưng). Kế hoạch của ta là: lực lượng chủ công ém ở xóm Thượng, nằm ở phía bắc chợ Cầu Đôi và ở phía sát đường 21; bộ phận quân báo phục vụ ở đầu xóm Ro (Hải Thanh) và chợ Trâu (Hải Nam). Các lực lượng khác bố trí ở thôn Trà Hạ và Ban chỉ đạo đóng ở Văn Chỉ, thôn Thanh Quang, xã Ái Quốc (Hải Thanh). Toàn bộ công tác hậu cần được triển khai tại xã Ái Quốc từ chiều ngày 09/01, do đồng chí Lê Toàn, Phó Bí thư Huyện uỷ trực tiếp chỉ đạo. Khi kết thúc trận đánh, các đơn vị bộ đội, du kích sẽ tập kết về địa bàn xã Hưng Đạo (nay là ba xã: Hải Hà, Hải Phúc, Hải Lộc).

            Bộ đội về đông nên việc giấu quân và chuẩn bị cho một trận đánh trên địa hình trống trải, nằm sâu trong vùng địch thật không đơn giản. Nhưng một lần nữa, nhờ kết quả phục hồi và xây dựng cơ sở của ta trong những năm tháng ở vùng sau lưng địch, nhờ sự che trở, đùm bọc của nhân dân, nên việc bảo đảm an toàn cho bộ độ và triển khai mọi mặt chuẩn bị cho trận đánh khá thuận lợi. Mặt khác, ta đã kịp thời trấn áp hệ thống tề dõng, bắt giữ những tên tay sai chỉ điểm. Bọn chúng không liên hệ được với vị trí Văn Đàn và Lạc Quần, Bùi Chu, không biết hoạt động cụ thể của bộ đội ta, không phán đoán được việc ta chuyển quân và bố trí một trận đánh phục kích trên đường 21. Chúng cho rằng ta sẽ tiếp tục tấn công Văn Đàn.

            Sáng 10/01, chợ Cầu Đôi vẫn họp như thường lệ, nhưng đã có những biểu hiện không bình thường. Chỗ này, chỗ kia, mọi người nhỏ to: bộ đội mới về, Văn Đàn vừa bị đánh. Sáng đó, du kích xã Ái Quốc đã đụng độ với một nhóm dõng ở Cầu Đôi; du kích Hưng Đạo đuổi dõng, cướp súng ở gần cầu xi măng sông Rộc. Khí thế của quân, dân Hải Hậu vào thời điểm đó như một lò than hồng, chỉ cần một làn gió thổi vào là có thể bùng lên mạnh mẽ.

            Quá trưa, đường 21 vẫn yên tĩnh. Từ Lạc Quần, bảy xe chở đầy lính lê dương bị lọt vào trận địa. Sau viên đạn bắn trúng chiếc xe đầu, các cỡ súng của ta từ xóm Thượng nổ ran, dồn ép chúng sang bên kia đường. Địch bất ngờ, bị động và lâm vào tình thế nan giải. Sát đường là sông, bên kia sông là ruộng ải, vì thế chúng phải liều mạng chạy xô vào làng. Một tình huống diễn ra ngoài phương án tác chiến của bộ đội. Trận phục kích của bộ đội, du kích trở thành một trận đánh phối hợp của bộ đội, du kích, nhân dân. Nhân dân hò reo, mang rơm, rạ ra đốt xe đuổi bắt giặc. Phụ nữ cũng xông ra bắt được lính lê dương, thu súng. Riêng chiến sỹ du kích Phạm Văn Hành truy lùng, đuổi bắt được chín tên. Trận đánh kết thúc nhanh chóng. Ta tiêu diệt đại đội 15 thuộc trung đoàn Âu Phi thứ hai, bắt sống 46 tên, phá huỷ năm xe cơ giới, thu trên 200 súng các loại cùng toàn bộ đạn dược, quân trang, quân dụng và một hòm tiền gồm 5 vạn đồng Đông Dương.

            Tin thắng trận được nhân dân truyền miệng trong niềm hân hoan phấn khởi đã lan nhanh ra toàn huyện Hải Hậu, rồi sáu huyện phía nam tỉnh Nam Định:

Có ai về chợ Cầu Đôi

Mà xem bộ đội vừa thui quân thù

Thực dân cháy lẫn cao su

Pha mùi thuốc súng khét mù địa phương

Năm xe chỏng gọng trên đường…

            Trận đánh tiêu diệt một đại đội, phá huỷ năm xe cơ giới chưa phải là một trận đánh lớn, nhưng ý nghĩa của nó lại hết sức lớn. Đó là trận điểm huyệt, mở toang cánh cửa vào tuyến dinh luỹ vùng sau lưng địch, tạo điều kiện cho một cao trào đấu tranh quần chúng. Chiến công đó trước hết thuộc về các đơn vị bộ đội tham gia chiến đấu và sự chỉ đạo, chỉ huy mưu trí kịp thời. Song qua đó cũng thấy rõ vai trò quan trọng của nhân dân, của cơ sở kháng chiến trong vùng sau lưng địch. Nếu không có nhân dân, địa phương là chỗ dựa tin cậy thì cũng khó có “Chiến thắng Cầu Đôi”. Đồng chí Lê Thanh Nghị, Bí thư Liên khu uỷ III hồi đó nhận xét: “Trong hoàn cảnh bị địch tạm chiếm đóng sâu, phản động mạnh, khi chủ lực khu đánh vào làm chủ tình thế hai, ba ngày, Hải Hậu đã tiến lên mở được khu căn cứ, phát triển thành khu liên hoàn bốn, năm huyện…”

            Sau chiến thắng Cầu Đôi, bộ đội được củng cố, tinh thần phấn chấn, tiếp tục hành quân lên hướng bắc để tiến công địch. Tương quan địch, ta ở trong huyện có sự chuyển biến rõ rệt. Địch không còn hy vọng mong chờ quân tiếp viện. Các vị trí lớn như Cầu Đen, Ninh Cường, Văn Đàn phải co vào phòng thủ. Các đồn lẻ, các ban tề, dõng rơi vào thế chênh vênh, không đủ sức kháng cự. Những nơi cơ sở ta vững, phong trào ta mạnh, các tổ chức tề dõng phải tự giải tán hoặc tiêu tan. Trái lại, phong trào đấu tranh của nhân dân trong huyện dưới sự lãnh đạo của Huyện uỷ đã nhanh chóng phát triển. Từ điểm “Cầu Đôi” lan ra các điểm trong toàn huyện, chiến thắng quân sự thúc đẩy các mặt khác của phong trào. Các đoàn thể nhanh chóng được phục hồi, phát triển. Đây là lực lượng chính trị mạnh mẽ trong việc phá tề, trừ gian, mở rộng khu du kích. Đại đội 28, được Tiểu đoàn Kiên Trung (đơn vị đánh trận Cầu Đôi sau chiến thắng được đặt tên là Tiểu đoàn Kiên Trung) chuyển giao một số vũ khí, trở thành một đại đội bộ đội địa phương hoàn chỉnh, là lực lượng nòng cốt hỗ trợ phong trào đấu tranh của nhân dân các xã, tiến lên bao vây, bức hàng hoặc đập tan các ổ nhóm vũ trang của địch trên địa bàn huyện.

            Từ chiến thắng Cầu Đôi đến chiến thắng Văn Đàn là 55 ngày đêm cao trào tiến công địch của nhân dân và lực lượng vũ trang tại chỗ, tạo địa bàn cho bộ đội chủ lực tiếp tục tiến công tiêu diệt các vị trí địch còn lại. Chỉ hơn hai tuần, ta đã đập tan 28 vị trí với gần 800 tên nguỵ binh, dân vệ; xoá bỏ 15 đội hương, dõng gồm 300 tên; thu trên 500 vũ khí các loại và quét sạch 64 ban tề, đưa chính quyền ta ra công khai. Vừa mở rộng địa bàn, vừa phát huy quyền làm chủ, huyện đã kịp thời huy động động dân công, chuyển “thóc yêu nước” ra vùng tự do, phục vụ toàn quốc kháng chiến; động viên hàng trăm thanh niên tình nguyện lên đường đánh giặc. Đồng thời để ổn định tình hình chính trị và đời sống nhân dân, huyện phát động toàn dân “khẩn hoang phục hoá”, tiếp tục khôi phục và phát triển lực lượng của địa phương, phát triển các đoàn thể. Thế liên hoàn đã hình thành, vũ khí của trên được chuyển sang trang bị cho lực lượng của địa phương. Nhờ vậy, du kích Hải Hậu đã nhanh chóng được xây dựng, củng cố về các mặt. Tại Hội nghị tổng kết phong trào đấu tranh của nhân dân trong vùng bị địch tạm chiếm, Liên khu uỷ III nhận xét: “Hải Hậu đã coi trọng xây dựng lực lượng từ yếu lên mạnh; nắm vững tư tưởng tiến công, khi có điều kiện đã biết đón thời cơ, phát động quần chúng vùng lên giành chính quyền, làm chủ, phá tề, trừ gian, bao vây vị trí địch khiến chúng phải co lại, tổ chức của chúng phải tan rã, đầu hàng…”

            Quyết tâm giành bốt Văn Đàn

            Đến tháng 02/1952, Liên khu III lại đưa chủ lực vào tiếp tục tiến công các vị trí còn lại. Ngày 03/02 địch rút bỏ bốt Cầu Đen. Cùng ngày, ta đáng bốt Lác Môn. Ngày 19/02, ta tiến công tiêu diệt vị trí Ninh Cường lần thứ nhất. Khu du kích của ta đã bao gồm từ phía nam đường Đen đến Nam Trực và một phần Trực Ninh, trung hạ Nghĩa Hưng, nối liền với Hải Hậu, Giao Thuỷ và nam Xuân Trường. Ở Hải Hậu, địch chỉ còn lại vị trí Văn Đàn.

             Văn Đàn là một trong những vị trí kiên cố nhất của địch ở phía nam Nam Định, được chúng dựng lên từ trận càn Ăngtraxit cuối năm 1949. Trong hơn hai năm, từ vị trí này, chúng đã tiến hành nhiều cuộc càn quét, gây bao tội ác với nhân dân Hải Hậu. Sau đêm 8/1/1952, dân quân du kích cùng bộ đội địa phương đã tiến hành vây hãm vị trí này. Quân dân xã Hải Phương trực tiếp đắp đập, ngăn sông, gây ô nhiễm dòng nước, bao vây cắt nguồn tiếp tế lương thực, thực phẩm, buộc địch vào tình thế ngày càng bị cô lập và khốn quẫn. Chúng phải dùng máy bay thả dù tiếp tế, nhưng cũng không  thể cải thiện được tình hình. Kết hợp với bao vây, bắn tỉa, dân quân du kích và nhân dân còn đốt lửa gây thanh thế, tổ chức những buổi cổ động, những tối hành quân nghi binh rất rầm rộ. Đêm đêm, tiếng loa địch vận của chị em phụ nữ lại vang lên, xoáy vào tâm can binh lính, làm cho tinh thần chúng càng hoang mang. Trong tình hình đó, ta tổ chức đánh Văn Đàn lần thứ hai.

            Rút kinh nghiệm trân đánh Văn Đàn lần trước, ta chuẩn bị mọi mặt chu đáo hơn. 23 giờ, ngày 4/3/1952, một bộ phận của Trung đoàn 46 cùng Đại đội 28 và du kích các xã đã nổ súng tấn công vị trí Văn Đàn. Cuộc chiến đấu diễn ra rất quyết liệt và phải giằng co, kéo dài. Sáng ngày 5/3, địch chi viện máy bay ném bom cháy xuống chung quang vị trí Văn Đàn, làm nhiều nhà dân bị thiệt hại. Nhưng bộ đội và du kích vẫn dũng cảm bao vây, đánh địch. Đặc biệt, ta đã đẩy mạnh công tác địch vận, tiếp xúc với chỉ huy của chúng ở trong đồn. Kết hợp tấn công, bao vây, bắn tỉa, vận động binh lính, ta đã buộc toàn bộ 105 tên, có hai sỹ quan Pháp trong vị trí này phải kéo cờ trắng xin hàng và thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng. Trận đánh kết thúc vào lúc 19 giờ ngày 5/3/1952.

            Từ ngày địch chiếm đóng Văn Đàn cho đến khi bị quân dân ta tiêu diệt vừa tròn 2 năm, 4 tháng. Thời gian ấy trùng với thời kỳ Hải Hậu và cả vùng phía nam Nam Định bị địch tạm chiếm. Nếu Cầu Đôi là chiến công mở màn rực rỡn thì Văn Đàn xứng đáng là chiến thắng vẻ vang, kết thúc đợt tiến công, đánh đuổi quân giặc liên tục, chuyển Hải Hậu từ vùng bị địch tạm chiếm thành vùng du kích và căn cứ du kích liên hoàn gồm phần lớn các huyện miền nam tỉnh, nối liền với các huyện mới được giải phóng miền Bắc tỉnh. Phong trào kháng chiến ở Hải Hậu chuyển sang giai đoạn mới: củng cố, mở rộng và bảo vệ khu du kích, chống địch càn quét, giải phóng quê hương./.

Lâm Nhật Bôn

Uỷ ban Nhân dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định
- Điện thoại: 0350. 3877.141 - Fax: 0350.3877.143
- Email: vanphong@haihau.vn
© 2003-2010 by INCOM
CLB DOANH NHÂN HẢI HẬU
Góp ý: doanhnhan@haihau.vn
SEO là gì | XSMB | XSMT | Lịch Vạn Niên |