news

Tấn công đồn Khâm, diệt viện ở Tứ Trùng

(09:44, 02/05/2013)

Trong không khí phấn khởi cả nước kỉ niệm 38 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2013), 59 năm chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" (07/5/1954 - 07/5/2013) mỗi người dân Việt Nam lại bồi hồi nhớ về những ngày tháng lịch sử ấy và ôn lại những thời khắc không thể nào quên của cha ông ta. Chiến thắng vẻ vang đó có công đóng góp to lớn của hậu phương lớn vững chắc vừa chiến đấu bảo vệ từng tấc đất quê hương vừa đóng sức người, sức của cùng tiền tuyến đánh giặc, trong đó có huyện Hải Hậu. Từ sự kể lại của những nhân chứng lịch sử, chúng tôi gửi đến bạn đọc những trận đánh gay go, ác liệt nhất của thời kỳ cán bộ và nhân dân Hải Hậu từng bước phát triển lực lượng, chống địch càn quét chiếm đóng, xây dựng vùng du kích tiến lên giải phóng quê hương (giai đoạn 10/1949 - 6/1954).

Thực hiện kế hoạch bình định đồng bằng Bắc Bộ, đầu năm 1949, quân Pháp đã đánh chiếm Bùi Chu, Phát Diệm. Đến cuối năm 1949, thực hiện kế hoạch Rơve địch tập trung ba binh đoàn cơ động, có hải, lục, không quân chi viện mở cuộc hành quân Ăng-tơ-ra-xin (Angtheracil) tấn công ồ ạt và bình định gần như toàn bộ sáu huyện phía nam Nam Định. Chúng coi đây là một trong những điểm đột phá vì đây là vùng đất phì nhiêu, dân cư đông đúc,lại là vùng có đông đồng bào theo đạo Thiên Chúa ở miền duyên hải Bắc Bộ, xung quanh có biển Đông, sông Hồng, sông Ninh, sông Sò, sông Đáy bao bọc, thuận tiện cho địch dùng thuỷ, lục, không, quân tiến công chiến đóng. Chúng nêu chiêu bài chống Cộng, “Giải phóng đất Thánh”, giành “tự do Công giáo” nhằm che đậy hành động xâm lược.

Ta chỉ còn duy trì được lực lượng ở một số xã như Đồng Nguyên, Bắc Sơn, còn hầu hết cơ sở của ta tạm thời bị bật ra ngoài, một số nằm im, một số bị chúng tàn sát. Địch đã lập được tề, dõng ở phần lớn các thôn, xã; biến nhiều nhà thờ thành đồn bốt. Chúng tàn phá làng mạc, đốt nhà, cướp của, sát hại nhân dân, bắt bớ, giết cán bộ, du kích bằng những thủ đoạn dã man như: chặt đầu, bêu đầu, cắt gân, đốt mười đầu ngón tay,…Chúng vất xác những người bị giết xuống sông, ngòi trôi ra biển. Chúng cưỡng ép nhân dân Hải Hậu phải cải lương, tòng giáo. Quần chúng sôi sục căm thù nhưng thiếu sự lãnh đạo của cán bộ và sự hỗ trợ trực tiếp của lực lượng vũ trang.

Trước tình hình trên, thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ, Tỉnh đội đưa hai Đại đội 33 và 91, lúc đó đang cùng với Đại đội 26 hoạt động ở khu căn cứ du kích Ý Yên và Vụ Bản trở về sáu huyện phía nam của tỉnh hoạt động, với nhiệm vụ hỗ trợ và cùng lực lượng chính trị, vũ trang của các huyện này xây dựng và khôi phục lại cơ sở. Trước mắt, Đại đội 91 về huyện Hải Hậu, Đại đội 33 hoạt động ở huyện Nam Trực và Trực Ninh. Tỉnh đội phân công đồng chí Đặng Thiết, Tỉnh đội phó chỉ huy hai Đại đội và chỉ đạo sáu huyện phía nam Nam Định về mặt quân sự.

Cuối năm 1950, sau khi hai Đại đội 91 và 33 tập kết ở xã Đồng Nguyên, Bắc Sơn, một cuộc họp liên tịch được tổ chức để bàn kế hoạch thực hiện nhiệm vụ. Tham dự cuộc họp có đồng chí Hải, Thường vụ Tỉnh uỷ, đồng chí Thát, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Hải Hậu; đồng chí Đặng Thiết, Tỉnh đội phó; đồng chí Doãn, Đại đội trưởng; đồng chí Thạch Sơn, chính trị viên Đại đội 91; đồng chí Chu Hải Thọ, Đại đội trưởng Đại đội 33; đồng chí Hồng Sơn, Huyện đội trưởng Hải Hậu; đồng chí Huy, Huyện đội trưởng Nam Trực và các đồng chí Huyện uỷ, Huyện đội Nam Trực, Trục Ninh.

Sau khi nghe báo cáo tình hình, nhất là báo cáo của đồng chí Hồng Sơn, Hội nghị nhận định: Ở Hải Hậu, thực dân Pháp lợi dụng công giáo, biến một số nhà thờ thành đồn bốt, thành lập ở 35 nhà xứ có linh mục lực lượng dân vệ, mỗi nơi xó từ 1 tiểu đội đến 1 trung đội. Trong đó, đồn trưởng Trùng Phương là Vũ Đức Khâm - tên ác ôn đầu sỏ, phản động khoác áo linh mục ngông cuồng tuyên bố: Sẽ diệt bằng hết Việt Minh, chỉ sợ không đủ đất chôn; thực hiện: “Càn thanh, quét cán, diệt cộng”. Theo lệnh của Pháp, hắn về Hải Hậu lập đồn ở nhà thờ xứ Trùng Phương (nay thuộc xã Hải Đường), nhân dân gọi là “đồn Khâm”. Đồn Trùng Phương do một trung đội nguỵ binh đóng giữ, vòng ngoài đồn là lực lượng vệ sĩ, ác ôn. Chung quanh đồn, chúng rải chà tre, gai song. Từ Trùng Phương, tên Khâm cho quân lính đi vây, lùng, sục sạo tới các khu chợ Mới, chợ Đền, chợ Hàng,…bắt bớ, tra tấn nhân dân, chém, giết cán bộ, du kích rất dã man. Chỉ trong vài tháng chiếm đóng tại đây, Vũ Đức Khâm biến cả xứ Trùng Phương - nơi Thánh đường tôn nghiêm thành hoả ngục, thành nơi tra tấn, đánh đập hàng trăm người theo kiểu thời trung cổ. Y biến chiếc cầu tre An Phú bắc trên sông Ngòi Cau ở giữa hai thôn xóm An Lạc và An Phú thanh bình thành điểm giết người rùng rợn. Y và tay chân đã tra tấn đến chết, hoặc chặt đầu, mổ bụng gần 400 người là cán bộ, du kích và nhân dân yêu nước rồi vất xác xuống sông. Từ đó nhân dân trong vùng gọi cầu tre An Phú là “Cầu Uất Hận” và truyền tụng:

“…Sông Cau uống máu đắp nên mồ

Trôi chảy giữa dòng xác nhấp nhô…”

Sau các cuộc càn quét khốc liệt, cơ sở và lực lượng vũ trang huyện bị tổn thất nặng. Quần chúng hoang mang, khiếp sợ. Nếu chưa giết được tên Khâm mà cho lực lượng vũ trang tỉnh và cán bộ huyện phân tán về xây dựng, khôi phục cơ sở thì không những không có kết quả mà còn bị tiêu hao thêm lực lượng. Do đó, đồng chí Thát và đồng chí Hồng Sơn đề nghị phải diệt tên Khâm. Qua phân tích tình hình mọi mặt, chỗ mạnh, yếu của địch; khó khăn, thuận lợi của ta, những trở ngại phải khắc phục. Hội nghị quyết định: “Kiên quyết tập trung lực lượng vũ trang của tỉnh, trước hết diệt tên Khâm và những tên ác ôn khác, làm đà cho lực lượng vũ trang và quần chúng đấu tranh, sau đó mới phân tán các đại đội về từng địa bàn hoạt động như chủ trương đã đề ra”.

Việc chọn đồn Trùng Phương làm điểm tập kích thể hiện quyết tâm phải đánh một đòn thật hiểm, làm rung chuyển hệ thống kìm kẹp của địch.

 Kế hoạch tác chiến như sau: diệt đồn Trùng Phương: Đại đội 91 áp sát phái đông và đông nam đánh vào nhà, giết tên Khâm, giải phóng nhà tù. Đại đội 33 áp sát mặt phía bắc và đông bắc đánh chiếm dãy nhà bếp, nhà kho. Sau đó, cả hai đại đội phối hợp đánh chiếm đồn. Một trung đội bộ đội địa phương huyện Trực Ninh, do đồng chí Tụng, Huyện đội phó chỉ huy có nhiệm vụ diệt một số tên ác ôn ở các thôn, xã phía sông Ninh Cơ, giáp Hải Hậu. Bộ đội địa phương huyện Hải Hậu sẽ phân tán, xé lẻ làm nhiệm vụ trinh sát dẫn đường và cùng chiến đấu với Đại đội 91 và Đại đội 33. Sau khi tiêu diệt xong đồn Khâm, các đơn vị kể cả phân đội bộ đội Trực Ninh, đều tập kết về thôn Tứ Trùng, cách đồn Khâm hơn 1km về phía bắc để diệt quân tiếp viện từ Văn Đàn xuống.

Công tác bảo đảm cho bộ đội vượt sông Ninh Cơ cả hai lần đi và về do Huyện đội Trực Ninh, trực tiếp là đồng chí Bàng, cán sự huyện đội phụ trách. Công tác động viên tinh thần chiến đấu, vận động quần chúng, hậu cần, thương binh, liệt sỹ, những khó khăn trở ngại khi hành quân, trú quân, giữ bí mật trong vùng địch tạm kiểm soát sâu, dân bị địch khống chế và đồn bốt dày đặc,… cũng được thảo luận và tìm cách khắc phục.

Ban Chỉ huy gồm đồng chí Thiết và đồng chí Thát. Vị trí chỉ huy đặt tại cây đa da còm thôn An Lạc, cách đồn Khâm trên 100 mét về phía tây bắc; trạm cứu thương đặt ở đình An Lạc.

Trong hội nghị cũng như khi vạch kế hoạch tác chiến, mọi người đều quán triệt tinh thần: Đây là một trận đánh quan trọng có nhiều khó khăn, gian khổ; nhưng cũng có những thuận lợi. Bộ đội ta không ngại khó khăn, gian khổ, trên dưới một lòng, dũng cảm chiến đấu, lại được nhân dân Hải Hậu giúp đỡ, nhất định sẽ chiến thắng.

Quyết tâm và kế hoạch tác chiến nhanh chóng được quán triệt xuống các đơn vị, cán bộ dân, chính, Đảng của huyện và các cơ sở. Mọi người phấn khởi, nhất là lực lượng vũ trang, vì được tập trung lực lượng tiêu diệt đồn Khâm diệt tên ác ôn đầu sỏ trước khi phân tán lực lượng về từng huyện xây dựng cơ sở. Bấy giờ là giáp Tết Nguyên Đán Canh Dần, không khí chuẩn bị chiến đấu càng khẩn trương. Ngày 27 - 28 Tết mà cán bộ, chiến sỹ, dân quân du kích, nhân dân không ai nghĩ đến “ăn Tết”.

Đêm ngày 05/02/1951( tức 29 Tết Canh Dần), từ xã Đồng Nguyên và Bắc Sơn, Nam Trực, bộ đội hành quân đến Hải Hậu. Đồng chí Bàng, được nhân dân giúp đỡ, đã chuẩn bị sẵn sàng ba thuyền ván gỗ, một vài thuyền con cho bộ đội vượt sông đảm bảo nhanh chóng, bí mật, an toàn. Khi bộ đội đến vị trí tập kết, nhân dân lúc đầu còn sọ, nhang được giả thích nên tin tưởng và phấn khởi. Nhiều gia đình nấu cơm, làm cỗ đãi bộ đội trước giờ ra trận.

9 giờ sáng, ngày 30 Tết, một tốp địch khoảng 20 tên sục sạo vào làng nơi ta đóng quân, bắn mấy phát súng vu vơ rồi rút. Ta giữ kín được lực lượng, bộ đội được nghỉ ngơi để tiếp tục hành quân chiến đấu.

Đêm ngày 06/02/1951 (tức 30 Tết), bộ đội bí mật hành quân theo đường 56, rẽ xuống đường chia mốc hai huyện, đến xóm Hoành Vượt, khu vực đồn Khâm. Gần nửa đêm, cả hai đại đội đã áp sát đồn địch và nhất loạt nổ súng tấn công. Đại đội 91 đánh vào nhà tên Khâm. Y bị thương nặng, cùng binh lính chạy vào nhà thờ cố thủ. Ta phá trại giam, giải phóng trên 200 cán bộ, du kích và cơ sở. Đại đội 33 đánh chiếm khi nhà bếp, nhà kho. Sau đó, cả hai Đại đội phối hợp đánh chiếm nhà thờ, nơi đã bị biến thành đồn binh kiên cố. Bọn địch chống trả quyết liệt. Đến 2 giờ sáng mồng 1 Tết, ta vẫn chưa chiếm được đồn, Ban Chỉ huy lệnh cho bộ đội rút về địa điểm đã quy định. Lính địch khiêng tên Khâm bị thương bỏ trốn không dám trở lại nhà thờ xứ Trùng Phương nữa.

4giờ 30 phút, ngày 07/02/1951 (mồng 1 Tết Canh Dần), các đơn vị rút về chợ Mới, Tứ Trùng. Hai Đại đội bố trí ở hai mặt thôn ôm lấy con ngòi nhỏ, Đại đội 33 ở phía bắc thôn, Đại đội 91 ở phía nam thôn để chặn đánh và diệt địch từ các hướng đến chi viện (chủ yếu là từ Văn Đàn xuống). Nhân dân ở đây bị địch ép buộc phải cải lương, tòng giáo, ai cũng khiếp sợ, đang đêm không giám mở cổng, mở cửa cho bộ đội vào nhà.

Theo kế hoạch, bộ đội nhanh chóng triển khai công sự chiến đấu, tổ chức tuyên truyền, giải thích, ổn định tư tưởng quần chúng. Sẵn truyền thống yêu nước, lại được giải thích, nhân dân không sợ nguy hiểm, hăng hái giúp đỡ bộ đội phục vụ chiến đấu.

8 giờ sáng, địch từ Văn Đàn theo đường ngòi, hành quân tiến về đồn Khâm. Đến chợ Mới, đối diện với thôn Tứ Trùng, chúng triển khai lực lượng: chiếm chùa, đặt súng trung liên trên tháp chuông chùa và ở mép sông rồi nổ súng tấn công vào lực lượng của ta.

Địch nổ súng quyết liệt. Khoảng 30 phút sau ta phát hiện đội hình địch dàn mỏng. Ban chỉ huy ra lệnh điều một trung đội vượt ngòi về phía nam, vừa chặn đầu vừa vòng về phía sau chùa bao vây địch; điều một trung đội khác vòng qua khu nghĩa địa, vượt ngòi chia cắt đội hình, đánh bật đại bộ phận địch về phía Văn Đàn; một trung đội khác được lệnh vượt cầu, xung phong đánh vào giữa đội hình bộ phận đi đầu của địch đanh bị bao vây chia cắt ở khu chợ Mới và Tứ Trùng. Bị bất ngờ, bị đánh mạnh, bị chia cắt giữa bộ phận ở phía trước và phía sau. Chỉ huy và binh lính hoang mang, đại bộ phận tháo chạy tán loạn về phía Văn Đàn. Bộ phận đi đầu khoảng một đại đội, ở chợ Mới và chùa chống đỡ yếu ớt, một số ít chạy thoát, còn phần lớn bị ta tiêu diệt và bắt sống. Khoảng 12 giờ trưa, ta làm chủ trận địa. Trong trận đánh này, ta tiêu diệt khoảng 1 đại đội, bắt sống 20 tên, thu một trung liên, trên 20 khẩu súng trường và tiểu liên.

Trận đánh đồn Khâm thắng lợi, nhân dân toàn huyện phấn khởi, phong trào chiến tranh du kích được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc duy trì, khôi phục, phát triển cơ sở cách mạng. Sau chiến thắng, Đại đội 91 bộ đội tỉnh, bộ đội huyện Hải Hậu, cán bộ các ngành đã chia thành từng tổ về từng xã khôi phục và xây dựng phong trào. Đến cuối năm 1951, cơ sở kháng chiến ở Hải Hậu đã được khôi phục, củng cố, xây dựng khá vững chắc.

Trận đánh bức rút đồn Khâm, diệt viện ở chợ Mới, Tứ Trùng (Hải Hậu) có ý nghĩa rất lớn về nhiều mặt: Về chính trị: Đây là cuộc vũ trang tuyên truyền rộng lớn đi sâu vào lòng địch, phát động, động viên quần chúng đứng lên tham gia cách mạng, tiêu diệt kẻ thù.

Về mặt quân sự, đó là một đợt hoạt động ngắn có tính chất chiến dịch trong phạm vi đại phương huyện, nhằm trừng trị những tên đầu sỏ gian ác nhất, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, làm suy yếu tinh thần chiến đấu, phá bung hệ thống kìm kẹp của địch. Nó đánh dấu một bước chuyển quan trọng vào thời kỳ cuối “2 năm 4 tháng địch tạm chiến”, tạo điều kiện cho quân và dân Hải Hậu, cũng như một số huyện khác khôi phục và phát triển phong trào chính trị, phong trào chiến tranh du kích, tạo đà phát triển phong trào kháng chiến ở huyện và tỉnh Nam Định  vào cuối năm 1951, đầu năm 1952. Đó là những trận đánh tập trung cỡ tiểu đoàn đầu tiên có tổ chức và chỉ huy chặt chẽ, ở vùng địch tạm chiếm đóng sâu, đánh dấu sự trưởng thành của bộ đội địa phương tỉnh Nam Định sau ba năm xây dựng (1947 - 1949)./.

 

Thiếu tướng Đặng Thiết

Uỷ ban Nhân dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định
- Điện thoại: 0350. 3877.141 - Fax: 0350.3877.143
- Email: vanphong@haihau.vn
© 2003-2010 by INCOM
CLB DOANH NHÂN HẢI HẬU
Góp ý: doanhnhan@haihau.vn
SEO là gì | XSMB | XSMT | Lịch Vạn Niên |