news

Văn hóa Hải Hậu – Văn hóa cội nguồn Tứ tính, Cửu tộc

(05:40, 01/02/2019)

      Hải Hậu – mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, mảnh đất địa linh nhân kiệt. Ngay từ buổi đầu lập đất, cư dân lấn biển đoàn kết dưới sự tổ chức, hướng dẫn của các Dinh điền sứ - những nhà trí thức, những nhà kinh tế - văn hóa tài năng. Từ khi xã Quần Anh đầu tiên ra đời (1511) đã nổi tiếng là đất “Quần Anh văn vật”. Dưới triều Nguyễn, năm 1862 được triều đình phong sắc “Mỹ tục khả phong” rồi “Thiện tục khả phong (năm 1867)” cho vùng đất này. Một vùng đất giàu truyền thống văn hóa từ cội nguồn “Tứ tính,Cửu tộc” với “Khí phách kiên cường, ý chí tự lực tự cường; Cố kết cộng đồng bền chặt” được các hậu duệ tiếp tục kế thừa và phát huy tinh thần tiên phong, đổi mới tiếp tục xây dựng đời sống vật chất – tinh thần phong phú.
      Khí phách kiên cường, ý chí tự lực tự cường; Cố kết cộng đồng bền chặt
     Ngay từ thời mở đất, lập làng quá trình lịch sử lấn biển, khẩn hoang lập ấp của Tứ Tổ Trần Vu, Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập bắt đầu công cuộc khai khẩn vùng bãi bồi Lạch Lác đã khẳng định một khí phách kiên cường, ý chí tự lực tự cường và cố kết cộng đồng bền chặt của thế hệ cha ông. Buổi đầu lập đất Phú Cường - ấp đầu tiên của Quần Anh và cũng là ấp đầu tiên của Hải Hậu (Nay là xóm 6 xã Hải Trung). Một quá trình đấu tranh kiên cường với thiên nhiên để giành lấy đất đai và cuộc sống, những biện pháp quai đê lến biển, thau chua rửa mặn, lựa chọn cây trồng, vật nuôi với những phương pháp thâm canh hiệu quả trên vùng đất mới. Mỗi một địa danh, một cái tên được hình thành là một mốc son lịch sử đấu tranh mở đất của ông cha; ghi dấu tinh thần cố kết cộng đồng, chung lưng đấu cật.
 


 

      Diễn ra suốt hơn 5 thế kỷ với các tên gọi Phú Cường mở thành Quần Cường ấp rồi thăng xã Quần Anh (1511); đến thời kỳ thứ 2 (1512 - 1804) với các tên gọi được chia ra từ xã Quần Anh gồm 3 xã Quần Anh Thượng, Quần Anh Trung, Quần Anh Hạ; đến thời kỳ thứ 3 từ năm 1805 – 27/12/1888 thời kỳ mở rộng đất phía Nam đê Tiền Cồn tiến tới thành lập huyện Hải Hậu. Mỗi một tên gọi là không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức và cả máu xương của ông cha ta đổ xuống. Tinh thần đoàn kết, sự kiên cường luôn chảy cùng dòng máu của những người tiên phong đi mở đất. Không kiên cường, không đoàn kết làm sao chống lại được thiên tai, lũ giữ, địch họa. Quá trình đó diễn ra suốt hơn 5 thế kỷ cho tới khi có sự lãnh đạo của Đảng là sự nối tiếp của cuộc đấu tranh ngoan cường, anh dũng chống ngoại xâm, giành và giữ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Hải Hậu trở thành huyện anh hùng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng thời anh hùng trong xây dựng đất nước. Cho đến nay huyện Hải Hậu vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng 4 danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ; Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới; Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ đổi mới. 40 năm liên tục là điển hình văn hóa thông tin cấp huyện của cả nước. 
 


 

      Tuy là vùng đất trẻ so với lịch sử đất nước nhưng do cư dân hội tụ từ các địa phương phía Bắc tỉnh nên Hải Hậu sớm trở thành vùng quê văn hóa rất đặc sắc của tỉnh và cả nước. Thành tựu 40 năm là sự nối tiếp lên một tầm cao mới truyền thống văn hóa dân gian, dân tộc đặc sắc, phong phú, đậm nét quê biển của người Hải Hậu.
     Tinh thần tiên phong, đổi mới, có đời sống vật chất – tinh thần phong phú.
     Tiên phong từ khai khẩn vùng đất mới, đổi mới sáng tạo trong cách làm và ngày nay, Đảng bộ và nhân dân Hải Hậu đang nỗ lực phấn đấu, ra sức phát huy những giá trị truyền thống văn hóa cách mạng ấy của cha ông, xây dựng huyện giàu về kinh tế, mạnh về Quốc phòng - An ninh, trở thành một “Vùng biển sáng” về văn hóa của cả nước.
 


 

     Từ năm 1978 đến nay, tròn 40 năm Hải Hậu là điển hình văn hóa - thông tin cấp huyện của cả nước. Suốt mấy chục năm qua, Hải Hậu được người dân cả nước biết đến không chỉ là nơi có gạo Tám Xoan ngon nức tiếng mà còn  là một vùng đất điển hình văn hóa; một vùng quê được Trung ương chọn là một trong 5 huyện làm điểm xây dựng Nông thôn mới và xây dựng thành công huyện nông thôn mới trong tốp đầu của toàn quốc; huyện NTM bền vững và phát triển và giờ đây là huyện đang hướng tới xây dựng NTM kiểu mẫu sáng – xanh – sạch – đẹp.
      Nói đến văn hóa Hải Hậu nếu chỉ một lần được tham dự ngày hội văn hóa thể thao truyền thống vào dịp 2-9 hàng năm cũng đủ để nói lên truyền thống văn hóa đặc sắc riêng có của vùng quê Hải Hậu. Ngày hội văn hóa thể thao truyền thống 2 - 9 đối với người Hải Hậu còn vui hơn Tết. Đặc biệt từ năm 1984 đến nay, Hải Hậu đã tổ chức thành công ngày hội văn hóa thể thao truyền thống kỷ niệm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9, thu hút hàng nghìn người dân địa phương về tham dự ngày hội. Là người con của Hải Hậu ai ai cũng tự hào về truyền thống quê hương – một vùng quê Văn hóa – Anh hùng – Nông thôn mới. Lễ hội thường tổ chức 3 ngày chính từ 30/8 đến mùng 2 - 9 duy trì hàng năm. Tuy nhiên, trước những ngày chính nhiều hoạt động tập luyện, thi đấu giao lưu văn hóa, thể dục thể thao đã diễn ra sôi nổi khắp xóm làng ngay từ những ngày tháng 8. Người dân vừa là người sáng tạo, biểu diễn, vừa thi đấu đồng thời là người hưởng thụ. Ở các xã, thị trấn ngày hội văn hóa thể thao được tổ chức vào dịp 19/8, cũng là dịp để tuyển chọn các diễn viên, vận động viên xuất sắc tham gia biểu diễn và thi đấu tranh tài ở lễ hội của huyện vào dịp 2 - 9.
      Ngày hội văn hóa truyền thống ở Hải Hậu cũng mang đến những môn thể thao đậm nét văn hóa của một vùng quê biển; các loại hình nghệ thuật như đi kheo, múa sư tử, múa lân sư rồng, trống hội, trống Cà rùng, kèn đồng, văn nghệ kịch nói như được truyền tải, đi ra từ thực tế đời sống của những người con vùng biển... các môn thể thao khác cũng đa dạng và có sự sáng tạo theo cuộc sống thay đổi của người dân vùng đất này như bóng chuyền, bóng đá, bóng chuyền hơi, kéo co, bơi chải, điền kinh, bơi lội, cầu lông, Tenis, cờ tướng, bóng bàn, bóng chuyền hơi của nữ...
      Hàng năm cứ vào ngày Tết độc lập của dân tộc, nhân dân khắp các xã, thị trấn dù bận mấy cũng tạm hoãn lại những công việc thường nhật, tập trung về khu trung tâm huyện để thưởng thức các hoạt động văn hóa - món ăn tinh thần không thể thiếu của bất kỳ người con nào của Hải Hậu, cũng là dịp để mỗi người con xa quê tìm về. Mong mỏi chờ đợi đến ngày hội đến nỗi người dân ở Hải Hậu còn nói với nhau rằng nếu không được tham dự là phải “bồi hồi tiếc nuối”. Những nét văn hóa đặc trưng “riêng có” chỉ ở Hải Hậu khiến những ai đã từng đặt chân đến vùng đất này đều ngợi khen là vùng đất đáng sống!.
      Văn hóa thể hiện trong đời sống tinh thân phong phú, trong những phong tục tập quán, trong tín ngưỡng tôn giáo, lễ hội, trong cách ăn, mặc, ở, đi lại; văn học nghệ thuật, thông tin tuyên truyền, giáo dục y tế. Đặc biệt Hải Hậu còn có một hệ thống thiết chế văn hóa tương đối hoàn thiện. 465/465 xóm, TDP đều có nhà văn hóa và các trang thiết bị đáp ứng nhu cầu sinh hoạt chính trị, văn hóa thể thao của nhân dân. Đây là nơi thể hiện và quyết định sự tồn tại của văn hóa, văn nghệ quần chúng và xây dựng nếp sống văn hóa của Hải Hậu.
      Nói đến tiên phong đổi mới phải nói đến xây dựng một nếp sống văn hóa mới đó là thời gian qua Hải Hậu đã xây dựng và đã thực hiện thành công nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Đặc biệt là dần xóa bỏ thói quen cũ không còn phù hợp, khích lệ nếp sống văn minh như việc “Không làm cỗ chia phần và ăn cỗ không lấy phần”. Thực hiện tiết kiệm, luôn chuyển bó hoa và chỉ làm bữa cơm thường cho con cháu trong đám hiếu đã được nhân dân rất đồng tình, ủng hộ. Việc thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội cần được làm thường xuyên, liên tục không có điểm dừng và phải thực hiện đồng bộ, đồng đều trong các xã, thị trấn. Đây phải nói là một cuộc cách mạng, một bước ngoặt quan trọng của huyện Hải Hậu trong thực hiện nếp sống văn hóa mới.
 


 

      Những thiết chế văn hóa hoàn thiện; những hoạt động văn hóa, thể dục thể thao rèn luyện thân thể ra sức được phát huy; nếp sống văn hóa mới được thực hiện hiệu quả đồng bộ vừa giữ gìn bản sắc văn hóa của quê hương vừa tạo nên khí thế vui tươi phấn khởi trong nhân dân. Từ đó người dân thi đua nhau phát triển kinh tế, là động lực tinh thần để nhân dân tiếp tục thi đua lao động sản xuất hiệu quả hơn. Đó cũng chính là câu trả lời vì sao Hải Hậu đạt được những thành tựu trong mọi mặt, luôn là huyện đi đầu và thực hiện thành công trong mọi phong trào như vậy. Hải Hậu thực sự đã giữ gìn và kế thừa một cách xứng đáng truyền thống văn hóa cội nguồn của “Tứ Tính Cửu Tộc”.
      Năm 2018 huyện Hải Hậu vui mừng đón nhận danh hiệu 40 năm điển hình văn hóa thông tin cấp huyện của cả nước. Nền tảng ấy đã được xây dựng và Hải Hậu vẫn tiếp tục phát huy nền gốc của sự cố kết cộng đồng; tiếp tục một công cuộc của những người mang dòng máu tiên phong đi mở đất, tiên phong trong phát triển kinh tế, đi đầu trong văn hóa, trong xây dựng NTM và động lực nền tảng tinh thần của văn hóa điển hình tạo những bước đi vững chắc trên con đường hướng tới một nông thôn mới kiểu mẫu trong tương lai.

Việt Hải

Uỷ ban Nhân dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định
- Điện thoại: 0350. 3877.141 - Fax: 0350.3877.143
- Email: vanphong@haihau.vn
© 2003-2010 by INCOM
CLB DOANH NHÂN HẢI HẬU
Góp ý: doanhnhan@haihau.vn
SEO là gì | XSMB | XSMT | Lịch Vạn Niên |