news

Hải Hậu phát huy truyền thống văn hóa, anh hùng; huy động các nguồn lực, phấn đấu sớm trở thành huyện nông thôn mới

(05:46, 31/01/2013)



Đồng chí Phạm Văn Chiến,

Bí thư Huyện ủy Hải Hậu

 

Hải Hậu là vùng quê ven biển, giầu trầm tích văn hóa, truyền thống yêu nước, cách mạng, được thành lập năm 1888, dân số hiện có hơn 29 vạn dân sinh sống tại 35 xã, thị trấn. Hơn 500 năm “Xây móng”, 125 năm thành lập huyện, đất và người Hải Hậu từ thuở lập ấp, sáng nghiệp do “Tứ tính, cửu tộc” khai phá luôn vận động theo sự biến thiên của lịch sử với bao thăng trầm song cũng rất hào hùng. Nơi đây, vào thời Lê Thuận Thiên (1428-1433), Tứ tổ: Trần Vu, Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập; tiếp đó là Cửu tộc: Lại, Nguyễn, Lê, Bùi, Phan, Đoàn, Đỗ và Trần, Vũ khác cùng các tổ Vũ Duy Hoà, Nguyễn Công Trứ, Đỗ Tông Phát và các thế hệ con cháu tụ hội khởi nghiệp lấn biển, quai đê, mở đất, biến bãi biển hoang vu, lau lách, sình lầy thành vùng đất phì nhiêu, dân cư trù phú, văn hoá đa dạng, phong phú, đậm nét ven biển châu thổ sông Hồng. Lịch sử hình thành và phát triển mảnh đất, con người Hải Hậu là quá trình khởi nghiệp khẩn hoang, lấn biển từ mảnh đất Cồn Ấp lập xóm Phú Cường đến xã Quần Anh, tổng Quần Anh; tiếp nối là các tổng Kiên Trung, Ninh nhất, Tân Khai, Quế Hải, Ninh Mỹ và nay là Hải Hậu văn hoá-Anh hùng. 32 km đê ven biển, 31 km đê sông lớn rồi hàng chục con sông do bàn tay khối óc con người tạo nên như : sông Múc, sông Trệ, sông Cửa Khúc, sông Xẻ Giữa, sông Xẻ Tây, sông Xẻ Đông… là những chứng tích hiển hách trong trang sử quai đê, lấn biển chinh phục “thuỷ thần”. Vốn là vùng quê “Đất lành chim đậu”, đất và người Hải Hậu không chỉ dũng cảm, cần mẫm sáng tạo trong đấu tranh với tự nhiên mà còn kiên trung bất khuất trong sự nghiệp đấu tranh chống xâm lược, bảo vệ quê cha, đất Tổ. Truyền thống hào hùng, vẻ vang đó đã sớm được phong tặng những danh hiệu cao quí: "Mỹ tục khả phong" (1862), "Thiện tục khả phong" (1867) và được nhân dân gọi là truyền thống “Tứ tính, Cửu tộc” đời đời tiếp nối tô thắm trở thành bản sắc văn hoá riêng có của mảnh đất, con người Hải Hậu.

Đầu thế kỷ XIX, nhân dân Quần Anh đã hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Phan Bá Vành chống triều đình nhà Nguyễn. Năm 1860, sau khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, các sỹ phu và nhân dân Quần Phương, Ninh Nhất, Kiên Trung…hưởng ứng lời kêu gọi của Hoàng giáp Hoàng Văn Nghị lên đường vào Quảng Nam đánh Pháp. Khi thực dân Pháp chiếm Bắc Bộ, nhân dân Hải Hậu lại hưởng ứng mạnh mẽ phong trào Cần Vương, cuộc khởi nghĩa của Đề Thám… Tấm gương của các văn thân, nghĩa sỹ như Trần Văn Gia, Trần Ruân, Trần Quỳnh, Nguyễn Văn Yên, Trần Đức Khoan luôn ngời sáng phẩm chất và truyền thống yêu nước của đất và người Hải Hậu. Năm 1929, cơ sở Đảng đã xuất hiện ở Hải Hậu. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh cách mạng diễn ra mạnh mẽ khắp các miền quê, tiêu biểu như cuộc nổi dậy của nông dân đấu tranh chống bọn địa chủ, đòi lại ruộng đất; các tổ chức hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giác ngộ cách mạng, cổ vũ khối đại đoàn kết toàn dân nhất tề đứng lên tổng khởi nghĩa, thành lập chính quyền dân chủ nhân dân vào ngày 22- 8- 1945. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp là trang sử in đậm những đau thương, mất mát. Mồ hôi và sương máu của người dân lại lại thấm xuống bờ đê, gốc lúa với tinh thần bất diệt “Một tấc không đi, một ly không rời”, sẵn sàng ngã xuống để bảo vệ quê hương. Từ trong đau thương, người dân Hải Hậu đã vùng lên phá tề, diệt bốt, lập lên những chiến công vang dội ở Cầu Đôi, Văn Lý, Cầu Đông, Văn Đàn, Chợ Đền, Đông Biên… Nhiều con em Hải Hậu là những chiến sỹ cộng sản ưu tú đã hy sinh trọn đời cho Tổ quốc như: Vũ Văn Hiếu, Trần Văn Chử, Vũ Gia Hoan…là sự tiếp nối và nâng cao truyền thống yêu nước, chủ nghĩa cách mạng anh hùng của đất và người Hải Hậu. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, các cửa sông, vùng biển Hải Hậu trở thành những trọng điểm bắn phá của máy bay và tàu chiến địch nhằm phá hoại sản xuất suất, ngăn chặn con đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Vượt lên bom đạn của kẻ thù, Đảng bộ, quân và dân Hải Hậu chắc tay cày, tay súng, vừa bám biển, bám đồng sản xuất, hiệp đồng với các lực lượng vũ trang bắn rơi 13 máy bay, 3 tàu chiến của Mỹ nguỵ; chi viện sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt. Năm 1967, Đảng bộ Hải Hậu là một trong ba Đảng bộ “4 tốt” đầu tiên của miền Bắc, một trong 53 Đảng bộ huyện trong sạch, vững mạnh đợt đầu của cả nước; 32 tập thể và cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng (18 xã, thị trấn và 12 cá nhân anh hùng Lực lượng vũ trang; xã Hải Quang và trường THPT A Hải Hậu, Công ty Thuỷ nông Anh hùng lao động); 128 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Từ năm 1978 đến nay, 35 năm liền Hải Hậu là điển hình toàn quốc văn hoá thông tin cấp huyện của cả nước, là huyện 3 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động và được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất.

Nhận thức và ý thức sâu sắc từ bài học “Đại đoàn kết của cha ông trong quá trình quai đê, lập ấp; quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng “sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” và bài học “lấy dân làm gốc”, trong những năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn chăm lo xây dựng và củng cố khối đoàn kết toàn dân, đoàn kết lương giáo, tất cả vì sự nghiệp chung, tạo nên sức mạnh tổng hợp, vượt qua mọi khó khăn thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong xây dựng và phát triển kinh tế, văn hoá- xã hội thời kỳ CNH- HĐH nông nghiệp, nông thôn. Khi được Trung ương chọn Hải Hậu là 1 trong 5 huyện điểm xây dựng nông thôn mới của cả nước, Hải Hậu đã xác định đây là chủ trương lớn, là công cuộc do dân vì dân, mang lại lợi ích trực tiếp cho người nông dân. Quán triệt các văn bản chỉ đạo của trung ương và hướng dẫn của bộ, ngành, của tỉnh về xây dựng nông thôn mới, huyện đã chọn khâu đột phá trong các tiêu chí nông thôn mới, ban hành 3 nghị quyết, 6 đề án về phát triển kinh tế, xã hội 2010-2015. Đồng thời, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã vận dụng sáng tạo, gắn kết chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn, cụ thể hoá 19 tiêu chí của Chính phủ thành tiêu chí "Gia đình nông thôn mới", "Xóm, tổ dân phố nông thôn mới". Phát động phong trào thi đua "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới" nhằm phát huy nội lực to lớn của mảnh đất, con người Hải Hậu trong xây dựng nông thôn mới, nhất là nguồn nội lực trong mỗi người dân Hải Hậu, trong mỗi gia đình, trong từng thôn xóm, tổ dân phố. Từng hộ gia đình lo cải tạo ao, vườn, sân, ngõ, công trình vệ sinh, chủ động mở thêm nghề mới, phát triển kinh tế hộ, chăm lo đời sống vật chất tinh thần và sự phát triển của mỗi thành viên, xây dựng gia đình hạnh phúc, phấn đấu đạt tiêu chí gia đình nông thôn mới. Lấy xóm, tổ dân phố làm cơ sở hạt nhân để vận động nhân dân xây dựng xóm đạt tiêu chí xóm nông thôn mới.. Triển khai đăng ký xây dựng gia đình nông thôn mới, phong trào tự hiến đất, ủng hộ ngày công, tiền, vật liệu làm đường giao thông, rãnh thoát nước, vệ sinh môi trường. Qua 2 năm triển khai, nhân dân đã hiến hàng triệu ngày công, gần 400 ha đất làm đường giao thông nội đồng, giao thông xóm. Đến tháng 12/2012, toàn huyện đã đầu tư 452.190 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 231.069 triệu đồng (bằng 51,2%), con em Hải Hậu trên mọi miền Tổ quốc ủng hộ 9.813 triệu đồng (bằng 2,17%), Trung ương, Tỉnh hỗ trợ 128.706 triệu đồng (bằng 28,34%), vốn khác 82.706 triệu đồng (bằng 18,29%); đã cải tạo, nâng cấp 215 km đường trục chính giao thông nội đồng, 225 km đường giao thông dân cư, 48 km hệ thống thoát nước khu dân cư; 23 trường Mầm non, 16 trường tiểu học, 7 nhà văn hoá xã, 42 nhà văn hoá xóm nâng tổng số 530/546 xóm có nhà văn hoá; nâng cấp, xây mới 9 chợ, 10 trạm y tế, 13 trụ sở, 2 công trình cấp nước sạch, xây mới 7 điểm thu gom, xử lý rác thải rắn, cải tạo nâng cấp 20 điểm. Đến nay đã có 20 xã, thị trấn đạt 14 đến 16 tiêu chí, 15 xã, thị trấn đạt 12 đến 13 tiêu chí, bình quân toàn huyện đạt 14/19 tiêu chí (tăng 7 tiêu chí so với năm 2010); 156/546 xóm đang được huyện kiểm tra xem xét công nhận Xóm (TDP) đạt tiêu chí nông thôn mới năm 2012. Phấn đấu trong năm 2013 có 12 xã, thị trấn và có thêm 250 xóm (TDP) trở lên  được công nhận đạt tiêu chí Nông thôn mới để thiết thực chào mừng 125 năm thành lập huyện.

Kinh nghiệm và bài học từ kết quả bước đầu trong xây dựng nông thôn mới ở Hải Hậu trong thời gian qua là địa phương đã tập trung cao sự lãnh đạo của các cấp, các ngành từ huyện tới cơ sở, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò của các tổ chức cơ sở Đảng được coi trọng. Làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt trong toàn đảng bộ, chính quyền, cán bộ và nhân dân để thống nhất về nhận thức, xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân; tạo được sự đồng thuận, sự chung sức đồng lòng của mọi người dân để xây dựng nông thôn mới. Xây dựng đề án nông thôn mới sát với tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo tính khả thi và khả năng huy động nguồn lực của địa phương; triển khai thực hiện đề án đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch. Phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng thôn xóm trong xây dựng nông thôn mới thực hiện đầy đủ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân hưởng thụ”; Từng cấp tự lo phần việc của mình: "Xã lo công trình của xã, xóm lo công trình của xóm, từng gia đình phấn đấu đạt tiêu chí gia đình nông thôn mới". Trong triển khai thực hiện đề án, ưu tiên các dự án, các công trình phục vụ phát triển sản xuất. Trong xây dựng hạ tầng KT-XH phải kế thừa tối đa các công trình đã có, kết hợp với cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới sao cho phù hợp. Lựa chọn bước đi, cách làm phù hợp với điều kiện của địa phương, trước hết tập trung cao phát triển kinh tế, cùng với hoàn chỉnh quy hoạch, chọn dồn điền đổi thửa là nhiệm vụ ưu tiên, đột phá trong xây dựng nông thôn mới. Phân công nhiệm vụ cụ thể, gắn trách nhiệm cho từng tập thể, cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; thường xuyên kiểm tra, rút kinh nghiệm. Chú trọng động viên khích lệ tạo thành phong trào thi đua giữa các hộ, các thôn xóm, các xã, thị trấn, các tổ chức đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới. Kịp thời phát hiện những điển hình, biểu dương những cá nhân, tập thể làm tốt và nhân rộng các mô hình, cách làm hay.

Nhịp sống mới trên nền truyền thống, năm 2012, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền, sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân trong huyện, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu. Kinh tế tiếp tục ổn định và có bước phát triển. Tổng sản phẩm (GDP) đạt kế hoạch 10,4%. GDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt 17,58 triệu đồng, vượt 19,5% so năm 2011. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định. Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha canh tác đạt 99,2 triệu đồng. Tập trung đầu tư xây dựng các công trình xây dựng cơ bản phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, tổng giá trị xây dựng cơ bản ước đạt 716 tỷ đồng, tăng 0,1% so với kế hoạch và 20,9% so với năm 2011. Phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Xây dựng gia đình nông thôn mới, xóm (TDP) nông thôn mới”, xây dựng làng nghề, làng văn hoá được triển khai sâu rộng. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá. Thu ngân sách nhà nước tăng 8,9% so dự toán tỉnh giao và 4% so 2011. Đầu tư phát triển có nhiều cố gắng trong thu hút nguồn vốn và triển khai các công trình, dự án trọng điểm. Tập trung triển khai thực hiện một số định hướng lớn có tính chất chiến lược, tác động lâu dài tới sự phát triển chung của huyện. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Năm 2012 có 20 nhà văn hoá được xây dựng mới; nâng tổng số 530/546 xóm, TDP có nhà văn hoá = 97%, có 32 xã, thị trấn đã hoàn thành xây dựng nhà văn hóa xóm, TDP; có thêm 21 xóm, TDP văn hóa, đến nay có 299 xóm, TDP văn hóa; có 7 cổng làng được xây dựng, nâng tổng số cổng làng được xây dựng là 35 cổng. Số gia đình văn hóa đạt 80% tổng số hộ trong toàn huyện, tăng 2,5% so với năm 2011. An sinh xã hội cơ bản được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,91%, hộ cận nghèo 4,34%. Các cơ sở dạy nghề đã đào tạo nghề cho 2.885 lao động, trong đó: đào tạo nghề ngắn hạn cho 830 lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời đã tổ chức truyền nghề cho trên 6.500 lao động. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Năm 2013 là năm “bản lề” thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2011-2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXV. Do đó, mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp quan trọng của Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội năm 2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đề ra là: Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 10,8% trở lên. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển theo hướng nâng cao hiệu quả. Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để tập trung thực hiện và tạo bước chuyển biến mạnh trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế biển, cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng. Tiếp tục phát triển văn hóa- xã hội. Bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, đào tạo nghề, phát triển làng nghề ở nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển sản xuất nông nghiệp đúng quy hoạch theo hướng cánh đồng mẫu lớn, mô hình sản xuất tập trung, nâng cao trình độ thâm canh, hiệu quả sản xuất gắn với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Thực hiện đồng bộ các chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tư tưởng, trách nhiệm, sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị; kịp thời biểu dương, nhân rộng các điển hình, cách làm tốt trong xây dựng gia đình nông thôn mới, xóm (TDP) nông thôn mới. Phấn đấu có 12 xã và có thêm 250 xóm (TDP) trở lên được công nhận xóm (TDP) nông thôn mới. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCS Đảng; nâng cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu các tổ chức cơ quan, đơn vị. Xây dựng chính quyền từ huyện đến cơ sở trong sạch vững mạnh, điều hành năng động, nhanh nhạy, có hiệu lực, hiệu quả cao. Xây dựng đội ngũ công chức gần dân, hiểu dân, công tâm, thạo việc. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, đồng thời thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Phát huy tốt vai trò của MTTQ và các đoàn thể nhân dân. Thực hiện tốt cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị thực hiện các nhiệm vụ đề ra.

Để sớm trở thành huyện nông thôn mới, Hải Hậu tiếp tục tuyên truyền, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, của huyện để Đảng bộ, quân và dân toàn huyện chung sức, đồng lòng xây dựng gia đình, xóm, xã đạt các tiêu chí NTM với phương châm “dân biết, dân làm, dân góp công sức, tiền của và dân hưởng thụ”. Phát động phong trào thi đua xây dựng xã, thị trấn nông thôn mới, xóm (TDP) và gia đình đạt nông thôn mới. Tiếp tục huy động mọi nguồn lực và đóng góp của nhân dân để xây dựng nông thôn mới. Thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực và đóng góp tự nguyện của nhân dân, của doanh nghiệp, các nhà hảo tâm... để xây dựng NTM. Ưu tiên làm trước các công trình phục vụ sản xuất, các công trình giáo dục, y tế; phải kế thừa tối đa các công trình đã có, kết hợp bổ sung nâng cấp, xây dựng mới phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ để có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu công tác. Nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng, phát huy vai trò của đảng bộ, các chi bộ và từng đảng viên trong lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ chính trị và xây dựng NTM. Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia giữ vững an ninh chính tri, trật tự, an toàn xã hội. Giữ vững an ninh nông thôn.

Với tinh thần đại đoàn kết, tự lực tự cường, năng động sáng tạo, tranh thủ  thời cơ, phát huy mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế để đẩy mạnh phát triển CN-TTCN và ngành nghề nông thôn, Đảng bộ, quân và dân Hải Hậu sẽ vững tiến bước tới những mùa xuân của sự phồn vinh và phát triển, xứng đáng với truyền thống lịch sử văn hoá của vùng biển sáng anh hùng.

(Bài đăng báo Nam Định số Tết Nguyên Đán Quí Tỵ)

Uỷ ban Nhân dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định
- Điện thoại: 0350. 3877.141 - Fax: 0350.3877.143
- Email: vanphong@haihau.vn
© 2003-2010 by INCOM
CLB DOANH NHÂN HẢI HẬU
Góp ý: doanhnhan@haihau.vn
SEO là gì | XSMB | XSMT | Lịch Vạn Niên |