news

Chùa Lương

(03:10, 19/02/2014)

Quần Anh nổi tiếng từ xưa
Biển đình Phong Lạc, bia chùa Phúc Lâm.

Câu ca truyền đời nói đến một vùng đất mà cách đây hơn 5 thế kỷ là cái nôi của cuộc khai hoang, lấn biển. Hồi đó bốn ông tổ khai sáng: Trần Vu, Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập và 9 dòng họ từ khắp nơi tụ về sinh cơ, lập nghiệp. Trải qua bao gian nan, vất vả lập nên những xóm làng trù mật, phát triển trăm nghề, mở rộng địa bàn sinh sống để thành huyện Hải Hậu ngày nay.

Vùng đất Quần Anh xưa (lúc đầu mang tên Quần Cường ấp, có thời là xã Quần Phương) còn lưu giữ những di sản văn hóa phong phú, mà tiêu biểu là cụm di tích lịch sử -văn hóa chùa Lương, cầu Ngói, là đình Phong Lạc có tấm biển mang 4 chữ “Thiện tục khả phong“ do triều đình phong kiến thời Nguyễn (1867) phong tặng.
           Chùa Lương, cầu Ngói đều ở trên đất Hải Anh hiện nay. Lịch sử xây dựng chùa và cầu gắn liền với công cuộc khai hoang lấn biển vào thế kỷ XV - XVI.

Đây nơi Quần Áp
Dấu tổ tiên xưa
Chùa Lương, cầu Ngói
Đẹp như bài thơ

Bốn câu thơ trên được chép trong "Quần Anh địa chí"' phần viết về xã Thượng (tức xã Hải Anh) đã phần nào thể hiện giá trị nhiều mặt của cụm di tích này.

Chùa Lương (hay còn gọi là chùa Trăm Gian) tên chữ là Phúc Lâm tự được xây dựng vào đời vua Lê Hồng Thuận (1509-1515) cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI, khi việc quai đê lấn biển đã giành nhiều kết quả, đời sống vật chất của dân cư dần dần ổn định, bốn ông tổ cùng các dòng họ dồn sức chăm lo đời sống tinh thần: xây đình, đền, chùa, bắc cầu, mở chợ. Chùa Lương lúc đầu có quy mô nhỏ đã trải qua nhiều lần trùng tu, mở rộng. Hàng chữ ghi trên thượng lương "Dương Hòa nguyên niên" (1634), bia soạn khắc năm Chính Hòa thứ 3 (1682) và bia Chính Hòa năm thứ 5 (1684) cho biết có việc tu sửa chùa, dựng hai dãy hành lang đông, tây, làm đồ thờ tự bằng đá... Các bia có niên hiệu Vĩnh Thịnh 15 (1720), Vĩnh Khánh thứ nhất (1729), Cảnh Thịnh thứ nhất (1793) lại nói đến việc làm thượng điện, tiền đường, tam quan, nội các và tượng tam thế. Sang thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX chùa vẫn tiếp tục được tu sửa, có lần trùng tu lớn đổi cả hướng chùa ra phía nam.


       Ngôi chùa hiện tại có quy mô khá lớn, gồm 100 gian, mang phong cách kiến trúc dân tộc của nhiều thời đại, nhưng đậm nét vẫn là phong cách của hai thế kỷ XVII -XVIII. Chùa dựng trên thế đất đẹp, thoáng. Trước chùa là hồ nước xanh trong, rộng hàng mẫu như tấm gương in bóng tam quan, cùng các cây cổ thụ... càng tôn vẻ đẹp của tổng thể công trình. Khuôn viên chùa Lương có thể chia làm hai khu vực gắn bó chặt chẽ với nhau. Khu vực thứ nhất là những công trình quan trọng tập trung trong khu vực chính tất cả có 49 gian bao gồm: Tiền đường, tam bảo, gác chuông, hậu đường và hai dãy hành lang đông tây được liên kết lại theo lối giao mái, bắt vần, tạo nên tổng thể kiến trúc hài hòa. Vật liệu xây tường, lợp mái được dùng là gạch Bát Tràng vuông kích thước 30 cm  x 30 cm và ngói ta.

Nổi bật hơn cả là tiền đường 5 gian bảo lưu đậm đà phong cách kiến trúc thời Hậu Lê (TK XVII - XVIII). Công trình không vươn theo chiều cao mà phát triển theo chiều rộng nên có dáng thấp với mái ngói uốn cong mềm mại. Cấu kiện kiến trúc sử dụng theo kiểu: bẩy, kẻ, trụ non, câu đầu.

Khu vực thứ hai của chùa Lương có nhà tổ "Quan âm các" nhà khách, tăng phòng, nhà kho, nhà bếp... bao gồm 49 gian lớn, nhỏ cũng xây dựng theo phong cách kiến trúc cổ truyền của dân tộc. Phía bắc chùa có hàng chục tháp mộ, gắn với tổng thể kiến trúc của ngôi chùa. Khách tham quan sẽ rất thú vị trước giếng nước chùa Lương bởi sự độc đáo: thành giếng được tạo thành bằng những chiếc cối đá xếp vòng tròn chồng từng lớp lên nhau. Nước giếng trong vắt, tinh khiết vẫn thường dùng để đồ xôi sửa lễ cúng Phật.

Tổng thể kiến trúc chùa Lương, đặc biệt ở khu vực chính đã thể hiện trình độ kỹ thuật điêu luyện, khiếu thẩm mỹ tinh tế của những nghệ nhân dân gian. Đó là việc tạo nên bộ khung của các hạng mục công trình vừa đảm bảo sự chắc chắn, độ bền vững qua nhiều thế kỷ mà vẫn nhẹ nhàng thanh thoát. Kỹ thuật lắp ráp, làm mộng mẹo ở trình độ cao làm cho các thành phần kiến trúc được liên kết với nhau rất khít mộng, mặc dù ngôi chùa đã qua nhiều lần tu sửa. Đó còn là tài nghệ trong việc tạo dáng các đầu đao, con kìm, trụ, đấu, con rường, bắp quả; cách gia công đường hoành, lá mái, soi chỉ, các góc... Nghệ thuật điêu khắc cũng rất đặc sắc. Trên các thành phần kiến trúc, nhất là các vì của tòa tiền đường tập trung chạm khắc hình tượng con rồng với nhiều tư thế: rồng chầu mặt nguyệt, rồng cuốn thủy, rồng vuốt râu, rồng ngậm ngọc, rồng bay, rồng cùng ngựa chim cá vui đùa, trúc hóa long. Nổi bật là hình ảnh "hổ phù" vừa oai phong, vừa đẹp đẽ.

Hổ phù chạm nổi
Câu đối chữ bay

Câu đối chùa Lương cũng được khắc vẽ công phu, nội dung phản ánh lòng tự hào dân tộc của người Quần Anh, chẳng hạn như câu sau:

Khí sĩ thứ khâm sùng, bất tự Hán - Minh đế thủy
Dữ kiền  khôn trường tại, khởi ư Đường Hiến Tôn chung

(Khởi sự sùng kính không phải tự thờ Hán Minh bắt đầu
Cùng đất trời còn mãi, há phải đến thời Đường Hiến Tôn là hết).

Tượng phật trong chùa được đặt trên hệ thống cầu sàn, tạo dáng sinh động gần gũi với đời thường. Các pho tượng có kích thước lớn như Adi đà, tứ vị Bồ Tát, bát vị Kim cương, Hộ pháp càng thể hiện đậm nét phong cách tài hoa nghệ thuật. Ngoài tượng Phật có giá trị nghệ thuật còn phải kể đến ba pho tượng Tam thế, tượng ông tổ khai sáng, các khám thờ, tượng thờ khác.

Hai dãy hành lang Đông, Tây là nơi lưu giữ một khối lượng lớn văn bia có giá trị nhiều mặt. Tổng số gần 40 bia, theo hình thức có thể chia làm hai khối: "Bia vuông tạc tượng, bia tròn ghi công". Nội dung văn bia phong phú, ngoài các bia hậu ghi công sức đóng góp xây dựng chùa, bia ký còn ôn lại công lao khai sáng của bốn ông tổ cho biết các lần trùng tu, nâng cấp ngôi chùa, quá trình khai hoang lấn biển và phản ánh nhiều mặt cuộc sống của nhân dân Quần Anh... Với khối lượng bia nhiều như thế, nên tiền nhân đất Quần Anh đã chia thành ba nhóm để tiện tra cứu căn cứ vào niên hiệu đời vua: nhóm Hồng Thuận, nhóm Chính Hòa, nhóm Cảnh Hưng.

Ngay sau hành lang phía tây là ngôi đình Phong Lạc, nơi thờ tứ tổ và các vị liệt tổ về khai sáng quê hương, dựng lập đền chùa.

Đình được xây dựng vào năm Đinh Mão đời vua Khải Định (1927). Bài trí thờ tự tại đây ngoài bốn họ khai sáng ra còn có các tổ công nghệ, nghiệp sư.

                                                                            Nguồn Báo Nam Định

Uỷ ban Nhân dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định
- Điện thoại: 0350. 3877.141 - Fax: 0350.3877.143
- Email: vanphong@haihau.vn
© 2003-2010 by INCOM
CLB DOANH NHÂN HẢI HẬU
Góp ý: doanhnhan@haihau.vn
SEO là gì | XSMB | XSMT | Lịch Vạn Niên |