news

Hạnh phúc của người thương binh là giám đốc doanh nghiệp

(10:56, 27/07/2014)

Trở về từ khói lửa ác liệt của hai cuộc chiến tranh những người lính Bộ đội cụ Hồ năm xưa nay lại tiếp tục là những chiến sỹ tiên phong trên cuộc chiến chống đói nghèo, lạc hậu. Và điều đó càng được khẳng định qua gương thương binh Đoàn Mạnh Dân ở tổ dân phố (TDP) số 11, thị trấn Thịnh Long, người đã dám nghĩ, dám làm và thành công với cơ sở sản xuất lưới cước. Mô hình đã giúp ông không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tạo công ăn việc làm ổn định cho trên 200 công nhân. Bí quyết thành công của Doanh nghiệp Tư nhân Mạnh Dân chính là người thương binh đã coi tạo công ăn việc làm cho người lao động là hạnh phúc của chính mình!

Sinh ra và lớn lên từ vùng quê biển Hải Thịnh nay là thị trấn Thịnh Long, khi ở tuổi 18, đôi mươi, cũng như bao thanh niên yêu nước thời bấy giờ, năm 1965 vào thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn ác liệt, anh thanh niên Đoàn Mạnh Dân xung phong nhập ngũ. Qua 7 năm phục vụ trong quân đội, năm 1972, ông  trở về với đời thường là thương binh hạng 4/4 sau trận chiến ác liệt bảo vệ thành Cổ Quảng Trị.  Năm 1985 ông xin thôi làm cán bộ tại hợp tác xã (HTX) dệt lưới đánh cá biển và bắt đầu sự nghiệp mới với công việc của một người mua sợi cước từ Hồ Chí Minh về bán cho HTX dệt lưới, đánh cá biển Hải Thịnh và những ngư dân trong vùng. Nhận thấy nhu cầu của người dân ven biển gắn liền với lưới cước mà trong vùng lại không có cơ sở sản xuất sợi cước nên gây khó khăn cho bà con khi cần tư liệu dệt lưới khai thác thuỷ sản vì lúc có, lúc không giá cả lại đắt đỏ. Nghĩ là làm, sau khi có số vốn kha khá trong tay, năm 1991 ông Dân quyết định vay thêm 200 triệu đồng (trị giá bằng 40 cây vàng thời bấy giờ) để đưa dây chuyền sản xuất sợi cước từ thành phố Hồ Chí Minh về quê hương và cũng là người thứ hai trên miền Bắc mạnh dạn đầu tư cho mô hình sản xuất này. Ông tâm sự: “Thực sự ban đầu thấy người đi trước mình ở miền Bắc thời bấy giờ bị phá sản do không áp dụng đúng kỹ thuật dây chuyền gia đình tôi cũng băn khoăn lắm…” Nhưng sự quyết tâm không chịu khuất phục cộng với sư kiên trì học hỏi đã giúp ông thành công. Thương hiệu Doanh nghiệp Tư nhân Mạnh Dân chuyên sản xuất sợi lưới cước đã trở thành địa chỉ tin cậy của bà con ngư dân không chỉ ở trong và ngoài tỉnh Nam Định mà còn trải dọc từ Bắc vào tận Bình Định, Quy Nhơn suốt hơn 20 năm qua đã khẳng định điều đó!

Hiện nay Doanh nghiệp Tư nhân Mạnh Dân không chỉ tạo việc làm trực tiếp cho trên 20 lao động sản xuất tại xưởng rộng trên 1000m2 với mức lương mà nhiều người dân mơ ước (từ 5,5 đến gần 7 triệu đồng/người/tháng) công ty còn tạo việc làm cho  trên 200 lao động ở trong và ngoài thị trấn thông qua việc nhận sợi cước về dệt ngay tại nhà. Được biết, tất cả những người có nhu cầu nhận nguyên liệu về dệt lưới cho công ty mà không có vốn mua khung dệt đều được ông tạo điều kiện cho vay vốn từ 15-25 triệu đồng (tùy theo giá từng loại khung) không tính lãi và được hướng dẫn kỹ thuật dệt lưới miễn phí một cách bài bản. Thông qua hình thức này công ty đã giúp cho người lao động tận dụng được mọi thời gian tại gia đình để kiếm thêm thu nhập. Vừa thoăn thoắt làm theo dây chuyền sản xuất lưới cước tại cơ sở chị Nguyễn Thị Hạnh vừa cho chúng tôi biết: Từ nhỏ sau khi học xong phổ thong chị đã học dệt lưới cước cho công ty và được trả theo sản phẩm trên 5 triệu đồng/tháng. Còn bây giờ chị lại vào sản xuất sợi cước trực tiếp cho công ty với mức lương cao hơn là 6 triệu đồng/tháng. Cả hai vợ chồng chị đều đã có thâm niên làm cho ông dân được gần 20 năm. Với số tiền lương từ 10-12 triệu đồng/tháng của hai vợ chồng đã giúp gia đình chị có cuộc sống khá ổn định nên những công nhân như chị rất biết ơn công ty.

Không chỉ làm giàu cho gia đình và nhiều người lao động, người dân ở cơ sở tin yêu người thương binh còn bởi ông là người luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, nhất là phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới; bà Trần Thị Liên  Bí thư chi bộ TDP số 11 – thị trấn Thịnh Long cho biết: “Anh Dân là người sống rất hoà thuận, luôn giúp đỡ mọi người, anh cũng là người nòng cột trong phong trào xây dựng NTM của TDP số 11 này. Khi chúng tôi phát động ủng hộ làm đường giao thông theo tiêu chí NTM gia đình anh đã ủng hộ gần 40 triệu đồng để làm đường dong xóm”. Còn ông Phạm Hà Quý – Chủ tịch Hội cựu chiến binh thị trấn Thịnh Long vui vẻ nói: “Khi hội chúng tôi phát động mỗi cựu chiến binh ngoài đóng góp theo khẩu còn vận động ủng hộ thêm ít nhất 1 tạ xi măng để bê tông hoá đường giao thông nông thôn theo tiêu chí NTM thì anh Dân đã gương mẫu xung phong ủng hộ 25 tấn xi măng”. Chính điều này đã góp phần đẩy mạnh phong trào hội cựu chiến binh cũng như nhân dân tích cực tham gia xây dựng NTM ở địa phương.

Phát huy mô hình sản xuất sợi lưới cước có hiệu quả tại địa phương những năm gần đây, ông Dân còn mạnh dạn đầu tư thêm 2 cơ sở sản xuất theo hình thức này tại thành phố Hồ Chí Minh và giao cho 2 người con trai vừa tốt nghiệp đại học trực tiếp quản lý.

Quan điểm sống không chịu khuất phục trước đói nghèo lạc hậu, coi việc nâng cao đời sống cho người lao động là hạnh phúc của chính mình của thương binh Đoàn Mạnh Dân ở TDP số 11 thị trấn Thịnh Long cũng như nhiều thương binh khác trên địa bàn huyện Hải Hậu nói riêng và cả nước Việt Nam nói chung cho chúng ta thêm yêu bản chất tốt đẹp của người lính Cụ Hồ. Hay nói cách khác đây chính là những tấm gương để mỗi người dân chúng ta – những người đang được sống trong hòa bình hôm nay nguyện sống tốt hơn bởi một lẽ giản đơn: “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”!
                                                                         Như Xuân

Uỷ ban Nhân dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định
- Điện thoại: 0350. 3877.141 - Fax: 0350.3877.143
- Email: vanphong@haihau.vn
© 2003-2010 by INCOM
CLB DOANH NHÂN HẢI HẬU
Góp ý: doanhnhan@haihau.vn
SEO là gì | XSMB | XSMT | Lịch Vạn Niên |