news

Tháng 7 tri ân

(03:42, 27/07/2020)

     Tháng 7, tháng tri ân, tháng đền ơn đáp nghĩa, tháng của những tưởng nhớ và hoài niệm trong dạt dào cảm xúc thiêng liêng. Đây là khoảng thời gian mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta lại tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đầy tình nghĩa đối với các thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Theo suốt chiều dài lịch sử của đất nước, truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” ấy đã được các thế hệ người Việt Nam xây dựng, gìn giữ để tri ân những hy sinh, mất mát của những người đã hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc.
    Tổng kết các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, Hải Hậu có gần 5 nghìn người con ưu tú đã anh dũng hy sinh, hiến dâng trọn tuổi xuân cho đất nước; gần 4 nghìn thương binh, bệnh binh đã để lại một phần thân thể trên các chiến trường. Quân và dân Hải Hậu đến nay vinh dự được Đảng, Nhà nước 4 lần phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ đổi mới. Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. 39 tập thể và cá nhân được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; 5 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; toàn huyện có 396 Mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu “Mẹ Việt Nam Anh hùng”. Đó là những trang sử được viết lên bằng xương máu, bằng mồ hôi và cũng đẹp như khúc tráng ca của bao thế hệ người con Hải Hậu hiến dâng trọn đời mình cho tổ quốc.
 


 

    Được khởi công xây dựng ngày 27 tháng 7 năm 1996, khánh thành ngày 27- 7- 1997, Đền liệt sĩ Hải Hậu là một công trình văn hoá nhằm tưởng niệm những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến lâu dài, anh dũng của dân tộc. Bước vào cửa chính, ý nghĩa, mục đích của việc dựng đền đã được thể hiện bằng đôi câu đối của chính tấm lòng người Hải Hậu:

“Nghĩa khí rạng non sông, vì đất nước 3 thời đánh giặc
Chiến công ngời sử sách, dựng đền đài muôn thủơ lưu danh”

    Phần chính cung là  bài trí tượng thờ  Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá lớn”. Hai bên tả hữu là 36 tấm bia ghi tên gần 5 nghìn liệt sỹ đã hy sinh và những bà mẹ Việt Nam anh hùng trong 3 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên giới. Mỗi xã 1 tấm bia, đó là “văn bia” để ghi vào biên niên sử về những người con, người anh, người em, người cháu… đã cống hiến máu đào cho Độc lập - Tự do của dân tộc. Đặc biệt là ghi danh những bà mẹ Việt Nam anh hùng đã sản sinh ra những người con dũng cảm để thờ tự hôm nay và cho muôn đời các thế hệ mai sau. Trên nền truyền thống ấy, những dòng chữ Việt được chạm khắc chân phương, thể  hiện ý nguyện của các thế hệ người Hải Hậu hôm nay, như: “Tổ quốc ghi công”, “Vì nước quên mình”, “Đời đời ghi nhớ”.  Ngoài những yếu tố mỹ thuật thuần Việt, còn có cả các yếu tố mỹ thuật của kiến trúc tôn giáo mang đậm dấu ấn huyện văn hóa anh hùng đoàn kết Lương hay Giáo đều hy sinh cho Tổ quốc. Hàng năm, vào các dịp lễ, Tết, nhất là Quốc khánh 2 - 9, ngày Thương binh - Liệt sỹ 27 - 7, đông đảo các tầng lớp nhân dân, cán bộ trong huyện cũng như con em Hải Hậu ở mọi nơi đều về dâng hương tưởng niệm Bác Hồ và các anh hùng liệt sỹ, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đền Liệt sỹ Hải Hậu xứng đáng trở thành ngôi đền của cả huyện. Để những người con quê hương về đây cũng thấy có anh hùng liệt sỹ quê mình.
    Để ghi nhớ và biết ơn các liệt sỹ đã hy sinh cho Tổ quốc, ngay sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tháng 7- 1954, nhân dân trong huyện đã tiến hành xây dựng các nghĩa trang liệt sỹ, quy tập hài cốt liệt sỹ vào nghĩa trang. Các nghĩa trang liệt sỹ được xây dựng rất khang trang và tôn nghiêm. Kỳ đài vừa thể hiện ý chí kiên cường bất khuất, tinh thần hy sinh cao cả của người chiến sỹ Cách mạng trước kẻ thù của dân tộc, vừa thể hiện lòng biết ơn vô hạn của nhân dân. Phần mộ liệt sỹ được xây bằng gạch, xi măng, bia danh liệt sỹ bằng đá quý. Khuôn viên được trang trí nhiều bồn hoa, cây cảnh, được chăm sóc, bảo vệ thường xuyên. Trong các dịp lễ tết, nhất là kỷ niệm ngày Thương Binh - Liệt Sỹ, các tổ chức Đảng, Chính quyền, đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân đều tập trung về nghĩa trang để tưởng niệm các liệt sỹ.
    73 năm đã trôi qua, ngày 27/7 hằng năm trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội sâu sắc. “Đền ơn đáp nghĩa” tri ân liệt sĩ, thương binh trở thành một phong trào thường xuyên và sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Đến nay, hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách tôn vinh, ưu đãi, chăm sóc người có công ngày càng được hoàn thiện. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, đền, đài liệt sỹ được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn chăm lo. Hệ thống cơ sở vật chất cho thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và người có công ngày càng được tăng cường. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, diện người có công được mở rộng, chế độ chăm sóc, ưu đãi được nâng lên dần, chính sách hậu phương quân đội được thực hiện kịp thời.
    Cùng với cả nước, những năm qua, cán bộ và nhân dân trên địa bàn huyện đã và đang tiếp tục quyên góp, ủng hộ xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”.
    Các hoạt động "đền ơn đáp nghĩa," chăm sóc người có công đã trở thành phong trào rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân. Ngày 27/7 đã đi vào lịch sử đất nước như một dấu ấn nhắc nhở mọi người về truyền thống "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc Việt Nam.
    Trong dịp này, các đồng chí lãnh đạo đã thành lập đoàn đi thăm, tặng quà các Mẹ Việt Nam anh hùng, các thương, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sỹ, Anh hùng lực lượng vũ trang, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, các gia đình người có công trên địa bàn huyện. Tại các nghĩa trang liệt sĩ xã, thị trấn đều tổ chức lễ thắp nến tri ân - trở thành hoạt động thường niên tri ân các anh hùng liệt sĩ của đoàn viên thanh niên, thế hệ trẻ. Đây cũng là dịp giáo dục ý thức trách nhiệm, lòng biết ơn đối với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh, đối với những chiến sĩ đã không tiếc xương máu vì sự tồn vong của Tổ quốc, của dân tộc.  
    Những chàng trai, cô gái mãi mãi tuổi 20 hòa mình vào đất mẹ - họ đã chết cho Tổ quốc sống mãi. Những thương bệnh binh đã để lại một phần máu thịt khắp các chiến trường trở về với những vết thương mỗi khi trái gió trở trời lại đau nhức nhối. Những người Mẹ, người vợ chịu nhiều đau thương mất mát tự an lòng mình ngày các anh là mây sáng trời trong, đêm là trăng sao lấp lánh. Những hi sinh không thể nói hết bằng lời được truyền lại để lớp lớp các thế hệ hôm nay và mai sau tự hào, trân trọng, biết ơn, ngợi ca và ra sức dựng xây quê hương đất nước giàu đẹp, văn minh./.

Kim Luyên

Uỷ ban Nhân dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định
- Điện thoại: 0350. 3877.141 - Fax: 0350.3877.143
- Email: vanphong@haihau.vn
© 2003-2010 by INCOM
CLB DOANH NHÂN HẢI HẬU
Góp ý: doanhnhan@haihau.vn
SEO là gì | XSMB | XSMT | Lịch Vạn Niên |