news

Mừng thọ đầu Xuân - nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam

(11:20, 17/02/2021)

     Cứ mỗi dịp tết đến, xuân về, trên khắp mọi miền của đất nước, từ thành thị đến nông thôn đều diễn ra lễ mừng thọ cho các bậc cao niên. Mừng thọ là một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam bởi nó thể hiện tấm lòng hiếu thảo cũng như sự kính trọng của con cháu đối với các bậc cao niên. Trân trọng người cao tuổi còn là trân trọng kho kinh nghiệm sống được tích lũy qua bao năm tháng.
     Trong tâm thức dân gian, người có tuổi thọ và gia đình có người cao tuổi là có được một cái phúc lớn, có phúc nên mới được sống lâu, mới có con cháu đề huề. Mừng thọ cũng chính là mừng cái phúc ấy. Ngày xưa, người 40 tuổi đã được trong làng, trong họ quý như lão ông. Trong làng, 50 tuổi đã được làm lễ lên lão. Dẫu không phải các nhà chức sắc trong làng, nhưng những dịp hội hè đình đám, các cụ lão ra chốn đình trung ngồi riêng cỗ trên chiếu cạp điều. Phong tục trọng lão ấy đến bây giờ vẫn được gìn giữ. Ngày nay, trong gia đình khi có ông bà, cha mẹ ở tuổi 70, 80, 90 trở lên thì con cháu thường tổ chức mừng thọ. Lễ mừng thọ thường  được tổ chức vào những ngày xuân-dịp Tết Nguyên đán. Đây là dịp con cháu báo hiếu ông bà, cha mẹ. Theo tục lệ xưa của người Việt, trong lễ mừng thọ, ông bà sẽ mặc trang phục trang trọng, màu đỏ hoặc màu vàng tùy tuổi thọ, thường là khăn đóng áo dài, chân đi hài. Các cụ cao niên ngồi nơi trang trọng nhất trong nhà để con cháu lần lượt dâng rượu kính lễ cha mẹ, ông bà. Tiếp đó, gia đình sẽ long trọng tổ chức tiệc mừng thọ cho các cụ.
     Tùy vào truyền thống mà mỗi gia đình tổ chức tiệc mừng thọ lớn hay nhỏ khác nhau. Với mong muốn đem lại nhiều niềm vui để ông bà tiếp tục phấn khởi, vui vẻ sống cùng con cháu lâu hơn nên vào ngày này hầu hết các gia đình đều tổ chức tiệc rất linh đình. Tại tiệc mừng thọ, các con cháu cũng thể hiện một phần tấm lòng hiếu thảo bằng những món quà ý nghĩa như bức tranh, bức trướng hoặc đôi câu đối đỏ…
     Đã thành thông lệ, hàng năm vào dịp đầu xuân mới, khắp các địa phương trên địa bàn huyện lại tổ chức mừng thọ, chúc thọ các bậc cao niên. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống thể hiện lòng hiếu thảo, sự tôn kính của thế hệ trẻ đối với ông bà, cha mẹ nhằm tôn vinh, khích lệ những người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích, tiếp tục đem sức lực, tinh thần, trí tuệ cống hiến cho gia đình và xã hội. Tùy theo phong tục, điều kiện của các địa phương mà lễ mừng thọ, chúc thọ các bậc cao niên được tổ chức khác nhau. Có những địa phương tổ chức theo thôn, xóm, có những nơi tổ chức trong gia đình trước rồi đưa các cụ ra Đình làng, nhà văn hóa thôn hoặc UBND xã tổ chức chung cùng với người cao tuổi; lại có những địa phương sau khi tổ chức chung mới đưa các cụ về gia đình để con cháu, họ hàng, làng xóm chúc mừng.
 


 

    Ở huyện nhà, hiện nay, Hội Người cao tuổi huyện phát triển được 1.860 hội viên, nâng tổng số hội viên trên địa bàn huyện lên gần 33.600 hội viên, đạt tỷ lệ 95% so với người cao tuổi toàn huyện. Công tác chăm sóc người cao tuổi được các cấp Hội quan tâm. Đã thành truyền thống, nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, cấp ủy chính quyền huyện đã phối hợp với các xã thị trấn chuẩn bị chu đáo việc tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho 6.110 cụ theo đúng quy định. Trong đó có 84 cụ trên 100 tuổi, 63 cụ 100 tuổi, 165 cụ 95 tuổi, 538 cụ 90 tuổi, 553 cụ 85 tuổi, 1023 cụ 80 tuổi, 953 cụ 75 tuổi, 2731 cụ 70 tuổi. Lễ mừng thọ được tổ chức trang trọng từ  20 tháng chạp đến mùng 10 tết, thu hút đông con cháu các dòng họ về chung vui.
    Tại lễ mừng thọ, các xã thị trấn trong huyện đều tổ chức tặng quà, trao bằng chúc thọ và biểu diễn văn hóa, văn nghệ, đọc thơ của người cao tuổi... Lễ chúc thọ, mừng thọ đã trở thành hoạt động văn hóa có ý nghĩa giáo dục thế hệ trẻ kính lão, trọng thọ.
     Mừng thọ đầu xuân cùng với nhiều hoạt động quan tâm chăm sóc người cao tuổi của gia đình và cộng đồng là nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần, tô thắm truyền thống đạo lý nhân văn của dân tộc, thể hiện sự tôn trọng của xã hội với người cao tuổi, tấm lòng hiếu thảo của con, cháu với ông bà, cha mẹ. Đây cũng là việc làm nhằm khẳng định vai trò, vị thế của người cao tuổi đối với gia đình và xã hội, giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích./.

Nguyên Hảo

Uỷ ban Nhân dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định
- Điện thoại: 0350. 3877.141 - Fax: 0350.3877.143
- Email: vanphong@haihau.vn
© 2003-2010 by INCOM
CLB DOANH NHÂN HẢI HẬU
Góp ý: doanhnhan@haihau.vn
SEO là gì | XSMB | XSMT | Lịch Vạn Niên |