news

Lời tri ân

(10:32, 26/07/2017)

      Tháng bảy về, bầu trời như nghiêng mình cúi gần đất mẹ hơn để cả nước bày tỏ lòng tri ân với những đối tượng chính sách, người có công với cách mạng.
 


 

     Tháng bảy, Đền liệt sĩ huyện Hải Hậu luôn rộng mở đón những người con xa quê hương Hải Hậu từ khắp mọi miền Tổ quốc tìm về quê cha đất tổ, bùi ngùi, kính cẩn nghiêng mình thắp nén hương trầm, dâng hoa kính viếng anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng liệt sĩ tại Đền Liệt sĩ huyện Hải Hậu. 35 tấm bia ghi tên 4.734 liệt sĩ – đã cống hiến máu đào cho Độc lập – Tự do của dân tộc. Đặc biệt là văn bia ghi danh những bà mẹ Việt Nam anh hùng đã sản sinh ra những người con dũng cảm để thờ tự hôm nay và cho muôn đời các thế hệ mai sau. Đây là ngôi nhà chung của các Mẹ, các anh.
      Trong dòng người trở về có thể kể đến đoàn của Bộ Tư lệnh Quân khu 3 – do đồng chí Thiếu tướng Vũ Hải Sản - Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 3- người con quê hương Hải Đường làm trưởng đoàn; Hội đồng hương Hà Nội do Thiếu tướng Mai Ngọc Linh - nguyên Chính ủy Binh chủng Công binh- Chủ tịch Hội làm trưởng đoàn. Lặng lẽ thắp những nén tâm nhang cho đồng đội, dường như những ký ức một thời bom đạn chưa bao giờ nguôi trong tâm khảm. Các đoàn đến thăm, tặng quà các Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, người có công với cách mạng tiêu biểu trên địa bàn huyện. Những việc làm chẳng thể nói hết được bằng lời, chỉ thấy những cái nắm tay thật chặt và đôi mắt những người trong đoàn cứ rưng rưng.
 


 

     Cũng trong dịp này, chúng tôi có dịp đi cùng đồng chí Nguyễn Văn Tìm – Bí thư Huyện ủy Hải Hậu đến thăm gia đình Cựu chiến binh Lê Thế Thăng – xóm 4B, xã Hải Anh chung niềm vui vì vừa xây xong ngôi nhà còn thơm mùi vôi mới.
     Tuổi thanh xuân hiến dâng cho đất nước, nói như người cựu chiến binh này thì bom đạn đã tránh ông để ông trở về lành lặn. Thế nhưng sau một cơn tai biến, lại bị nhiễm chất độc da cam, cựu chiến binh Lê Thế Năng đã mất đi khả năng lao động. Người vợ tảo tần nuôi 3 cô con gái trưởng thành. Do lao động vất vả nên khi có tuổi, bà cũng ốm đau triền miên. Dành dụm được đồng nào, hai ông bà lại lo mua thuốc chữa bệnh. Ngôi nhà cổ từ thời cha ông để lại dột trước, mọt sau bị xuống cấp nghiêm trọng có khả năng đổ sập bất cứ lúc nào mà không có khả năng sửa chữa. Hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn.
     Biết hoàn cảnh của gia đình, cấp ủy, đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn  hội trong xã đã liên hệ với hội Chữ thập đỏ huyện thông qua cuộc vận động “Mỗi tập thể, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” kết nối với công ty TNHH Hansan Dermapharm hỗ trợ gia đình 70 triệu đồng. Cùng với sự giúp đỡ của con cháu và anh em trong dòng họ giúp đỡ về ngày công lao động, sau 2 tháng thi công, ngôi nhà mái bằng 32 m2 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trong niềm vui ngỡ ngàng của gia đình.
      Xúc động trước sự quan tâm của các cấp, các ngành, bà Lê Thị Hương, vợ cựu chiến binh Lê Thế Lăng tâm sự: “Đến bây giờ vợ chồng tôi vẫn không tin đây là sự thật. Không biết nói gì hơn, vợ chồng tôi cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn hội để chúng tôi được ở trong ngôi nhà mới, yên tâm đến lúc cuối đời.”
      Về thăm gia đình mẹ Đỗ Thị Cẩn tại xóm 9, xã Hải Minh, mẹ năm nay 87 tuổi, mắt đã mờ, lại thêm chân đau nhưng mẹ còn minh mẫn lắm, mẹ vẫn nhớ như in hai lần tiễn con ra trận, rồi lần lượt nhận giấy báo tử của các anh. Lật lại những ký ức của mình, mẹ bồi hồi nhớ lại mùa hè năm 1971, mẹ tiễn người con trai đầu của mình ra trận khi anh vừa thi tốt nghiệp trung học phổ thông chưa đầy tháng, với lời hứa để yên lòng người ở lại: “rồi hòa bình con về”. Nỗi nhớ con chưa kịp nguôi ngoai, giữa những ngày đổ lửa ở chiến trường Bình - Trị - Thiên, mẹ nhận được tin liệt sĩ Đỗ Văn Thận, đứa con trai mẹ ngày đêm mong nhớ đã hy sinh, khi vừa bước qua tuổi 18. Năm 1979, mẹ lại tiễn người con trai thứ 2 của mình, chàng cảnh sát cơ động Đỗ Văn Bình lên chiến trường Tây Nam giữa ác liệt của cuộc chiến tranh biên giới Việt Trung. Cũng trong năm đó, mẹ nhận tin anh Bình hi sinh.
       Tháng 9 năm 2014 Mẹ được nhà nước vinh danh Mẹ Việt Nam anh hùng. Hiện, mẹ sống trong căn nhà tình nghĩa được Bộ Công an xây tặng, giữa tình yêu thương của con cháu và niềm tôn kính của xã hội. Ra thăm các anh, mẹ nghẹn ngào tâm sự với các anh mà như đang nói với chính mình: “Các con vì dân vì nước mà hy sinh, mẹ thật chẳng có giây phút nào quên được. Bây giờ đất nước thống nhất rồi, yên bình rồi, các con đã về với mẹ, như vậy mẹ cũng phần nào được an ủi”.
 


 

       Không chỉ trong chiến tranh bom đạn máu mới đổ và hy sinh, mà ngay trong thời bình vẫn còn những người lính hi sinh vì bình yên Tổ quốc. Gặp 2 mẹ con chị Phạm Thị Thắm – giáo viên trường Mầm non Hải Hòa – vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Suốt, đã 4 năm kể từ ngày anh Suốt hi sinh khi đi làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa, lúc đó, con gái anh mới tròn 2 tuổi. Tại Hội nghị gặp mặt thương binh-thân nhân liệt sĩ do ngành Giáo dục – Đào tạo huyện tổ chức, hơn 80 hội viên tham dự đã dành phần quà của hội trao cho con anh Suốt cháu là con liệt sĩ nhỏ tuổi nhất - hiện nay mới 6 tuổi. Suốt buổi gặp mặt, những giọt nước mắt lặng lẽ rơi khi mọi người cùng nhau chia sẻ những kỷ niệm về người thân yêu trọn đời hiến dâng cho Tổ quốc. Trong mỗi người đang sống hôm nay, những kỉ niệm về những người chồng, người cha hóa thành bất tử khi trong tim họ chẳng bao giờ nguôi nhớ nhung, hoài niệm.        
      Trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, huyện Hải Hậu đã có trên 5 vạn thanh niên lên đường nhập ngũ, có hơn 5.979 thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên các chiến trường. Hiện nay trên địa bàn huyện có 19 xã, thị trấn anh hùng LLVT, 388 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 19 anh hùng LLVT, 17 tướng lĩnh, 4.734 liệt sĩ, 2.200 thương binh, 1.667 bệnh binh và hàng ngàn người bị nhiễm chất độc hóa học... Tuy nhận được sự quan tâm cả về vật chất và tinh thần, song hoàn cảnh của một số gia đình đối tượng chính sách vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Sự chung tay, chia sẻ, giúp đỡ của toàn xã hội với các hoạt dộng tri ân, nghĩa tình diễn ra thường xuyên nhân lên nét đẹp truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam.
      Những nỗi đau chiến tranh giữa thời bình vẫn luôn được lưu truyền, giữ gìn vẹn nguyên trong những người đang sống. Sự hi sinh của các anh hùng liệt sĩ, thương, bệnh binh và sự hi sinh lặng thầm của các Mẹ Việt Nam anh hùng là bài ca bất tử để các thế hệ hôm nay tự hào, biết ơn, trân trọng, ngợi ca./.

Kim Luyên

Uỷ ban Nhân dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định
- Điện thoại: 0350. 3877.141 - Fax: 0350.3877.143
- Email: vanphong@haihau.vn
© 2003-2010 by INCOM
CLB DOANH NHÂN HẢI HẬU
Góp ý: doanhnhan@haihau.vn
SEO là gì | XSMB | XSMT | Lịch Vạn Niên |