news

Họp bàn về “Khu chứng tích biến đổi khí hậu Hải Hậu-Biện pháp bảo tồn và khai thác phát triển”

(10:38, 21/02/2017)

      Chiều ngày 17/02/2017, UBND huyện đã làm việc cùng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam về “Khu chứng tích biến đổi khí hậu Hải Hậu – Biện pháp bảo tồn và khai thác phát triển”. Tham dự buổi làm việc có PGS.TSKH Vũ Cao Minh, PGS.TS Đỗ Minh Đức, 2 Giáo sư người Nhật Kazuya Yasuhara và Makoto Tamura đến từ ICAS Ibaraki University Đại học Nhật Bản. Về phía UBND huyện có đồng chí Phạm Văn Chiến - Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; Mai Văn Quyết - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện; các đồng chí lãnh đạo huyện và các phòng ban liên quan.
 

      Do ảnh hưởng của biển đổi khí hậu, từ năm 1920 đến nay huyện Hải Hậu mỗi năm biển lấn 15- 20m đất/năm, đã mất trên 6.000.000mđất, trong đó từ năm 1985 đến nay là 3.410.00m2 (trong đó khoảng 100 ha đất làm muối). Tuyến đê biển của huyện Hải Hậu tuy đã cơ bản được kiên cố nâng cấp lát các cấu kiện bê tông hoặc xây đá, mặt đê được đổ bê tông hoặc rải đá cấp phối. Song phần lớn các tuyến đê biển là đê một tuyến và nằm trên nền đất yếu. Bờ biển vẫn nằm trong vùng biển lấn, bãi thoái, bãi phía biển bị hạ thấp, dòng chảy áp sát chân đê, do đó tuyến đê không đảm bảo an toàn khi xảy ra bão lớn kết hợp nước biển dâng.
      Bàn về thực trạng việc tác động của biến đổi khí hậu gây xâm thực đất ven biển của huyện Hải Hậu, GS Kazuya Yasuhara người đã nghiên cứu ở Hải Hậu từ năm 2008 đã đưa ra một số giải pháp để gia cố các tuyến đê, kè của huyện Hải Hậu bằng sử dụng các vật liệu thích ứng như: sét, xi măng và điều quan trọng là cốt chân đê. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ quan điểm cần phải thích ứng với những biến đổi khí hậu biển.
      Bàn về công tác bảo tồn chứng tích Tháp chuông trên bãi biển xã Hải Lý các đại biểu đã trao đổi, bàn các giải pháp bảo vệ và đều nhất trí cho rằng: Tháp chuông nhà thờ đổ trên bãi biển xã Hải Lý là chứng tích duy nhất ở Việt Nam và hiếm gặp trên thế giới cần được giữ gìn, bảo vệ và khai thác nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giáo dục về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Việc bảo tồn di tích Tháp chuông nhà thờ đổ trên bãi biển xã Hải Lý là sự ghi nhận công lao to lớn của nhân dân huyện Hải Hậu nói riêng và của nhân dân tỉnh Nam Định nói chung trong công cuộc khai hoang, lấn biển, chống biển lấn bảo vệ sản xuất trong lịch sử. Trong thời gian tới, nếu được tổ chức bảo tồn tốt, di tích này sẽ là thắng cảnh thu hút du khách về tham quan, du lịch, nghiên cứu khoa học...., góp phần phát triển ngành du lịch của huyện Hải Hậu nói riêng và của tỉnh Nam Định nói chung.
 


 

      Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND huyện nêu rõ: UBND huyện Hải Hậu lập phương án bảo vệ khẩn cấp chứng tích tháp chuông nhà thờ đổ và bãi neo đậu tàu thuyền trên bãi biển Văn Lý xã Hải Lý; thành lập Ban Quản lý dự án và thực hiện các trình tự thủ tục theo quy định, tổ chức thi công xây dựng kè, rọ đá, gia cố phần móng bảo vệ Chứng tích và đổ đường bê tông rộng 3m ra khu Chứng tích với tổng kinh phí: 932.897.000đ, công trình đã hoàn thành vào ngày 16/10/2015. Nhằm đảm bảo an toàn cho khách tham quan tại khu vực Chứng tích Tháp chuông nhà thờ đổ xã Hải Lý, UBND huyện Hải Hậu đã chỉ đạo UBND xã Hải Lý lập hàng rào chắn khu vực xung quanh nhà thờ, đồng thời yêu cầu UBND xã Hải Lý có các biện pháp quản lý nghiêm.
      Tuy nhiên, do sự ảnh hưởng của sóng biển, triều cường và các yếu tố thời tiết, gió mùa, đặc biệt là cơn bão số 01 năm 2016 đã làm hệ thống rọ đá bảo vệ Chứng tích bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đến nay phần kè đá và hàng rào xung quanh nhà thờ đổ không còn giữ được hiện trạng, rọ thép bọc đá hộc bị nước biển ăn mòn, gây ra hiện tượng sạt lở, các mảng nền bê tông cũng bị sóng đánh vỡ vụn. Chứng tích Tháp chuông nhà thờ đổ được xây dựng đã lâu (từ năm 1927), phần lớn lớp vữa trát bên ngoài đã bị vỡ làm lộ rõ gạch xây, nhiều khối xây do xâm thực của gió biển, nước biển dâng đã nứt vỡ, hiện nay chất lượng công trình đã xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ đổ xuống bất cứ lúc nào.
      Để bảo vệ khẩn cấp Chứng tích Tháp chuông nhà thờ đổ, UBND huyện Hải Hậu, xã Hải Lý phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền cho nhân dân, cấm khai thác cát và các hoạt động gây ảnh hưởng đến khu vực chân móng Tháp chuông nhà thờ đổ, đồng thời UBND huyện đã nhiều lần có văn bản báo cáo và đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định và các Sở, ngành chức năng quan tâm xây dựng phương án để bảo tồn di tích lịch sử này.
      Tại  buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND huyện đã cảm ơn các đại biểu về tham dự buổi làm việc và bày tỏ nguyện vọng: Để làm tốt công tác phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay, UBND huyện Hải Hậu đề nghị Trung ương, tỉnh Nam Định và các ngành cấp trên quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ: Xây dựng kè bảo vệ khu chứng tích biến đổi khí hậu nhà thờ đổ Văn Lý nhằm giữ gìn và có ý nghĩa giáo dục, nhân văn rất lớn. Xây dựng hệ thống kè mỏ, thềm cơ giảm sóng bảo vệ đê, kè khu vực đê Cồn Tròn, Hải Thịnh 3 và kiên cố hóa mái đê trong đồng. Hỗ trợ, đào tạo nghề mới cho ngư dân, diêm dân nghèo đảm bảo sinh kế bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu./.

 Kim Luyên

Uỷ ban Nhân dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định
- Điện thoại: 0350. 3877.141 - Fax: 0350.3877.143
- Email: vanphong@haihau.vn
© 2003-2010 by INCOM
CLB DOANH NHÂN HẢI HẬU
Góp ý: doanhnhan@haihau.vn
SEO là gì | XSMB | XSMT | Lịch Vạn Niên |