news

Hội thảo khoa học “Khu chứng tích biến đổi khí hậu Hải Hậu - Biện pháp bảo tồn và khai thác phát triển”

(04:42, 24/02/2017)

      Trong 2 ngày 23,24/02/2017, tại huyện Hải Hậu, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp cùng với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định và UBND huyện Hải Hậu tổ chức Hội thảo khoa học “Khu chứng tích biến đổi khí hậu Hải Hậu – Biện pháp bảo tồn và khai thác phát triển”. Tham dự Hội thảo có: Giáo sư, Viện sĩ Đặng Vũ Minh – Chủ tịch Hội đồng TƯ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; PGS.TSKH Vũ Cao Minh. Về phía tỉnh Nam Định có các đồng chí: Nguyễn Viết Hưng – UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Phùng Hoan – Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Về phía UBND huyện có các đồng chí: Trần Văn Chinh – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; Mai Văn Quyết - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện; Vũ Ngọc Trường – UV BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện; các nhà khoa học đầu ngành, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện và các phòng ban liên quan.
 


 

      Tại buổi Hội thảo, PGS.TSKH Vũ Cao Minh đã báo cáo đề dẫn về khu chứng tích và khẳng định: Làng chài Xương Điền là 1 trong 2 làng chài ven biển cổ nhất tỉnh Nam Định. Trong đó, Tháp chuông nhà thờ đổ trên bãi biển xã Hải Lý là chứng tích duy nhất ở Việt Nam và hiếm gặp trên thế giới cần được giữ gìn, bảo vệ và khai thác nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giáo dục về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Nội dung bảo tồn tôn tạo gồm: bảo tồn các chứng tích ngoài bãi biển; trong đê; Phục dựng một số nét sinh hoạt sản xuất làng cổ (nhà ở, đường đi, cây xanh,…); Xây dựng bảo tàng văn hóa, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng; Xây dựng bảo tàng đê điều; Trạm quan trắc biến đổi môi trường và khí hậu. Đề xuất về tổ chức: hình thành khu chứng tích biển đổi khí hậu Hải Hậu; Hình thành ban quản lý khu chứng tích; Hình thành tổ tư vấn. Đề xuất về chính sách: Áp dụng chính sách đầu tư theo phương thức công – tư (PPP); Áp dụng chính sách 4 nhà (nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, người dân). Một số công việc cần tiến hành: tiếp tục công tác bảo vệ cấp bách khu tháp chuông; Xây dựng hồ sơ và lập quy hoạch phát triển khu chứng tích. Trong thời gian tới, nếu được tổ chức bảo tồn tốt, di tích này sẽ là thắng cảnh thu hút du khách về tham quan, du lịch, nghiên cứu khoa học..., góp phần phát triển ngành du lịch của huyện Hải Hậu nói riêng và của tỉnh Nam Định nói chung.
      Bàn về tác động của biến đổi khí hậu đến hiện tượng xói lở bờ biển huyện Hải Hậu, PGS.TS Đỗ Minh Đức – Đại học Khoa học Tự nhiên chỉ ra những tác động của biến đổi khí hậu trong đó có ảnh hưởng trực tiếp đến huyện Hải Hậu và đưa ra một số giải pháp để gia cố các tuyến đê, kè của huyện. Đồng thời khẳng định: cần bảo vệ, bảo tồn khu ven biển Hải Hậu như chứng tích quan trọng về tác động của biến đổi khí hậu phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học và góp phần phát triển du lịch.
     Cũng tại Hội thảo, các nhà khoa học đầu ngành trong các lĩnh vực đã trao đổi nhiều ý kiến bàn về ý nghĩa Di sản của chứng tích, khuyến khích việc nghiên cứu, đề xuất những giải pháp thích ứng, sử dụng thiên tai thành sản phẩm khai thác di sản.
     Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh  khẳng định: Việc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam huy động nhiều chuyên gia thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học nhằm đề xuất các giải pháp bảo vệ, khai thác bền vững khu chứng tích biến đổi khí hậu ở Hải Hậu và tổ chức Hội thảo khoa học có ý nghĩa rất lớn. Thông qua các kết quả, các giải pháp được đề xuất bởi các nhà khoa học sẽ giúp tỉnh Nam Định nói riêng và những người hoạt động trong lĩnh vực  ứng phó, giảm thiểu thiên tai có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm triển khai các biện pháp ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu; đồng thời có giải pháp bảo vệ, tôn tạo, khai thác khu chứng tích cho các mục tiêu nghiên cứu khoa học, phát triển bền vững của địa phương.
 


 

      Tại  buổi làm việc, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy nhấn mạnh: cùng với nhà thờ đổ xã Hải Lý, các di tích biến đổi khí hậu trong và ngoài đê của Hải Hậu rất đa dạng như: Nhà thờ Phương Chính, chùa Nam Thiên đã từng di dời vào trong đê 3 km, nhà thờ đổ Hải Đông,… Để làm tốt công tác phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay, đồng chí đề nghị Trung ương, tỉnh Nam Định và các ngành cấp trên quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ: Xây dựng kè bảo vệ khu chứng tích biến đổi khí hậu nhà thờ đổ Văn Lý nhằm bảo tồn, khai thác giữ gìn và có ý nghĩa giáo dục, nhân văn rất lớn. Hỗ trợ, đào tạo nghề mới cho ngư dân, diêm dân nghèo đảm bảo sinh kế bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong thẩm quyền và trách nhiệm của huyện sẽ tuyên truyền, vận động người dân  tham gia bảo vệ di tích. Thông qua Hội thảo giúp Hải Hậu có nhận thức, cách đi mới trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và khai thác tốt hơn nhà thờ đổ.
 


 

     Phát biểu kết luận Hội thảo, Giáo sư, Viện sĩ Đặng Vũ Minh đã đưa ra các nhóm giải pháp tập trung vào: bảo vệ, tên gọi, thu thập tư liệu khu chứng tích, quy hoạch. Trước mắt là các biện pháp tổ hợp công trình và phi công trình: xây mỏ kè, gia cố chân tháp, cây trồng; tổ chức truyền thông quảng bá thu hút khách du lịch.
 


 

      Trước đó, vào chiều ngày 23/02, Ban tổ chức Hội thảo đã tổ chức Đoàn đi thị sát thực địa tại xã Hải Đông, mỏ kè xã Hải Chính và Nhà thờ Đổ xã Hải Lý./.

Kim Luyên

Uỷ ban Nhân dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định
- Điện thoại: 0350. 3877.141 - Fax: 0350.3877.143
- Email: vanphong@haihau.vn
© 2003-2010 by INCOM
CLB DOANH NHÂN HẢI HẬU
Góp ý: doanhnhan@haihau.vn
SEO là gì | XSMB | XSMT | Lịch Vạn Niên |