news

Nông nghiệp truyền thống Hải Hậu

(04:38, 09/09/2011)

Lịch sử Hải Hậu đã khẳng định: Hải Hậu được hình thành là do các cụ Tổ quai đê lấn biển vùng cửa Lạch Giang và cửa sông Sò mà hình thành nên. Tiếp theo các thế hệ hậu duệ tiếp tục nối dài đê sông, đắp thêm đê biển để có Hải Hậu rộng lớn ngày nay. Vì vậy đây là vùng đất phù sa bồi tụ lắng đọng qua nhiều thế kỷ được con người chinh phục thau chua, rửa mặn san ghềnh, lấp trũng mà thành. Do đó chế độ sở hữu ở đây chủ yếu là đất tư điền, một phần nhỏ là đất công điền (đất công điền gồm các vùng: Vùng đất cụ Nguyễn Công Trứ khai khẩn; một phần vùng đất do cụ Đỗ Tông Phát và 118 cụ Tổ hợp lực khai khẩn và vùng đất phía Đông do các cụ Tổ Kiên Trung khai khẩn).

Căn cứ vào địa thế tự nhiên vào tiềm năng của đất và nước mà tổ tiên đã xác định là vùng sản xuất nông nghiệp tổng hợp mà chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất muối và khai thác thủy - hải sản.

Để khai thác có hiệu quả vùng đất này, tổ tiên ta đã vận dụng tri thức thiên văn-địa lý, địa chất để quy hoạch nền sản xuất, trước hết là quy hoạch đất đai.

1. Quy hoạch đất đai-sông ngòi-cơ sở hạ tầng:

Quy hoạch dân cư: An cư mới lạc nghiệp, các cụ bố trí cho người Tương Đông, con cháu “Tứ Tính Cửu Tộc” được ở trong khu vực "Nội thập giáp" người đến sau ở "Ngoại tứ thôn". Trong khu thập giáp dân mỗi giáp ở một giong ngõ riêng, mỗi giong xây một cầu đá bắc qua sông Giữa, nối liền bờ Bắc với bờ Nam.

Khi lập xã Quần Anh, khu dân cư đã mở rộng ra tới sát đê Hồng Đức. Vùng trong đê gọi là "Trong làng" phía ngoài đê đến chân sóng gọi là "Ngoài bể". Sau này đất đai mở rộng, dân cư chuyển dần ra khu "Ngoài bể". Việc quy hoạch dân cư tiếp tục diễn ra.

Quy hoạch đồng ruộng: Các cụ chia ruộng đất theo lối "Tỉnh điền". Đồng ruộng đắp bờ chia đỗi theo hướng tiến ra biển để nhân dân làm nhà cửa được thoáng đãng. Vùng ruộng đất ngoài bể chia ra nhiều "Trùng", mỗi trùng chia thành nhiều "đỗi". Đỗi nọ cách đỗi kia 30 ngũ (60m). Mỗi đỗi chia thành nhiều "điền". Vuông vức mỗi chiều 60m, vừa đúng diện tích một mẫu Bắc Bộ (60m x 60m = 3.600m2). Từng đỗi được đánh số: Đỗi nhất, đỗi nhì... Tên xứ đồng...

Thời Pháp thuộc ruộng đất từng làng, xã ghi theo số tờ, số thửa.

Chức chưởng bạ như ngày nay chuyên trách việc quản lý ruộng đất và hộ tịch, hộ khẩu đầu tiên ở Quần Anh-Hải Hậu là cụ Phạm Cập.

Dựng đình Khuyến nông và quán Quan Canh: Các cụ thi hành những biện pháp khuyến nông như:

Dựng đình Khuyến nông ở khu vực cầu Phe Tư là nơi trung tâm xã để nhân dân tiện sự họp hành, hằng ngày bàn bạc công việc nhà nông.

Dựng quán Quan Canh tên chữ là Đôn Phong ở khu quán Đông (nay thuộc xóm 16 xã Hải Trung) để tuần phủ làm nơi canh giữ, xem xét đồng ruộng. Đồng thời làm nơi cho nông dân cũng như khách bộ hành có nơi tránh mưa, nắng hoặc nghỉ ngơi.

Sau này đồng ruộng mở rộng các cụ lại dựng quán Quan Canh thứ hai gọi là quán Kim Lăng ở đầu khu Nhất Trùng (thuộc xã Hải Long, nay không còn).

Khoảng năm 1765 các cụ dựng quán Quan Canh thứ 3 ở Hoành Đồn Tứ Trùng xã Thượng (nay thuộc xã Hải Đường). Vì ở xa dân cựu ra đó làm ruộng hằng tháng nên làm lán để ở và nuôi trâu, nên gọi là quán Trâu.

Thuỷ lợi: Để mở rộng và bảo vệ sản xuất, tổ tiên ngày càng nối dài đê sông, đắp thêm đê biển. Đất bồi đến đâu đê dài đến đấy. Biển lùi đến đâu đê ngăn đến đấy.

Hải Hậu có cụ Vũ Chi là vị Thuỷ Tổ đầu tiên được Tứ Tổ phân công trị thuỷ. Tiếp sau xã nào cũng cử một viên xã đê. Dưới quyền điều hành của xã đê có một số tuần và người coi cống. Ở địa đầu đê và những đoạn đê xung yếu, xã đặt điếm canh đê. Ở cống lớn có nhà cho người coi cống. Còn cống nhỏ giao cho những người nhà gần cống kết hợp trông coi để bảo đảm an toàn cho đê điều, cống cũng như khi tháo hoặc lấy nước. Viên xã đê có nhiệm vụ thường xuyên đôn đốc cùng với tuần phủ và người coi cống luôn phiên trông nom, kiểm tra. Hằng năm vào dịp cuối Xuân nông nhàn, viên xã đê xin với xã cho tổ chức đi đắp đê và sửa chữa cống.

Đê đắp xong, để bảo vệ đê, ở mặt đê các cụ cấy cỏ gà, cỏ chân rết, xen lẫn muống bể. Ở mái đê các cụ cấy dứa dại, là những loại cây chịu được chua, mặn, hạn, mọc khoẻ, thân thấp để tránh gió bão.

Căn cứ vào địa hình độ dốc và các giải đất mà tổ tiên ta đã quy hoạch hợp lý, khoa học mạng lưới sông ngòi vừa giữ nguyên hiện trạng những dòng sông tự nhiên do biển bồi hình thành, vừa đào thêm những con sông mới dẫn thủy nhập điền. Nguồn nước tưới được lấy từ sông Ninh Cơ, sông Sò tiêu ra biển và kết hợp tưới với tiêu: Sách địa chí Nam Định (trang 79) cho biết: “Cách đây khoảng 1.000 năm sông Hồng phân nhánh ra sông Ninh Cơ. Sông chạy theo hướng Đông Bắc-Tây Nam đổ ra biển tại cửa Lạch Giang. Từ cửa sông Hồng đến cửa Lạch Giang là 61km. Sông Ninh Cơ là ranh giới giữa 2 huyện Trực Ninh, Xuân Trường ở phía Bắc, giữa ba huyện Nghĩa Hưng, Trực Ninh và Hải Hậu ở phía Tây-Tây Nam. Phía Bắc sông uốn lượn hai khúc; còn phía Nam đổ thẳng ra biển”.

Các cống và sông tưới tiêu nội địa lấy nước sông Ninh Cơ vào phục vụ dân sinh, thau chua rửa mặn, tưới mát cho đồng đất Hải Hậu qua nhiều sông. Nhưng có 3 cống chính là cống sông Rộc, cống sông Múc, cống sông Trệ. Trong 3 cống thì cống sông Múc quan trọng nhất.

- Cống sông Rộc quen gọi cống Cầu Sắt Lạc Quần. Cống này thời Tự Đức thuộc địa phận trại Hộ Xá sau đổi là Nghĩa Xá, huyện Giao Thuỷ (nay xã Xuân Ninh huyện Xuân Trường).

Nước cống Rộc tưới cho đồng đất các xã phía Đông Tổng Kiên Trung huyện Hải Hậu.

- Cống và sông Múc: Cống Múc thời khai sáng nằm ở phía Tây Phạm Rỵ, giáp với cánh đồng Quần Cường (nay thuộc xã Cát Thành huyện Trực Ninh)

Trung gian các cụ xây thêm một cống Múc nữa nằm ở phía Đông cống Múc cổ (nay Âu Múc). Năm 1939 Thương chính Pháp bỏ tiền ra xây thêm một cống Múc mới (nay cống Múc 1) và xẻ 3 đoạn sông mở rộng sông Múc để thuyền to ra vào thuận tiện vận tải muối từ Văn Lý ra sông Ninh Cơ. Sông Múc như xương sống nằm giữa lưng huyện Hải Hậu chảy suốt từ Bắc xuống tận Nam huyện. Hải Hậu trong 6 tổng có tới 5 tổng Quần Phương, Kiên Trung, Quế Hải, Tân Khai, Ninh Mỹ có xã nằm hai bên bờ sông Múc.

- Cống sông Trệ: Chảy vào các sông phía Tây xã Quần Anh, nối vào sông xẻ Tây, ở chợ Đền chảy ra Thượng Trại thẳng dòng chảy vào các sông thuộc Tổng Ninh Nhất, Ninh Mỹ.

Hệ thống tưới tiêu ở tổng Ninh Nhất do cụ Nguyễn Công Trứ thiết kế trải qua thời gian dài (1829-1881) thiếu nước ngọt. Sách tác giả thơ văn Hán Nôm Hải Hậu (trang 143) cho biết: "Năm 1881, Đỗ Tông Phát thấy đồng ruộng cói nhiều hơn lúa, thiếu nước ngọt nên cụ cho đào sông Cát Giả để dẫn nước phù sa vào đồng ruộng tổng Ninh Nhất, kế tục công việc của cụ Nguyễn Công Trứ trước đó".

Đồng thời với việc coi trong hệ thống tưới, hệ thống tiêu cũng được coi trọng nhằm giảm nhẹ tác hại của nước biển trực tiếp tràn vào, các cụ đã chọn xây cống tiêu ở từng đoạn thích hợp cuối sông Ninh Cơ. Lịch sử Quần Anh ghi lại từ thời Nguyễn Gia Long (1802-1820) tiêu nước qua cống Ngòi Cau. Thời Nguyễn Tự Đức (1848-1883) có thêm cống Ninh Mỹ. Thời Nguyễn Duy Tân (1907-1916) có thêm cống Phú Lễ.

Do hạn chế về kỹ thuật thời ấy chưa có công nghệ bê tông và sắt thép các phai cống làm bằng gỗ nên hạn chế về khẩu độ cống. Tổ tiên ta phải khắc phục bằng đào độ sâu để tăng cường lưu lượng nước qua cống.

Ruộng đất Hải Hậu, tưới tiêu phụ thuộc vào thuỷ triều. Vì vậy người coi cống phải theo con nước mà đóng, mở cống. Tổng kết quy luật thủy triều, các cụ soạn thành ca dao cho muôn đời dễ nhớ và nắm chắc mà vận dụng:

“Nước lên bởi sức mặt trăng

Khi giáng thì hạn, khi thăng thì đầy

Tháng Giêng, Tháng Bảy: mồng 5, 19 đôi ngày

Tháng Hai, Tháng Tám: mồng 3, 17, 29 nhớ rày chớ quên

Tháng Ba, Tháng Chín: 13, 27 thì lên

Tháng Tư, Tháng Mười: 15, 25 như nguồn chảy ra

Tháng Năm, Tháng Một (11): mồng 9, với 23

Tháng Sáu, Tháng Chạp nhẩn nha lớn dần”[1]

Bài ca dao trên nói lên những ngày thủy triều lên. Để biết nước lên buổi sáng hay buổi chiều, Tổ tiên ta lại có câu: “ Tháng Tám trâu ra, Tháng Ba trâu vào” có nghĩa là vào mùa xuân thì nước lên vào buổi chiều về mùa Thu nước lên vào buổi sáng.

2. Trồng trọt:

Do địa hình, chất đất và chế độ thủy triều mà vùng đất này phù hợp với cây lúa nước, cây cói, cây dâu, cây khoai là những cây trồng năng suất ổn định, có hiệu quả.

Tổ tiên ta vừa mở mang, vừa thau chua, rửa mặn cải tạo đất. Nơi đất ngọt trồng lúa, trồng khoai, đất mặn làm muối, đất lợ trồng cói, gò đống trồng dâu.

Giai đoạn đầu mới khai khẩn chủ yếu làm muối và trồng cói cùng với trồng cói là thau chua, rửa mặn để ngọt hóa từng bước chuyển sang cấy lúa một vụ. Thời kỳ đầu trồng các giống lúa chịu mặn. Thời gian cấy lúa, vụ mùa kéo dài hàng trăm năm. Sau đó được dầy công cải tạo đất chuyển lên cấy cưỡng vụ chiêm. Sau cải cách ruộng đất vụ chiêm ăn chắc nhưng năng suất thấp. Vụ mùa vẫn là vụ sản xuất chính có năng suất cao, ổn định. Sau hợp tác hóa, thủy lợi hóa vào thập kỷ 60 của thế kỷ XX vụ chiêm trở thành vụ có năng suất cao hơn hẳn vụ mùa và ổn định.

Trước năm 1960 vụ mùa đồng đất Hải Hậu trồng các giống lúa cổ truyền do tổ tiên người Hải Hậu tuyển chọn phù hợp với đồng ruộng:

- Về lúa tẻ có:

Lúa hom là loại lúa hạt to, gạo trắng, cơm mềm, dẻo ngon.

Ca ngợi gạo hom ăn ngon, tổ tiên ta có câu:

               “Ăn cơm hom

               Nằm giường hòm

               Trải chiếu miễn”

Cùng với lúa hom còn có các giống Ré đỏ, ré héo, ré cạn, ré nghệ, ré dâu, hy, vịt, hon.

Lúa ré cạn cấy trên đất thiếu nước.

Lúa hon cấy trên đất cao, gạo đỏ, cơm đỏ như cơm nấu với gấc, ăn dòn, ngậy rất ngon.

- Lúa nếp mùa có:

Nếp bắc, nếp hương, nếp thầu dầu, nếp ông lão, nếp cái, nếp cái rụt, nếp vò di.

Các loại lúa nếp mùa đều ngon. Nhưng ngon nhất là nếp bắc. Nấu xôi trắng tinh khiết, rền, dẻo, thơm, ngon. Nấu rượu nước trong như nước lọc, uống thơm, êm, qua họng để lại vị ngọt ngây ngất.

- Lúa tám mùa có:

Tám xoan, tám thơm, tám cổ ngỗng, tám biếc, dự dâu đều là lúa tám có đặc trưng giòn, dẻo, thơm ngon. Nhưng ngon nhất, hấp dẫn nhất vẫn là tám xoan. Giống lúa tám xoan nhiều nơi cấy nhưng cây tám xoan trên đất Hải Hậu có hương vị, chất lượng đặc biệt vì giống lúa này hợp với thủy thổ Hải Hậu, hợp tập quán canh tác của người Hải Hậu. Vì vậy tám xoan Hải Hậu mang đậm hương vị Hải Hậu. Giống lúa này được tổ tiên người Hải Hậu tuyển chọn để cấy trên chân ruộng phù sa, ghềnh, có độ chua phù hợp được tưới bằng nước phù sa 7 đến 8 lần trong 1 vụ, được bón phân chuồng, phân xanh, được gặt ở độ 8 chưa phải là 9. Vì vậy tám xoan Hải Hậu độ trắng xanh, dòn cơm, hương thơm man mác.

Giống lúa dự dâu lại cấy ở đất ngập nước, cả làn sông, làn ao đều cấy được. Giống lúa này cơm dẻo mà không dính, có hương thơm đặc biệt. Không có giống lúa nào có được hương vị thơm ngọt ngào như gạo dự dâu.

Về vụ chiêm có các giống:

Lúa chiêm tẻ có lúa hom, chiêm dong, chiêm tép, chiêm câu, ré đỏ, chiêm cút, chiêm bù cu, chiêm vịt. Các giống lúa chiêm tẻ đều ngon nhưng cơm khô hơn cơm gạo mùa.

Lúa nếp chiêm có: Nếp cái chiêm, nếp trắng, nếp bầu, nếp ông lão (cây thấp và cây cao), nếp trụi, nếp nõn tre, nếp cà cuống. Các giống lúa nếp cấy vụ chiêm nấu xôi đều không dẻo không rền như nếp mùa.

Lúa tám chiêm có: tám chiêm và dự trụi

Các loại cây lương thực khác có cây khoai nước là cây được tổ tiên người Hải Hậu tuyển chọn và thuần hóa hợp đồng đất Hải Hậu, là cây quan trọng đứng đằng sau cây lúa. Cây khoai nước có 2 loại khoai trắng và khoai tía riềng. Cây khoai trắng có loại trắng bông củ ăn rất ngon, rọc cho chăn nuôi. Còn loại khoai trắng sinh sản, phát triển rất nhanh, năng suất rất cao cả củ và rọc đều chỉ dành cho chăn nuôi. Loại khoai tía riềng cấy được cả dưới nước và trên cạn. Loại cấy trên cạn củ vàng óng luộc ăn vừa dẻo, vừa thơm, thân cây nấu canh có thêm tép đồng, thịt ba chỉ, các cây gia vị như rau ngổ, rau bầu đất, rau cần thì cực kỳ ngon. Bữa ăn đã có món canh khoai tía riềng này thì chẳng còn muốn ăn thịt gà, cá chép nữa.

Cây chóc ngái (còn gọi là cây dong riềng): Là loại cây có năng suất cao, củ luộc ăn cũng ngon. Nhưng đặc biệt dùng làm miến dong thì hết sức ngon. Sợi miến dẻo, dai. Chế biến được thành nhiều món ăn ngon, bổ.

Cây ngô: có nhiều loại ngô: ngô nếp, ngô tẻ, ngô răng ngựa, ngô đường. Ngô tẻ và ngô răng ngựa có năng suất cao, nhưng chỉ dùng chăn nuôi. Ngô nếp là loại ngô ăn rất ngon, nướng hoặc rang thơm ngon.

Cây sắn: có nhiều loại sắn dây ta, sắn dây mật, sắn dây tây, sắn đồng nai. Sắn dây ta là loại sắn quý mát, bổ, uống sống rất mát. Dùng làm thuốc đông y gọi là vị cát căn. Sắn đồng nai làm bánh phu thê ngon dùng trong lễ hội, cưới hỏi.

Cây củ từ có 2 loại củ từ lông và củ từ gai.

Cây củ ngà có 2 loại củ ngà dễ và củ ngà cọc là loại cây vừa làm lương thực vừa làm thực phẩm. Nấu hầm xương ngon, mát bổ.

Cây khoai lang có lang lim, lang tàu bay, lang thượng, lang hạc. Khoai lang lim ruột vàng ăn thơm, ngon. Nướng thơm, ngon đặc biệt. Lang Hạc vỏ đen, ruột trắng, ngọt.

Cây lấy bột có cây mình tinh, cây hoàng thanh. Bột hoàng thanh là loại bột rất quý mát, ngon, có tác dụng chữa bệnh táo bón.

Cây ăn quả có nhiều loại: cam chanh, cam sành, cam giấy, cam đường đều là những giống cam ngon. Nhưng đặc biệt cam chanh trồng trên đất Hải Đường có hương vị ngon hơn cả. Cam có hương vị thơm, độ ngọt dịu, mát. Người già, người ốm ăn có tác dụng tỉnh táo. Cam đường trồng trên đất Hải Đường có mầu sắc đẹp tươi, thơm ngon, ngọt.

Quýt có quýt ngọt, quýt chua. Quýt ngọt quả sai, vị ngọt màu sắc đẹp.

Bưởi có bưởi ngọt, bưởi chua, bưởi đào, bưởi đỏ, bưởi đường, bưởi vàng.

Chanh có chanh yên, chanh dây.

Mít có mít dai, mít mật.

Táo có táo chua, táo ngọt.

Mận có mận đỏ, mận vàng, mận đào.

Vải có vải ta, vải thiều

Nhãn có nhãn lồng, nhãn thóc

Cây hồng có hồng vuông, hồng không hạt, hồng mòng.

Cây chuối có chuối tây, chuối tiêu, chuối mật, chuối ngự tiến, chuối lá, chuối tay bụt, chuối cơm, chuối mắm, chuối hột.

Chuối hột là loại ăn mát có tác dụng chữa bệnh cao huyết áp.

Cây làm thuốc có cây kim cúc, hương nhu, bạc hà, đơn xứ quân, hắc hương, thiên môn, hoài sơn, sinh địa, bạch truật, sâm đại hành, sâm bố chính, đỗ trọng...

Cây công nghiệp có: cây dâu nuôi tằm, bông, đay, gai, cói.

Cây lấy dầu có vừng, lạc, thầu dầu. Thời xưa chưa có dầu hỏa, tổ tiên ta phải ép lạc, vừng, thầu dầu để lấy dầu thắp đèn.

Cây lấy hoa có: cúc vàng, cúc trắng, cúc đỏ, cúc thất thốn: hoa kép, vàng, thơm; cúc đại đóa, cúc long tảo, cúc kim bàn, cúc đơn.

Cây sen có: sen trắng, sen đỏ, sen điểm hồng, sen tịch thượng.

3. Chăn nuôi:

Tổ tiên ta đã sớm phát hiện tầm quan trọng của ngành chăn nuôi. Nhất là vai trò tác động qua lại giữa chăn nuôi và trồng trọt. Do đó, ngành chăn nuôi đã được tổ tiên ta xác lập tương xứng. Trước hết tổ tiên ta rất coi trọng khâu giống. Giống trâu bò được xác định là kết hợp cày kéo với sinh sản. Nên giống trâu bò được tuyển chọn có sức cày kéo khỏe và sinh sản ra bò nghé khỏe. Vùng phía đông huyện đất pha cát nên nuôi nhiều bò dùng cho cày kéo kiêm sinh sản. Vùng giữa và phía tây huyện đất thịt nặng nên nuôi nhiều trâu cho cày kéo kiêm sinh sản. Vùng ven đê sông, biển nuôi nhiều bò sinh sản và lấy thịt. Giống lợn chọn giống ỉ thịt ngon, có sức miễn dịch cao. Giống gia cầm chọn gà ri thịt ngon, trứng nhiều, có sức miễn dịch cao. Giống vịt chọn vịt cỏ nuôi theo thời vụ và tận dụng sông ngòi, giống tuy nhỏ nhưng ngon thịt, sức miễn dịch cao. Giống cá tuyển chọn cá mè, cá chép, cá trôi, cá trắm đen... truyền thống. Tuy năng suất không cao nhưng chất lượng thịt ngon.

4. Ngư, diêm nghiệp:

Trong bản địa án của Quần Anh. Tâu xin vua Lê có câu: Nam quán vu hải thập bát xích thuỷ thâm. Có nghĩa là: "Phía Nam, tính từ mép nước, địa phận của Quần Anh được vươn ra biển ở 18 sải nước, mức nước đánh cá bằng lưới dùng". Như vậy ngay từ đầu các Tổ khai sáng đã tính đến làm kinh tế biển.

Khi đồng đất còn chua mặn chưa cấy được lúa khoai, lo cho dân có cái ăn ở lại Cồn Ấp với mình, các Tổ khai sáng bày cho dân lấy nghề đánh cá, nấu muối làm nguồn sống chính.

Ngư dân tập trung đánh bắt cá đóng đáy ở phía Tây Bắc xã Quần Anh, nên nơi này có tên là Trại Cá, Trại Đáy (thuộc xã Hải Anh-năm 1956 cắt về lập xã Hải Bình, nay xã Hải Minh).Dân lập bếp nấu muối trên những cồn đất ven biển nên có tên Cồn Táo (Táo có nghĩa là bếp).

Để thuận tiện giữa sản xuất, tiêu dùng các cụ lập chợ Muối ở khu Cánh Hàn (nay thuộc xã Hải Trung) chợ cá ở thôn Trung Cường (xã Hải Anh).

Đất đai ngày một mở rộng, ngư, diêm dân bám biển tiến dần về phía Nam huyện.

Dọc theo tuyến biển nhân dân khơi đắp được những vùng muối nổi tiếng như Xuân Hà, Văn Lý, Kiên Chính, Hạ Trại, Cồn Tròn...

Theo tài liệu của Cục Muối (bản lưu ở Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Nam Hà cũ) thì trước cách mạng tháng Tám 1945 diện tích muối ở Hải Hậu có 3.113.000 m2, trong số 3.477.587 m2 toàn tỉnh.

Các cụ Tổ khai sáng Hải Hậu là những bậc tinh thiên văn, tường địa lý, thấu thổ nhưỡng nên đã lợi dụng có hiệu quả tự nhiên phục vụ cho sự nghiệp khai khẩn, mở mang lập đất Hải Hậu. Các cụ biết khéo léo tuyển chọn giống cây trồng, con gia súc hợp với khí tượng thổ nhưỡng tạo cho sản xuất ổn định, chất lượng sản phẩm tốt. Định lịch thời vụ phù hợp với tự nhiên tạo nên sản xuất ổn định có hiệu quả cao.

Nếp nghĩ, việc làm mang tính khoa học được hình thành qua nhiều thế hệ đã được lưu truyền cho muôn đời con cháu, để lớp hậu thế kế thừa truyền thống tổ tiên, tiếp thu nền văn minh thời đại đưa vùng đất này phát triển không ngừng tạo nên nét đẹp Hải Hậu.

 

Phan Văn Hưởng- Ban Tuyên giáo Huyện ủy



[1]  Trích trang 448, 449 - Địa chí Nam Định

Uỷ ban Nhân dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định
- Điện thoại: 0350. 3877.141 - Fax: 0350.3877.143
- Email: vanphong@haihau.vn
© 2003-2010 by INCOM
CLB DOANH NHÂN HẢI HẬU
Góp ý: doanhnhan@haihau.vn
SEO là gì | XSMB | XSMT | Lịch Vạn Niên |