news

Nhớ ơn công đức Tứ tổ khai sáng đất Quần Anh xưa - Hải Hậu nay

(05:26, 29/08/2013)

Nhân kỷ niệm 125 thành lập huyện Hải Hậu và đón nhận Huân chương độc lập hạng Nhất, trong không khí tưng bừng, phấn khởi, rộn ràng chào đón ngày lễ lớn, mỗi người dân Hải Hậu lại bồi hồi nhớ về các Thuỷ tổ đã khai sáng đất Quần Anh xưa - Hải Hậu nay. Mang trong mình lòng biết ơn vô hạn và xúc cảm linh thiêng, thành kính đối với các vị liệt tổ, chúng tôi trở về Từ đường thờ Tứ Tổ khai sáng đất Quần Anh xưa - Hải Hậu nay.

Thuỷ tổ Trần Vu

Là cháu đời thứ 16 của thủy tổ Trần Vu, năm nay đã 81 tuổi, ông Trần Đức Tiến - Trưởng Ban trị sự họ Trần Vu, xóm 11, xã Hải Trung đọc cho chúng tôi nghe bài Ghi công đức - nguyên là bài “Huân tích ký” ghi công đức Thuỷ tổ Trần Vu, đứng đầu tứ Tổ khai sáng đất Quần Anh. Giọng hào sảng: “Năm đầu Thuận Thiên (1428) vua Lê Thái Tổ, loạn Hồ, khói lạnh, giặc Bắc, bụi tan; đời hưởng thái bình dân an lạc nghiệp; Tổ ta nghĩ: nơi ở cũ Tương Đông đất hẹp, người đông; muốn dựng làng mới. Nhìn lên Bắc sông, trông xuống Nam bể, hình thể rộng bằng, bãi bồi màu mỡ. Gò rồng vươn lên phía Bắc, nước hổ chảy từ hướng Đông; từ Đông sang Tây tốt lành chung đúc chân nguồn, ngọn sóng, đẹp đất làm ăn. Vì thế, mắt thấy, lòng yêu, bèn cùng các tổ Vũ, Hoàng, Phạm xây dựng ở đây, đặt tên đất này là Cồn Ấp”... “Trước sau các họ (Lại, Nguyễn, Lê, Bùi, Phan, Đoàn, Đỗ và 2 họ Trần, Vũ khác) nối tiếp mà về”.

Rồi ông giảng giải: Tổ Trần Vu: Tên thuỵ là Phúc Đức, phả chép là cháu đời thứ 12 Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Quê cũ: Thôn Lương Nội, xã Tương Đông, huyện Tây Chân, phủ Thiên Trường. Sau khi được vua Lê phong chức Dinh Điền phó sở sứ, cụ Trần Vu cùng 3 cụ người làng là Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập cùng con cháu xuống khai khẩn vùng bãi bồi, lập nên xóm Phú Cường, sau là Quần Cường ấp, mảnh đất đầu tiên của huyện Hải Hậu ngày nay. Năm 1917, Đinh Tỵ, Khải Định thứ 2 sắc phong: Dực bảo trung hưng linh phù tôn thần. Năm 1924, Giáp Tý, Khải Định thứ 9, gia phong Quang Ý Trung Đẳng Thần. Năm 1925, Ất Sửu, lại gia phong 2 chữ Đoan Túc.

Cụ qua đời vào ngày 22/3 âm lịch. Mộ cát táng tại Đông Văn Đàn chùa Lương. Năm 1915, được trùng tu.

Lăng mộ xây hình vuông, ở giữa là Long đình. Mặt Đông Long đình có tấm bia đá lớn. Tên bia “Quần Anh Thuỷ Tổ khảo Trần Công mộ bi ký” nghĩa là: “Bia ghi mộ thuỷ tổ ông họ Trần của Quần Anh”. Văn bia do cụ Nghè Đỗ Tông Phát soạn năm 1873. Nội dung nói về thân thế sự nghiệp của Trần Thuỷ tổ cùng 3 Thuỷ tổ khai sáng Quần Anh.

Để tri ân công đức Thuỷ tổ Trần Vu,  năm Giáp Dần niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 2 (1794), con cháu trong dòng họ xây dựng xây dựng Từ đường Thuỷ tổ Trần Vu. Qua nhiều lần di chuyển và trùng tu hiện nay Từ đường được xây dựng khang trang tại xóm 11, xã Hải Trung.

Toạ lạc trong khuôn viên rộng trên 920 m2, quay mặt về hướng Tây. Ban đầu từ đường được xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc bề thế, tao nhã với những nét đặc trưng của kiến trúc truyền thống thế ký XIX. Năm 1990, toàn họ cùng góp của, góp công tôn tạo tiền đường, xây lại nội cung, xây lâu các, kiếu trúc theo kiển chữ Đinh. Toàn bộ khuôn viên được xây bao, mặt tiền có tường hoa, trụ đèn, cổng sắt thoáng đẹp. Trong sân, trước Từ đường xây nhà bia, khắc ghi công đức tổ tiên và lịch sử xây dựng Từ đường. Bên trái dựng 5 gian nhà tức yết và các công trình phụ trợ. Xung quanh cây cối xanh tươi. Tiền đường thiết kế 3 gian, 2 chái, gốn vì cột lim, xà bảy trạm, khắc kênh bong hoa lá tinh xảo.

Hậu cung xây cuốn, bên trong là lâu các, phía ngoài, trên có cổ lâu đắp nổi 3 chữ “Trần Khai Sáng” trên nền đỏ viền khung bảng tôn nghiêm.

Chính giữa tẩm cung là ban thờ Tổ ông, tổ bà, bên trên là bức đại tự “Mỹ tai thuỷ cơ”, đặt hai bên biển sơn son thiếp vàng bốn chữ “Khải xã phúc thần” và cờ thêu “Đông a sơ tổ”

Từ đường thuỷ tổ Trần Vu là công trình kiến trúc văn hoá còn bảo lưu được kiến trúc gỗ với nhiều mảng chạm khắc đẹp, mặc dù trải qua nhiều lần xây dựng, tu sửa tôn tạo nhưng vẫn bảo lưu được đường nét cùng phong cách nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Di tích còn là nơi lưu giữ được nhiều tư liệu quý như: câu đối, đại tự ghi lại công lao, sự nghiệp của thuỷ tổ Trần Vu và phục vụ cho việc nghiên cứu về lịch sử, mảnh đất con người nơi đây.

Ngày 06/03/2006, Từ đường Thuỷ tổ Trần Vu được UBND tỉnh Nam Định công nhận là Di tích LSVH.

Để tưởng nhớ công ơn Thuỷ tổ Trần vu, hàng năm, con cháu trong dòng họ đều tổ chức nghi lễ vào ngày 22/3 (âm lịch), 10 tháng giêng AL, và tiết Đông chí. Vào những ngày này, con cháu trong họ từ khắp mọi miền Tổ quốc về dâng hương, báo công tiên tổ. Trong ngày lễ hội, đồ lễ chủ yếu dùng cỗ chay bao gồm các loại bánh: bánh thê, bánh vuốt, bánh nhãn, bánh lá giềng và bánh gấc. Bên cạnh đó các ngành còn xếp đặt một mâm bày bộ “tứ linh”, một mâm bày bộ “tứ quý” và một mâm bày hòn non bộ. Tất cả các lễ vật trên đều được cắt tỉa bằng quả đu đủ xanh.

Từ những giá trị về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, di tích là nơi ghi nhận công lao của thuỷ tổ Trần Vu trong công cuộc khai hoang lấn biển. Thành quả lao động của thuỷ tổ Trần Vu cùng các tổ khai sáng là tiền đề quan trọng để hình thành nên mảnh đất Hải Hậu giàu đẹp hôm nay. Dòng chảy lịch sử là bất tận, nó tạo lên sức mạnh bất diệt của một cộng đồng, một dân tộc. Hơn 5 thế kỷ mở đất và giữ đất, các Thủy Tổ và nhân dân Hải Hậu đã xây dựng nên truyền thống “Tứ tính - Cửu tộc” là: “Nếp nhà nhân hậu, Phúc, Đức, Cần, Kiệm; mây sáng, trời trong; con cháu thảo hiền”. Các giá trị đó đã tô thắm thêm tinh thần đoàn kết, lòng quả cảm, trí thông minh, sáng tạo, tính cần cù, nhẫn nại của con người Hải Hậu vốn đã kế thừa từ nền văn minh sông Hồng trong hành trang mở đất. Thế hệ hôm nay phải được tắm mình trong dòng chảy bất tận đó. Để tự hào về cha ông mình đã bao đời kiên cường, bất khuất, khẩn hoang, lập ấp, tạo dựng cơ nghiệp để trao lại cho thế hệ hôm nay giữ gìn và phát triển./.

Từ đường Thủy Tổ Trần Vu
  

2.Thuỷ tổ Vũ Chi

 Là một trong 4 Thuỷ tổ có công khai sáng đất Quần Anh xưa - Hải Hậu nay, Tổ Vũ Chi được phân công phụ trách công việc kiến thiết, trị thủy. Văn bia Tổ tích bi ký do cử nhân Vũ Luyện soạn năm 1925 có ghi lại công đức của Thuỷ tổ như sau: “Hoàng Thuỷ tổ, triều tiền Lê là Phó ba đại tướng quân (Phó ba tướng quân ở đây có nghĩa là vị tướng quân hàng phục được sóng biển) hiệu là Vũ Đại Lang, tự là Chính Tâm, thuộc dòng họ Vũ, một dòng họ có tiếng tăm ở xã Tương Đông. Đức Thuỷ tổ đã từng phò vua giúp nước nên được thụ phong là quan võ của triều đình… Thời Lê Thuận Thiên (1428) nơi đây là bãi bồi rộng ước chừng vài vạn mẫu… Tổ ta cùng 3 tổ Trần, Hoàng, Phạm đến đây khai hoang lập nghiệp”.

Thuỷ Tổ Vũ Chi còn gọi là Vũ Uy, Vũ Duy Uy, tự là Chính Tâm, duệ hiệu là Vũ Đại Lang. Trong quá trình khẩn hoang, công việc đắp đê khai thông sông ngòi, cải tạo đồng ruộng đều do Thủy tổ Vũ Chi trực tiếp đảm nhiệm. Nửa sau thế kỷ XV trên vùng biển Nam Định chứng kiến một công trình kết tinh thành quả lao động to lớn của nhân dân Đại Việt, đó là việc khởi công và hoàn thành đê Hồng Đức, một con đê ngăn nước mặn có quy mô lớn đầu tiên của vùng châu thổ do Ông chỉ huy nhân dân đắp lên. Trên địa bàn Hải Hậu, qua những dấu tích còn lại thì thấy đê Hồng Đức kéo dài từ Bắc Nghĩa Hưng sang Ninh Cường gần trùng với trục đường 56 ngày nay đến tận Hà Lạn, Hội Khê, dấu đê cũ còn lại những dải đất cát đốn cao như khu Nam Biên, Cồn Cối (Hải Anh, Hải Trung). “Có đoạn như Kiên Trung, Hà Lạn trông thấy như những núi đất kéo dài". Cùng với đắp đê, Thuỷ tổ Vũ Chi còn cho cải tạo ngòi, lạch, đào sông Xẻ dẫn nước ngọt về thau chua, rửa mặn phục vụ canh tác làm cho đất đai được mở rộng, lúa khoai tươi tốt, đời sống cư dân ngày càng sung túc.

Với những công lao to lớn đó, năm 1917, Đinh Tỵ, là năm Khải Định thứ 2, sắc phong Dực bảo trung hưng linh phù tôn thần.

 Năm 1925, Ất Sửu, là năm Khải Định thứ 9, gia tặng Quang ý trung đẳng thần.

 Để ghi nhớ, tri ân công đức của Thuỷ tổ Vũ Chi, con cháu trong dòng họ lập đền thờ. Từ đường Thuỷ tổ Vũ Chi là công trình tín ngưỡng được xây dựng từ năm Đinh Tỵ niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 5 (1797) tại xóm 3 xã Hải Anh.

Toạ lạc trên khuôn viên rộng 1.620m2, quay mặt về hướng Bắc, Mộ thủy tổ nằm trong khuôn viên bao quanh là hồ bán nguyệt. Từ đường Thuỷ tổ Vũ Chi là một công trình kiến trúc cổ khá quy mô, bảo lưu được đường nét kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn. Trong đó đặc trưng là kiến trúc 5 gian tiền đường, 3 gian trung đường và 5 gian hậu trẩm. Tại di tích hiện lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị về lịch sử và nghệ thuật như: Sắc phong, văn bia, câu đối, đại tự.

Ngày 06/9/2007, Từ đường Thuỷ tổ Vũ Chi được UBND tỉnh Nam Định công nhận là Di tích LSVH.

Ngày nay, con cháu họ Vũ Chi đã lớn mạnh đến 53 ngành và sinh sống khắp mọi miền đất nước. Song hàng năm, cứ vào 16/Giêng; 13, 14, 15/3 AL và ngày Đông chí, con cháu trong dòng họ lại về dâng hương báo công tiên tổ. Trong ngày lễ hội, đồ lễ chủ yếu dùng cỗ chay bao gồm các loại bánh xôi, chè bột sắn, bánh khảo, hoa quả. Bên cạnh đó các ngành còn xếp đặt cỗ tam sinh với 3 loài đại diện: lơn, dê, trâu thịt sống; một mâm, bày bộ “tứ linh”, một mâm bày bộ “tứ quý” và một mâm bày hòn non bộ. Tất cả các lễ vật trên đều được cắt tỉa bằng quả đu đủ xanh.

Hơn 500 năm đã qua đi, mặc cho những thăng trầm của thời gian, biến thiên của lịch sử, vận đổi sao dời, Viếng đền Thuỷ tổ trong buổi chiều thu, khi cả huyện đang tưng bừng chuẩn bị kỷ niệm 125 năm thành lập huyện và đón nhận Huân chương độc lập hạng Nhất, bên đền thờ, cây đại già tương truyền đã được trồng từ khi xây dựng đền thờ vẫn lặng lẽ trổ hoa soi mình bên hồ bán nguyệt, Đền thờ Thuỷ tổ vẫn trầm mặc và trường tồn cùng thời gian khẳng định thành quả lao động của thuỷ tổ Vũ Chi cùng các tổ khai sáng là tiền đề quan trọng để hình thành nên mảnh đất Hải Hậu giàu đẹp hôm nay. Chúng tôi càng thấm thía câu nói: Dòng chảy lịch sử là bất tận, nó tạo lên sức mạnh bất diệt của một cộng đồng, một dân tộc. Thế hệ hôm nay phải được tắm mình trong dòng chảy bất tận đó. Để tự hào về cha ông mình đã bao đời kiên cường, bất khuất, khẩn hoang, lập ấp, tạo dựng cơ nghiệp để trao lại cho thế hệ hôm nay giữ gìn và phát triển./.

Từ đường Thủy Tổ Vũ Chi
 

3. Thủy tổ Hoàng Gia

Ngay từ ngày mở đất, bên cạnh công việc quai đê lấn biển, mở rộng đất đai, Tứ tổ ta rất quan tâm đến việc dạy chữ nâng cao dân trí. Là 1 trong 4 Tứ tổ có công khai sáng đất Quần Anh xưa - Hải Hậu nay, Thủy tổ Hoàng Gia được phân công việc mở trường dạy học.

Thuỷ Tổ Hoàng Gia có miếu hiệu là: Thuỷ tổ Hoàng Công Tư Ngộ Phúc hiệu niên tăng hầu phủ quân. Nghĩa là Thuỷ Tổ Ngộ Phúc tên huý thường gọi Hoàng Gia. Tương truyền rằng, họ Hoàng có nguồn gốc thuộc Thục Phán An Dương Vương. Sau khi cuộc kháng chiến của quân dân Âu Lạc dưới sự lãnh đạo của vua Thục (vua nước Âu Lạc) bị thất bại trước sự xâm lược của Triệu Đà. Con cháu của dòng dõi An Dương Vương tránh sự diệt tộc đã đổi sang họ Hoàng (mang dấu ấn họ vua). Sau đó, dòng dõi của Thuỷ tổ Hoàng Gia đã từ Thường Tín về Tương Đông huyện Nam Chân (Nam Trực ngày nay).

Được các Thủy tổ tin tưởng giao việc dạy học. Tổ Hoàng ra sức chăm lo vun trồng cho sự nghiệp nhân tài của Quần Anh.

Năm 1917, Định Tỵ, Khải Định thứ 2, sắc phong: Dực bảo trung hưng linh phù tôn thần.

Năm 1925, Ất Sửu, Khải Định thứ 10, gia phong Đoan Túc Trung Đẳng Thần.

Để ghi nhớ, tri ân công đức của Thuỷ tổ Hoàng Gia, con cháu trong dòng họ lập đền thờ. Trong khuôn viên 450m2, Từ đường Thuỷ tổ Hoàng Gia là công trình tín ngưỡng được xây dựng từ lâu đời nay thuộc xóm 10 - xã Hải Trung. Trải qua nhiều thế kỷ cùng với sự biến đổi của thời tiết và chiến tranh tàn phá, từ đường đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần và mở rộng thêm các hạng mục của công trình.

Công trình kiến trúc từ đường tồn tại đến ngày nay vẫn bảo lưu được những giá trị kiến trúc truyền thống. Tại di tích còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị như sắc phong, bài vị, câu đối, đại tự.

Ngày 28/8/2008, Từ đường Thuỷ tổ Hoàng Gia được UBND tỉnh Nam Định công nhận là Di tích LSVH.

Hàng năm, cứ vào 6/Giêng; ngày Đông chí, con cháu trong dòng họ lại về dâng hương báo công tiên tổ.

Vị Tiến sĩ triều Lê, Thân Nhân Trung đã nói: “Hiền tài là nguyên khí của Quốc gia”. Câu nói không chỉ dừng lại trong xã hội thời Lê mà câu nói ấy đối với chúng ta vẫn còn nguyên giá trị, khi giáo dục đang trở thành quốc sách hàng đầu, khi văn hoá, khoa học và đội ngũ trí thức đang giữ một vai trò cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp kiến quốc đất nước hôm nay. Nhớ ơn người xưa, càng thấm thía công lao tổ tiên ta đã dày công xây dựng. Những người con ưu tú của Quần Anh xưa - Hải Hậu nay đang viết tiếp những trang sử vẻ vang của Tổ tiên từ thời mở đất./.

Từ đường Thủy Tổ Hoàng Gia
 

4. Thuỷ Tổ Phạm Cập

Là một trong 4 Thuỷ tổ có công khai sáng đất Quần Anh xưa - Hải Hậu nay, Thủy tổ Phạm Cập được phân công việc chuyên giấy tờ, sổ sách, đo đạc ruộng đất dinh điền. Theo các sách “Quần Anh địa chí”, “Quần Anh tiểu sử”, “Truyện cũ làng Anh”, gia phả họ Phạm và tư liệu văn bia các di tích thì Thuỷ tổ Phạm Cập, tự là Chính Trực, quê ở Tương Đông.

Trải qua một thời gian dài khai phá với biết bao mồ hôi công sức, Thuỷ tổ Phạm Cập đã cùng các tổ đã tạo dựng được một vùng đất bồi rộng rãi, lập thành xóm Phú Cường. Đất đẹp, người đông, tứ tính, cửu tộc quyết định đổi tên Cồn Ấp thành ấp Quần Cường. Thôn, ấp hình thành một qui mô rộng rãi, dân cư hai bờ sông giữa chia làm 10 giáp (từ Giáp Nhất đến Giáp Thập) cho những người đến trước ở. Từ Đông sang Tây mỗi giáp một dong, mỗi dong có một cầu bắc qua sông Giữa để nối liền khu giáp. Bốn biên ấp lập thành 4 thôn: Nam Cường, Bắc Cường, Đông Cường, Tây Cường cho những người đến sau ở và cũng được kiến thiết tương tự như cảnh trí trong làng. Đến đây, Quần Cường ấp đã trở thành một làng gồm 10 giáp, 4 thôn, diện tích rộng lớn.

Năm 1511, Quần Cường ấp được thăng lên thành xã Quần Anh.

Với công lao to lớn đó, ngày 25/7 niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924) đã có Đạo sắc ghi rõ: “Sắc cho tỉnh Nam Định, huyện Hải Hậu, tổng Quần Phương, cả tổng phụng thờ vị tổ khai sáng, Chính Trực Phạm Cập đại lang linh thiêng, rõ rệt…Gia phong là: Dực bảo trung hưng linh phù chi thần”.

Để ghi công ơn các vị Thuỷ tổ đã có công tạo lập làng xã, nhân dân Quần Anh đã lập đền thờ phụng.

Từ đường Thuỷ Tổ Phạm Cập tại xóm 5, xã Hải Anh được xây dựng từ năm 1928. Từ đường là nơi thờ tự, tri ân công đức của các thế hệ con cháu họ Phạm và nhân dân địa phương đối với Thuỷ Tổ Phạm Cập. Ông là một trong những người có công đầu tổ chức công cuộc khai hoang lấn biển tạo lập vùng đất Quần Anh xưa, Hải Hậu ngày nay.

Công trình kiến trúc từ đường ngày nay vẫn bảo lưu được những giá trị kiến trúc truyền thống. Tại di tích còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị như văn bia, sắc phong, câu đối, đại tự.

Ngày 28/8/2008, Từ đường Thuỷ tổ Phạm Cập được UBND tỉnh Nam Định công nhận là Di tích LSVH.

Phát huy truyền thống của tổ tiên, ngày nay, con cháu họ Phạm Cập đã lớn mạnh đến trên 100 ngành và sinh sống khắp mọi miền đất nước. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, con cháu dòng họ Phạm ở Hải Hậu có 151 liệt sỹ, hơn 100 người là thương bệnh binh, 7 Bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 1 người là AH LLVTND. Hàng năm, vào ngày 15/2AL và tiết Đông chí con cháu trong dòng họ đều tổ chức lễ tế tổ ghi nhớ công lao của các bậc tiền nhân và báo công tiên tổ. 

Từ buổi đầu khai cơ mở đất của các thuỷ tổ: Trần Vu, Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập, kế đến là cửu tộc: Lại, Nguyễn, Lê, Bùi, Phan, Đoàn, Đỗ và 2 dòng họ Trần, Vũ khác, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, mảnh đất, con người Quần Anh xưa - Hải Hậu nay đã lớn mạnh hiện nay diện tích 226km2, được phân bố ở 32 xã và 3 thị trấn. Dân số trên 26 vạn người.

Hơn 5 thế kỷ mở đất và giữ đất, các thế hệ người Hải Hậu đã vật lộn, chinh phục thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt, sóng to, bão lớn, đã chung lưng, đấu cật gắn bó với nhau để vừa quai đê lấn biển, vừa thau chua, rửa mặn, cải tạo ruộng đồng xây dựng mảnh đất Hải Hậu ngày nay. Tự hào về truyền thống văn hiến, tự cường, yêu nước và cách mạng với những giá trị và bản sắc riêng có của quê hương, nơi sinh thành và tôi luyện nhiều bậc hiền tài, nhiều chiến sĩ cách mạng kiên trung, nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước và nhiều tấm gương anh hùng trong lao động, sản xuất, nhiều trí thức, văn nghệ sỹ tiêu biểu đã góp công sức, trí tuệ giữ gìn và phát huy truyền thống, cốt cách của dân tộc, của người Hải Hậu trong xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Truyền thống vẻ vang của quê hương chính là nền tảng vững chắc và là một trong những động lực chủ yếu cho sự phát triển toàn diện của huyện nhà./.

Từ đường Thủy Tổ Phạm Cập
 

5. Đền thờ Tứ tổ

Đền thờ Tứ Tổ Trần Vu - Vũ Chi - Hoàng Gia - Phạm Cập (tại xã Hải Anh)
 

Cùng với đền thờ các Thuỷ tổ của mỗi dòng họ, để ghi nhớ công ơn tiên tổ tại đình Phong Lạc, nhân dân lập Đền thờ “Thuỷ Tổ Quần Anh” để thờ Tứ tổ và các Liệt tổ khai sáng tại xã Hải Anh. Đền làm theo kiểu chữ Đinh, được xây dựng từ năm Đinh Mão (1924). Bài trí, thờ tự ở đây có sự phân định công trạng, trước sau rõ ràng: Ngoài “Tứ tổ khai sáng” còn thờ “Thành trung liệt tổ” tiếp đến “Kế chí liệt tổ”, công nghệ, nghiệp sư.

Năm 1862, 1867 Vua Tự Đức ban tặng Quần Anh: “Mỹ tục khả phong” và “Thiện tục khả phong”.  Khi có Đảng lãnh đạo, nhân dân Hải Hậu tiếp tục phát huy nét đẹp của tiền nhân, vượt qua những khó khăn, thách thức, làm cho quê hương ngày thêm giàu đẹp. Ngày 26/3/1990 đền Thủy tổ cùng với chùa Lương được Nhà nước cấp bằng công nhận Di tích lịch sử văn hoá.

Ngày nay, truyền thống văn hóa đó tiếp tục được lớp lớp người dân Hải Hậu viết tiếp và tô thắm thêm truyền thống văn hóa anh hùng của mảnh đất con người Hải Hậu. Kỷ niệm 125 năm thành lập huyện, đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất là dịp để cán bộ và nhân dân huyện nhà bày tỏ lòng nhớ ơn công đức của các liệt Tổ và các bậc tiền nhân đã có công khai sáng mảnh đất Quần Anh xưa - Hải Hậu nay, đồng thời thể hiện truyền thống đạo lý "uống nước nhớ nguồn“.  Đền thờ Tứ Tổ ở Hải Anh và đền thờ các Thuỷ tổ có công khai sáng Quần Anh xưa - Hải Hậu nay là những di sản vô giá của huyện nhà, là điểm tụ hội văn hóa tâm linh, là biểu tượng sinh động của truyền thống đại đoàn kết, biểu tượng của ý chí tự lực, tự cường của nhân dân huyện Hải Hậu. Cán bộ và nhân dân huyện Hải Hậu nguyện phát huy truyền thống, đoàn kết, tự lực tự cường, năng động, sáng tạo, tranh thủ  thời cơ, phát huy mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đề ra, xây dựng Hải Hậu thành huyện nông thôn mới giàu đẹp, văn minh./.

Kim Luyên

Uỷ ban Nhân dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định
- Điện thoại: 0350. 3877.141 - Fax: 0350.3877.143
- Email: vanphong@haihau.vn
© 2003-2010 by INCOM
CLB DOANH NHÂN HẢI HẬU
Góp ý: doanhnhan@haihau.vn
SEO là gì | XSMB | XSMT | Lịch Vạn Niên |