news

Di tích Lịch sử - Văn hóa Đền An Phú

(03:37, 09/11/2010)

Đền An Phú (còn gọi là Đền Đông, Đền Trần An Phú) thuộc thôn An Phú xã Hải Phong, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Đền là công trình kiến trúc tôn giáo được xây dựng trong quá trình khai hoang, lấn biển tạo lập làng xã của người dân địa phương diễn ra từ đầu thế kỷ XIX. Tư liệu Hán Nôm tại di tích và nhân dân địa phương cho biết ngôi Đền được xây dựng vào năm 1835, đến năm 1912 được trùng tu.
 

Đền An Phú

Đền An Phú là di tích có giá trị về lịch sử, là nơi thờ tự tri ân công đức anh hùng dân tộc Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Đồng thời, Đền An Phú là nơi thờ tự tri ân công đức Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ (1778-1858), người có công tổ chức công cuộc khai hoang lập nên Tổng Ninh Nhất vào năm 1829 (nay là các xã Hải Phong, Hải Toàn, Hải An huyện Hải Hậu).

Di tích còn là nơi thờ Tổ lập làng Trần Xuân Khánh (Trần Trung Khánh). Ông quê ở xã Cát Chử, huyện Chân Ninh (nay là xã Trực Cát, huyện Trực Ninh), đã giúp Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ tổ chức nhân dân khai khẩn đất hoang lập nên ấp An Phú (nay là thôn An Phú, xã Hải Phong).

Tín ngưỡng thờ các vị tại ngôi đền này vừa thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, vừa góp phần tạo nên tinh thần tương thân, tương ái, vượt qua khó khăn thử thách để xây dựng vùng quê mới ven biển ngày thêm giàu đẹp.

Đền được xây dựng trên một khu đất rộng 3.860m2, mặt quay về hướng Đông Nam. Nhìn trên mặt bằng tổng thể, Đền An Phú gồm các hạng mục chủ yếu: ao đền, bình phong, sân đền, nhà khách cùng công trình kiến trúc trung tâm. Tổng thể công trình kiến trúc được bao bọc xung quanh là cánh đồng lúa trong một khuôn cảnh thiên nhiên với nhiều cây bóng mát tạo nên cảnh trí u tịch, thiêng liêng.

Trên sân Đền là bức bình phong được xây bằng chất liệu gạch vữa cao 2,5m tạo dáng theo kiểu cuốn thư. Chính giữa cuốn thư đắp nổi bốn chữ Hán “Vạn cổ anh linh” (Linh thiêng muôn đời), hai cạnh bên của bình phong xây trụ hoa biểu, đắp trang trí hoạ tiết lồng đèn.

Qua bức bình phong, đến một sân rộng 200m2 được lát hoàn toàn bằng gạch đỏ là vào tới công trình chính. Toàn bộ ngôi đền được xây dựng trên nền đất cao ráo với mặt bằng hình chữ “Tam” gồm: Tiền đường, Trung đường và Cung cấm.

Toà Tiền đường có kích thước dài 13,5m, rộng 5,7m. Phần cốt nền Tiền đường cao hơn mặt sân 40cm, tại đây xây tam cấp tạo bậc lên xuống. Mặt bằng Tiền đường được bố trí đăng đối nhau: gian giữa rộng 2,7m, hai gian bên rộng 2,5m và hai gian giáp đốc rộng 1,7m.

Ba gian Trung đường được xây nối liền với Tiền đường, có kích thước rộng 3,1m, sâu 3,5m với đặc điểm bên trong cuốn vòm, bên ngoài xây kiểu cổ đẳng bốn mái với các đầu đao uốn cong mềm mại. Nâng đỡ bộ mái là hệ thống cột xây hình vuông có cạnh 30 x 30cm. Hiện nay, trong toà Trung đường chính giữa bài trí nhang án, bài vị thờ gia thần, gia tướng của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.

Cung cấm Đền An Phú được xây nối mái với Trung đường. Công trình gồm 3 gian có kích thước dài 4,06m, rộng 1,7m. Ngăn cách giữa Trung đường và Cung cấm là bức tường xây bổ trụ tạo thành ba khoang cửa. Phía trên các khoang cửa đắp nổi hoạ tiết “lưỡng long chầu nguyệt”. Hai con rồng được đắp rất công phu, sinh động đã tạo nên sự uy nghiêm cho toà cung cấm. Phía dưới hoạ tiết lưỡng long chầu nguyệt là bộ cửa gỗ sơn son thếp vàng được thiết kế kiểu thượng song hạ bàn. Trên cách cửa đục chạm các đề tài: hổ phù, sen quy, chữ thọ mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Hai bên bộ cánh cửa treo câu đối:

Uy dương oanh liệt suy Nguyên Bắc,

Vạn cổ huân cao hiển Việt Nam.

(Khí tiết anh hùng mạnh mẽ diệt trừ giặc Nguyên nơi phương Bắc

Muôn thuở công lao sự nghiệp hiển ứng sáng rõ khắp trời Nam)

Bên trong Cung cấm, chính giữa là bệ thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, bên phải là ngai và bài vị thờ Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ, bên trái là ngai và bài vị thờ Nguyên mộ Trần Xuân Khánh.

Lăng mộ Nguyên mộ Trần Xuân Khánh nằm cách Đền An Phú khoảng 600m về phía Tây Nam. Toàn bộ lăng được xây dựng trên khu đất rộng khoảng 3 sào Bắc bộ, mặt quay về hướng Đông. Phía trước khu mộ là hệ thống nghi môn, qua nghi môn vào đến khu lăng mộ. Nằm về phía trước của lăng là bức bình phong xây bằng gạch vữa cao 2,5m theo dạng cuốn thư. Sau bức bình phong là khoảng sân rộng lát bằng gạch đỏ, trên sân xây nhang án phục vụ cho việc tế lễ. Phần mộ Trần Nguyên Khánh và phu nhân được đặt trên nền đất cao với kích thước rộng 6m, dài 7,5m, xung quanh xây bằng gạch cao 70cm.
 

Khu lăng mộ Nguyên mộ Trần Xuân Khánh

Công trình Đền và lăng mộ đã tạo thành một hệ thống thờ tự góp phần khẳng định hơn nữa giá trị lịch sử, kiến trúc của di tích Đền An Phú.

Bên cạnh giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc Đền An Phú còn lưu giữ được một số di vật, cổ vật như: tượng, sắc phong, ngai và bài vị, cùng hệ thống câu đối, đại tự (Đền hiện lưu giữ được 8 đạo sắc phong, nội dung phong cho Đức thánh Trần, Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ và thần Bản thổ. Trong số 8 đạo sắc phong đó, sắc có niên đại sớm nhất là Thiệu Trị thứ 6 (1846), sắc có niên đại muộn nhất là Khải Định thứ 9 (1924).
 

Đạo sắc Triều vua Thiệu trị thứ 6

Đền là công trình kiến trúc được xây dựng và tồn tại cùng với sự hình thành và phát triển của làng xã, vì vậy nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, đồng thời có những đóng góp không nhỏ vào thành tích chung của địa phương trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Trong những năm 1946-1947, tại thôn An Phú, Ban bình dân học vụ đã chọn ngôi Đền làm nơi mở các lớp học dạy chữ quốc ngữ. Ngày 10/7/1947 chi bộ Đảng của xã Phúc An (Hải Phong) được thành lập chỉ đạo phong trào cách mạng tại địa phương, động viên nhân dân kiên cường bám trụ, một lòng phục vụ kháng chiến. Thời gian này lực lượng dân quân du kích phát triển rất mạnh, thôn An Phú đã xây dựng được một trung đội du kích tập trung, một đại đội dân quân và một số tiểu đội bạch đầu quân. Đền An Phú trở thành cơ sở hội họp của các tổ chức quần chúng và là nơi luyện tập của lực lượng dân quân du kích trong thôn. Cuối năm 1946-1947, Đền đã được sử dụng là nơi sinh hoạt, làm việc của nhiều cơ quan của tỉnh, huyện. Đặc biệt là nơi đóng quân của Đại đội 28-Trung đoàn 46-Bộ đội tỉnh Nam Định. Tháng 10/1949, giặc Pháp mở rộng địa bàn chiếm đóng huyện Hải Hậu, chúng lấy xứ Trùng Phương (Hải Đường) làm sở chỉ huy và lập đồn bốt dày đặc để đàn áp phong trào cách mạng, trong đó có bốt Cầu Đen ở xã Phúc An (Hải Phong). Tại đây, địch cùng bọn phản động đội nốt tôn giáo tiến hành lùng sục khủng bố những người tham gia cách mạng, gây mất đoàn kết lương-giáo, thành lập tổ chức thanh niên diệt cộng. Đền An Phú trở thành cơ sở hoạt động của các cán bộ bí mật gây dựng phong trào cách mạng ở địa phương và huyện Hải Hậu. Hiện nay trong khuôn viên của Đền vẫn còn lưu lại dấu vết của hầm bí mật.

Ngày 02/9/2006, Đền An Phú được UBND tỉnh Nam Định công nhận là Di tích Lịch sử-Văn hóa. Hằng năm Đền An Phú tổ chức lễ hội vào ngày 20/8 Âm lịch.

 

            (Phan Văn Hưởng-Ban Tuyên giáo Huyện ủy)

Uỷ ban Nhân dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định
- Điện thoại: 0350. 3877.141 - Fax: 0350.3877.143
- Email: vanphong@haihau.vn
© 2003-2010 by INCOM
CLB DOANH NHÂN HẢI HẬU
Góp ý: doanhnhan@haihau.vn
SEO là gì | XSMB | XSMT | Lịch Vạn Niên |