news

Báo cáo tóm tắt của Huyện ủy Hải Hậu về kết quả chủ yếu 5 năm thực hiện Nghị quyết TW7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

(10:14, 17/07/2013)


 Báo cáo NQTW7 của huyện

ĐẢNG BỘ TỈNH NAM ĐỊNH           ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

    HUYỆN ỦY HẢI HẬU

 

                                               Hải Hậu, ngày 13 tháng 07 năm 2013

 

 

BÁO CÁO TÓM TẮT

Kết quả chủ yếu 5 năm thực hiện Nghị quyết TW 7 (Khóa X)

về nông nghiệp, nông dân, nông thôn

 

 

I. CÔNG TÁC QUÁN TRIỆT VÀ LÃNH ĐẠO TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

- Chỉ đạo, tổ chức quán triệt thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) và các văn bản của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương, BCH Đảng bộ huyện đã lựa chọn các nội dung đột phá trong xây dựng NTM; ban hành 3 Nghị quyết, 6 Đề án phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010-2015.

- Phát động phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

- Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp tăng cường tính chủ động xây dựng kế hoạch tham gia vào chương trình xây dựng nông thôn mới. Mỗi đoàn thể chính trị có chương trình xung kích thực hiện nhiệm vụ cụ thể.

- Đảng uỷ các xã, thị trấn ban hành Nghị quyết xây dựng nông thôn mới và chỉ đạo HĐND, UBND xã, thị trấn xây dựng và ban hành cơ chế hỗ trợ, khuyến khích, khen thưởng. Đồng thời lãnh đạo Chi bộ xóm (TDP) ban hành và tổ chức thực hiện nghị quyết xây dựng xóm (TDP) nông thôn mới, phát động sâu rộng phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, khơi dậy và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, vai trò chủ thể của nhân dân, của cộng đồng dân cư thi đua xây dựng gia đình, xóm (TDP) đạt tiêu chí nông thôn mới.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN TRÊN CÁC LĨNH VỰC CHỦ YẾU:

1. Chỉ đạo sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyển dịch mùa vụ và cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích canh tác:

- Chỉ đạo thực hiện Đề án “Mở rộng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng cây vụ Đông trên chân ruộng 2 lúa và phát triển trang trại nông nghiệp”. 35/35 xã, thị trấn đã xây dựng xong quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch nông thôn mới và dồn điền đổi thửa.

- Diện tích gieo trồng hàng năm 13.800 ha, trong đó diện tích trồng 2 vụ lúa là 10.500 ha; năng suất lúa năm 2012: 124,21 tạ/ha/năm; sản lượng: 130.208 tấn. Từng bước chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp sản lượng sang sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao.

- Tích cực tham gia chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, điều chỉnh thời vụ sản xuất và xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Chỉ đạo cấy sớm, cấy tập trung, mở rộng diện tích trồng cây vụ Đông trên chân ruộng 2 lúa. Diện tích cây vụ Đông trên chân ruộng 2 lúa bình quân hàng năm đạt 15%; trồng lúa đặc sản Tám, Nếp 900 ha, bằng 8,3 % diện tích; vùng nhân giống lúa thuần, diện tích từ 1 - 2 ha/HTX; vùng vụ Đông, trồng cây phục vụ chế biến và xuất khẩu (cà chua, dưa chuột) có diện tích 400 ha.

- Thực hiện chương trình đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp: 100% cơ giới hóa trong khâu làm đất, từng bước cơ giới hóa trong thu hoạch. Mở rộng diện tích gieo sạ trong sản xuất lúa, vụ Xuân 2013 chiếm 25% diện tích.

- Chất lượng dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp ngày càng tốt hơn, chủ động cung ứng giống, vật tư, bảo vệ thực vật kịp thời. 100% các xã, thị trấn trong huyện có khuyến nông viên cơ sở, trưởng thú y xã, nhân viên bảo vệ thực vật, các xã ven biển có nhân viên khuyến diêm, quản lý đê nhân dân.

- Phát triển chăn nuôi: Tổng đàn lợn hàng năm đạt 129.000 con; gia cầm trên 1 triệu con. Chăn nuôi trang trại, gia trại thay thế dần hình thức chăn nuôi truyền thống. Toàn huyện có 102 trang trại và 706 gia trại, trong đó có trang trại nuôi 700 lợn nái ngoại, hàng năm cung cấp trên 15.000 con giống có chất lượng cao.

- Tích cực chuyển đổi các diện tích đất sản xuất muối, trồng lúa hiệu quả thấp sang chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng màu, trồng hoa, cây cảnh, với tổng diện tích trên 900 ha, tăng 2 lần so năm 2008.

- Kết quả thực hiện Chiến lược kinh tế biển gắn với an ninh, quốc phòng; trong đó phát triển mạnh nghề khai thác xa bờ và nuôi trồng thủy hải sản:

+ Toàn huyện có 917 tàu khai thác hải sản, trong đó có 135 tàu có công suất trên 90 CV. Sản lượng năm 2012 đạt 17.700 tấn, tăng 2.700 tấn so với năm 2008.

+ Nuôi trồng thủy sản: Diện tích nuôi nước ngọt: Diện tích 2.280 ha, tăng 500 ha so với năm 2008; nuôi mặn lợ: 456 ha. Diện tích nuôi tôm công nghiệp năm 2013 là 135 ha, tăng trên 100 ha so với năm 2008.

+ Dịch vụ và chế biến Thuỷ sản: Xây dựng và nâng cấp 3 cơ sở chế biến. Nâng cấp cơ sở sửa chữa tàu tại Thị trấn Thịnh Long. Hình thành một số cơ sở thu mua chế biến thủy sản tại các xã ven biển.

- Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2012 đạt 99,5 triệu đồng/ha, tăng 39,5 triệu đồng/ha so với năm 2008.

2. Sản xuất Công nghiệp- Tiểu thủ công nghiệp:

- Trước năm 2008: Sản xuất CN- TTCN manh mún, công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản không đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất; các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh không hiệu quả, lao động thiếu việc làm,…

- Thực hiện Đề án đào tạo nghề, truyền nghề, giải quyết việc làm trong nông thôn huyện Hải Hậu giai đoạn 2010-2015 và Đề án xây dựng làng nghề huyện Hải Hậu giai đoạn 2010-2015. Từ 2008 đến nay, CN-TTCN được duy trì và phát triển. Toàn huyện có 66 doanh nghiệp (tăng 16 doanh nghiệp so với năm 2008), 9.499 cơ sở sản xuất, kinh doanh (tăng 4.409 cơ sở so với năm 2008), với 17,137 lao động (tăng 2.333 lao động so với năm 2008). Cơ cấu kinh tế công nghiệp-TTCN chiếm 35 %, tăng 20,5% so với năm 2008.

- Giá trị tổng sản lượng (theo giá cố định 1994) năm 2012: đạt 529,3 tỷ đồng, tăng 191% so với năm 2008. Tốc độ tăng trưởng bình quân 18- 20%/năm.

- Tập trung chỉ đạo phát triển cụm làng nghề trong nông thôn; đào tạo nghề, tạo thêm nghề mới, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân. Kết quả:

+ Hình thành điểm công nghiệp Hải Phương, Hải Minh và may công nghiệp ở hộ gia đình ở các xã, thị trấn, với trên 5.000 đầu máy, giải quyết việc làm cho gần 10.000 lao động.

+ Công nghiệp chế biến như xay sát lúa gạo, chế biến hải sản, đông lạnh,… phát triển đã cơ bản đáp ứng việc tiêu thụ sản phẩm khai thác kinh tế biển.

+ Phát triển nghề dệt lưới cước, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, mộc dân dụng, chiếu cói, móc sợi, đan bẹ chuối xuất khẩu; phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh... được duy trì và mở rộng. Đã đào tạo nghề cho 6.029 người, truyền nghề 19.223 lao động, tập huấn cho 11.750 lao động. Tổ chức 235 lớp tập huấn cho 11.750 lao động. Công nhận 27 làng nghề, 22 nghệ nhân. Đã tạo việc làm có thu nhập ổn định cho trên 10.000 lao động.

3. Xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.

- Giao thông: đường trục xã, liên xã có 222/222 km được nhựa hóa và bê tông hóa, Bmặt từ 3,5 m trở lên; Đường thôn, xóm có 537/835 km được bê tông hóa theo tiêu chí nông thôn mới, Bmặt từ 2-3 m trở lên; Đường trục chính nội đồng có 290/649 km được bê tông hóa, Bmặt từ 2 m trở lên.

- Hệ thống thủy lợi đảm bảo thông thoáng, đáp ứng yêu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất. Trong 5 năm đã nạo vét trên 3,6 triệu m3 kênh tưới, tiêu; xây mới 7 cống trên tuyến đê biển, đê sông; nâng cấp, xây mới hơn 200 cống trên sông cấp 1, cấp 2.

- Hệ thống điện: Tập trung cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện hạ thế nông thôn giai đoạn 1, hệ thống lưới điện trung thế đảm bảo theo yêu cầu của ngành điện cũng như nhu cầu sử dụng của nhân dân, tổng mức đầu tư 5 năm (2008-2012) là 204 tỷ đồng. 100 % hộ gia đình sử dụng điện. Sản lượng điện tiêu thụ năm 2012 là 103 triệu kWh, tăng 150% so với năm 2008.

- Kết quả dồn điền đổi thửa, chỉnh trang kiến thiết đồng ruộng: Cuối năm 2011, đã hoàn thành dồn điền đổi thửa trên phạm vi toàn huyện, đạt được 5 mục tiêu:

+ Nhân dân góp đất xây dựng đường giao thông nội đồng được 345 ha, bình quân 11,5 m2/sào, mở rộng 1.165 tuyến đường nội đồng dài 649 km.

+ Giảm số thửa: bình quân từ 2,8 còn 1,9 thửa/hộ, giảm 0,9 thửa/hộ.

+ Quy gọn vùng đất công: từ 506 vùng, còn 321 vùng, giảm 185 vùng.

+ Quy hoạch vùng sản xuất: hiện có 405 vùng sản xuất tập trung, vùng có diện tích lớn nhất 108 ha.

4. Phát triển Văn hóa- Xã hội và môi trường nông thôn.

- Về Văn hóa: Sự nghiệp văn hóa luôn được quan tâm, đầu tư phát triển toàn diện, tạo nền tảng tư tưởng, động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội của huyện. 

+ Hàng năm đều tổ chức ngày hội văn hóa thể thao truyền thống ở huyện kỷ niệm Cách mạng Tháng 8, Quốc khánh 02/9, trung bình có 10 môn thi đấu và biểu diễn, khoảng gần 3.000 vận động viên, diễn viên tham gia.

+ Các thiết chế văn hóa từ huyện đến các xã được quan tâm đầu tư, xây dựng nâng cấp: Nhà văn hóa, thư viện, bảo tàng,….

+ Liên tục từ năm 1978 đến nay là đơn vị điển hình văn hóa cấp huyện của cả nước. Năm 1999 được Bộ Văn hóa chỉ đạo tổng kết 20 năm điển hình văn hóa cấp huyện của cả nước để nhân ra toàn quốc.

+ Đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", tập trung xây dựng nhà văn hóa xóm (TDP) và xây dựng xóm, TDP đạt tiêu chuẩn nếp sống văn hóa; đến nay 538/546 xóm, TDP có nhà văn hoá, toàn huyện chỉ còn 8 xóm chưa có nhà văn hóa; 474 đơn vị đạt tiêu chuẩn NSVH (trong đó 299/546 xóm đạt tiêu chí xóm văn hóa của huyện). Số gia đình văn hóa đạt 81,2%, tăng 12% so với năm 2008.

+ Hoạt động Nhà văn hóa xóm: Có trên 300 câu lạc bộ của người cao tuổi, hội cựu chiến binh, hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên và câu lạc bộ nghề nghiệp,…. sinh hoạt thường xuyên. Ngoài ra Nhà văn hóa các xóm còn được trang bị tủ sách, với hàng nghìn đầu sách phục vụ nhu cầu tìm hiểu kiến thức của nhân dân.

- Về Y tế: Đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân. Đến nay, toàn huyện có 1 bệnh viện hạng II, quy mô 250 giường bệnh, 01 Trung tâm Y tế, 35 trạm y tế xã, thị trấn; 100% xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế, không có dịch bệnh xảy ra, chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên.

- Về Giáo dục: Hệ thống trường lớp các cấp học, ngành học đều được quan tâm đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa (Từ năm 2002 đến năm 2011 huyện thực hiện cơ chế hỗ trợ 10% chi phí thực tế xây dựng trường học kiên cố). Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được đẩy mạnh, kết quả đã có 33/35 trường Mầm non, 39/40 trường Tiểu học (12 trường chuẩn mức II), 22/39 trường THCS, 2/8 trường THPT đạt chuẩn Quốc gia.

- Về môi trường nông thôn: 100% hộ dân sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh và theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. 35/35 xã, thị trấn có hố chôn lấp rác thải, trong đó có 16 xã được xây dựng theo tiêu chuẩn, 2 đơn vị (Hải Minh và Thịnh Long) có lò đốt rác theo công nghệ Nhật Bản.

5. Về nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện đảm bảo an sinh xã hội.

-  Đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên, đời sống nhân dân vùng xa trung tâm, vùng ven biển được cải thiện đáng kể so với năm 2008. Thu nhập bình quân đầu người năm 2012 đạt 17,58 triệu đồng/người/năm, tăng 8,38 triệu so với năm 2008.

-  Chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chính sách xã hội (huyện có 12.024 đối tượng bảo trợ xã hội), chính sách đối với người có công (có 8.250 người), người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, v.v. Phát động xây dựng “quỹ đền ơn đáp nghĩa”, “Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam”, “Quỹ vì người nghèo”,..

- Duy trì và đẩy mạnh các hoạt động nhân đạo, từ thiện; trong 5 năm đã vận động được 4,5 tỷ đồng, xây dựng 237 nhà đại đoàn kết, sửa chữa 321 nhà cho hộ nghèo, hỗ trợ 5.083 lượt người nghèo.

- Tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí mới) năm 2012 của huyện là 6,91%, giảm 5,79% so với năm 2008.

- Tỷ lệ  tham gia BHYT năm 2012 đạt 45,5%, tăng 15% so với năm 2008.

6. Về xây dựng hệ thống chính trị và đảm bảo trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.

- Huyện có 96 tổ chức cơ sở đảng, 13.703 đảng viên. Huyện Hải Hậu nhiều năm liên tục được Tỉnh ủy xếp loại “Đảng bộ trong sạch vững mạnh”.

- Xây dựng và chỉ đạo cải cách hành chính theo kế hoạch. Thành lập Trung tâm hành chính Một cửa cấp huyện và 35 xã, thị trấn.

- Chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội được nâng lên. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với phong trào “Xây dựng khu dân cư 5 không” và phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”; phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, thực hiện tốt pháp lệnh dân chủ ở cơ sở.

- An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Tổ chức tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo theo quy định, không để xảy ra khiếu kiện đông người.

7. Kết quả xây dựng nông thôn mới:

- Đã có cách làm sáng tạo, phù hợp trong việc phát động phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”:

+ Cụ thể hóa 19 tiêu chí xã nông thôn mới của Trung ương thành 8 tiêu chí gia đình nông thôn mới và 12 tiêu chí xóm nông thôn mới. Thực hiện 19 tiêu chí xã nông thôn mới của tỉnh.

+ Có cơ chế khuyến khích 30% chi phí vật liệu cứng cho công trình xây dựng đường giao thôn xóm, giao thông nội đồng và rãnh thoát nước dân cư.

+ Người dân đã thực sự làm chủ trong công việc, tham gia đóng góp, quản lý công trình.

- Đến 31/12/2012, có 204/546 xóm (TDP) đạt tiêu chí NTM; số hộ được công nhận gia đình NTM toàn huyện là 64.244/90.485 hộ bằng 71%; đã đào tạo nghề cho 6.029 lao động, truyền nghề 19.223 lao động, tập huấn cho 11.750 lao động. Toàn huyện, bình quân đạt 15/19 tiêu chí, tăng 8 tiêu chí so trước năm 2010. Trong đó: 2 xã đạt 17 tiêu chí; 9 xã đạt 16 tiêu chí; 9 xã đạt 15 tiêu chí; 8 xã đạt 14 tiêu chí; 4 xã đạt 13 tiêu chí và 3 xã đạt 12 tiêu chí.

- Về nguồn vốn đã huy động trong 5 năm (2008-2013) phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân là: 821,86 tỷ đồng. Trong đó:

+ Vốn cấp trên hỗ trợ:                   430,29 tỷ đồng =  52,3%

+ Vốn doanh nghiệp:                    118,51 tỷ đồng  =  14,3%

+ Nguồn vốn nhân dân đóng góp: 227,66 tỷ đồng =  27,8 %

+ Vốn con em ủng hộ:                     45,4 tỷ đồng   =    5,6%

Với những thành tích đạt được huyện Hải Hậu đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng Nhất năm 2012.

Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết vẫn còn một số tồn tại, hạn chế:

- Một số cấp ủy đảng, chính quyền và một bộ phận cán bộ, nhân dân nhận thức chưa sâu sắc về quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết, còn hoài nghi về hiệu quả của việc triển khai thực hiện nghị quyết. Việc thực hiện 6 đề án phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010 - 2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện chưa rộng khắp và đồng đều ở tất cả các xóm, TDP dẫn đến hiệu quả kinh tế mang lại chưa đồng đều.

- Chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động còn chậm, sản xuất CN – TTCN còn khó khăn, các doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn còn ít; ngành nghề phát triển chậm, thu nhập thấp.

- Hải Hậu là huyện thuần nông, địa bàn nông thôn rộng, đất canh tác ít, manh mún và nằm trong vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ, bão. Cơ chế chính sách của Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn chưa đồng bộ, thiếu tính đột phá; đầu tư từ ngân sách nhà nước và các thành phần kinh tế vào nông nghiệp, nông thôn còn thấp.

- Sản xuất nông nghiệp nhìn chung còn mang nặng tính truyền thống thuần túy, sức cạnh tranh không cao. Công tác tổ chức thu mua, chế biến sản phẩm sau thu hoạch chưa được chú trọng đúng mức, sản phẩm xuất chủ yếu ở dạng thô, thị trường nhỏ lẻ, giá trị kinh tế thấp.

- Hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất, công trình thủy lợi còn bất cập, xuống cấp, chưa phục vụ tốt yêu cầu phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

- Kinh phí huy động từ đóng góp của nhân dân và phát huy nội lực của địa phương chưa đáp ứng với yêu cầu. Việc khai thác nguồn vốn và đầu tư từ các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khác phục vụ xây dựng nông thôn mới còn chừng mực.

* Bài học kinh nghiệm:

- Từ các tiêu chí của Trung ương đã chủ động, sáng tạo ban hành các tiêu chí phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương và lựa chọn các mục tiêu đột phá, đảm bảo tính khả thi để triển khai thực hiện và nhân ra diện rộng.

- Có sự vào cuộc chủ động, tích cực của đội ngũ cán bộ cơ sở: Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm là người chủ trì trực tiếp triển khai thực hiện; làm được các việc lớn như: Dồn điền đổi thửa và xây dựng NTM; ngoài công tác chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền huyện, xã, thị trấn thì vấn đề quyết định thành công là ở đội ngũ cán bộ cơ sở.

- Công tác tuyên truyền, vận động được triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp, các ngành để toàn dân nâng cao nhận thức từ đó mọi người có trách nhiệm xây dựng nông nghiệp, nông thôn, tạo sự đoàn kết, gắn bó, đồng thuận… Nhằm phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

- Phải có sự tổ chức chặt chẽ từ huyện đến cơ sở, phải quy định và xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành. Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị xã hội và của mỗi cán bộ, đảng viên trong mọi việc, mọi lĩnh vực.

- Trong xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phải kế thừa các thành quả và công trình đã có, coi đó là nguồn lực mà nhiều thế hệ đã dầy công xây dựng, để lại đến ngày nay. Từ đó có biện pháp cụ thể cải tạo, nâng cấp kết hợp với duy tu, bảo dưỡng thường xuyên để tiếp tục phát huy hiệu quả các công trình sẵn có; đồng thời bổ sung xây dựng các công trình mới phù hợp với quy hoạch và tiêu chí nông thôn mới.

- Kịp thời tổng kết, sơ kết rút kinh nghiệm, khen thưởng, khuyến khích, động viên tập thể, cá nhân trong thực hiện các mục tiêu nghị quyết. Định kỳ từng cấp, từng ngành tự kiểm tra, đánh giá kết quả đạt được, rút kinh nghiệm về những tồn tại trong công tác chỉ đạo để có biện pháp khắc phục kịp thời.

III. MỤC TIÊU, ĐỊNH HƯỚNG TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 7 (KHOÁ X) GIAI ĐOẠN 2014-2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020:

1. Mục tiêu cần đạt được đến năm 2015, định hướng đến năm 2020:

- Tiếp tục xây dựng xóm, TDP nông thôn mới và gia đình nông thôn mới.

- Phấn đấu năm 2013 có trên 15 xã đạt tiêu chí NTM; năm 2014: 35/35 xã, thị trấn cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới, huyện đạt tiêu chí huyện nông thôn mới.

2. Định hướng về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân:

- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục chuyển đổi diện tích trồng lúa, làm muối năng suất hiệu quả thấp sang trồng cây màu và nuôi trồng thủy sản. Xây dựng các cánh đồng mẫu lớn đưa cơ giới hóa vào sản xuất, đẩy mạnh cơ cấu giống, cơ cấu thời vụ, tăng diện tích trồng cây vụ đông gắn với tiêu thụ, chế biến nông sản, bảo quản sau thu hoạch.

- Phát triển mạnh trang trại chăn nuôi tập trung theo tiêu chí mới của Bộ Nông nghiệp và PTNT trong vùng quy hoạch.

- Thuỷ sản: Chuyển dịch cơ cấu giống theo hướng sản xuất hàng hoá, hình thành các vùng nuôi chuyên canh có giá trị kinh tế cao, mở rộng diện tích nuôi công nghiệp, áp dụng tiến bộ KHKT mới.

- Duy trì và phát triển khai thác xa bờ gắn với bảo vệ an ninh biên giới. Phát triển mạng lưới dịch vụ hậu cần thủy sản gắn với thu mua, chế biến hải sản.

- Tiếp tục phát triển công nghiệp - TTCN; phát triển làng nghề và ngành nghề trong nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.

- Tiếp tục nâng cấp, cải tạo hạ tầng giao thông, các công trình công cộng, hệ thống điện, trường học, trạm y tế... .

- Tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân nông thôn. Đấu tranh, ngăn chặn các hành vi tiêu cực, chăm lo xây dựng đời sống văn hóa, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

- Xây dựng đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh và phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị xã hội ở nông thôn.

3. Kiến nghị:

- Sớm quyết định chủ trương giao đất lâu dài cho người nông dân sau năm 2013, để tạo điều kiện cho việc tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn theo định hướng sản xuất hàng hóa.

- Hỗ trợ nông dân về thị trường tiêu thụ sản phẩm, về giá nông sản, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, vay vốn ưu đãi để mua sắm trang thiết bị cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp như: máy gặt đập liên hợp, máy làm đất,.... chính sách kinh tế cụ thể cho nông dân trong quá trình sản xuất đảm bảo an ninh lương thực, giữ ổn định diện tích 2 lúa.

- Có chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực khai thác hải sản xa bờ, ngư dân được vay vốn ưu đãi để cải tiến ngư cụ, đóng mới phương tiện.Trong nuôi trồng thủy sản có chính sách hỗ trợ sản xuất, con giống, xử lý dịch bệnh, tập huấn kỹ thuật nuôi trồng.

- Tiếp tục có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, phát triển ngành nghề, giải quyết việc làm trong nông thôn, nông dân.

- Hải Hậu được Trung ương chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế còn thấp so với bình quân chung của cả nước; Đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế quan tâm hỗ trợ để tăng tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Bệnh viện đa khoa huyện đang phấn đấu đạt danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới, đề nghị Bộ Y tế quân tâm hỗ trợ, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.

 

TM. BTV HUYỆN ỦY HẢI HẬU

Uỷ ban Nhân dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định
- Điện thoại: 0350. 3877.141 - Fax: 0350.3877.143
- Email: vanphong@haihau.vn
© 2003-2010 by INCOM
CLB DOANH NHÂN HẢI HẬU
Góp ý: doanhnhan@haihau.vn
SEO là gì | XSMB | XSMT | Lịch Vạn Niên |