news

“Báu vật nhân văn sống” của tinh hoa kiến trúc cổ

(03:15, 27/01/2014)

Nghệ nhân Nguyễn Văn Khoan năm nay đã ở tuổi 73 nhưng vẫn giữ được phong thái đĩnh đạc, mẫn tiệp của một bậc cao niên đã nhiều năm gắn bó tâm huyết với lĩnh vực xây dựng các công trình kiến trúc cổ. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông chậm rãi hồi tưởng: “Nghề phục dựng và xây các công trình kiến trúc cổ vốn là nghề gia truyền do cụ tổ Nguyễn Hữu Lễ, quê ở Trực Đông (Trực Ninh) truyền lại. Ngay từ thuở tóc còn để chỏm, tôi đã theo chân ông nội đi xây dựng các công trình và dần nhen nhóm, hun đúc trong mình ngọn lửa đam mê với công trình kiến trúc cổ. Lúc đó tôi thường sử dụng đất xét đắp mẫu tượng, mẫu chùa và học vẽ. Ham mê đến mức nhiều khi quên ăn, quên ngủ”. Đến năm 1965, ông nhập ngũ và giành được không ít giải thưởng thiết kế  sân khấu trong các kỳ hội diễn toàn quân. Năm 1974, ông được Tổng cục Chính trị cử đi học mỹ thuật. Mặc dù chỉ được học trong thời gian ngắn nhưng ông cũng định hình được hướng đi cho mình. Sau khi xuất ngũ năm 1978, suốt 11 năm rong ruổi trên chiếc xe đạp cũ kỹ, niềm đam mê cháy bỏng với kiến trúc cổ đã đưa ông đi khắp các ngõ ngách từ các tỉnh Hưng Yên, Hà Tây đến Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang… để thăm quan các công trình kiến trúc cổ còn lại. Ông dành rất nhiều thời gian  sưu tầm sách vở, tài liệu về nghệ thuật kiến trúc, lịch sử kiến trúc Việt cổ để nghiên cứu. Những con giống, hoa, trái, phượng, rồng, mây, nước được cấu trúc trong các cấu kiện như đầu đao, kèo, xà, cửa võng đình, chùa, cung điện mỗi thời kỳ đều thể hiện rõ các quan điểm, quan niệm triết học sâu sắc về thiên nhiên, con người với triết lý phương Đông “thiên, địa, nhân” rất súc tích bằng phương pháp tượng hình. Mỗi ngôi đình làng, ngôi đền đều có mục đích tôn vinh công đức đối với danh nhân hào kiệt. Đối với một ngôi chùa tâm linh hướng thiện của đạo Phật đều có những cấu trúc, bố cục, nội dung, hình thức khác nhau. Đến tham quan các công trình, ông đều cẩn thận ghi chép, ký họa lại tỉ mỉ từng chi tiết, hoa văn trang trí đến bố cục khuôn viên. Không thể đếm hết những ngôi chùa cổ và các pho mẫu tượng pháp, tứ linh: long, ly, quy, phượng, họa tiết hoa lá, trang trí đã được ông mày mò vẽ lại, đắp và phục dựng thử. Chính những công trình kiến trúc độc đáo là tư liệu quý giúp ông hệ thống, định hình được những đặc trưng kiến trúc Việt Nam qua các thời kỳ. Ví dụ như điêu khắc rồng thời Lý hoàn toàn  khác với các thời Trần, Mạc hay thời Nguyễn với những đặc trưng thân, vảy, móng, râu, mắt, sừng… Đặc trưng kiến trúc mái đao thời Lý thường được bố trí theo hoạ tiết hoa, lá, phù vân cách điệu thành mặt hổ phù cõng nhật, Phật tích; đến thời Nguyễn, mái đao thường được bố trí là đầu long hồi. Kiến trúc chùa được phân loại cấu trúc theo thể chữ. Chẳng hạn có chùa được bố cục theo kiểu chữ Đinh (như chữ T), chữ Công (như chữ H nằm ngang), hoặc kiểu nội công ngoại quốc (bên trong là chữ H nằm ngang và bên ngoài gồm các nhà bao bọc tạo nên một hình vuông hay hình chữ nhật). Tất cả chuẩn mực của sự tinh hoa kiến trúc cổ đó đã in sâu vào tiềm thức như hơi thở của ông được truyền tải sống động trên các bản vẽ thiết kế.

Đến nay, mọi công trình kiến trúc cổ từ kết cấu rường cột, mái ngói đến những chi tiết nhỏ nhất như mái đao, đầu hồi, hoa lá trang trí đều được ông vẽ thiết kế bằng tay. Nói đến đâu, đôi bàn tay ông thoăn thoắt vẽ phác ngay trên giấy để giúp chúng tôi mường tượng rõ hơn. Ông Khoan cho biết: “Chỉ có vẽ bằng tay, bằng bút chì mới truyền tải được hết vẻ đẹp cổ kính, mềm mại của các tích cổ trong hoa văn kiến trúc của cha ông xưa. Đây là sự khác biệt với những thiết kế kiến trúc hình khối  hiện đại trên máy tính”. Từ thiết kế, các hoạ tiết trang trí như rồng, phượng, hoa lá được ông in phác “truyền thần” trên giấy vỏ bao ximăng và tiến hành đắp bằng hỗn hợp vôi, giấy, mật mía và xi măng theo truyền thống cổ xưa. Ông kể, bức tượng điêu khắc đầu tiên mà ông đắp chính là đôi tượng hộ pháp tại chùa Tống Xá, xã Yên Xá (Ý Yên); tiếp đó là tượng chùa ở các xã Hải Minh, Hải Tân, Hải Đường. Dưới bàn tay tài hoa của ông, các tác phẩm đều có thần, có hồn, sống động như thật và trở thành hình mẫu về điêu khắc kiến trúc cổ cho nhiều nơi học tập. Tiếng lành đồn xa, công việc ngày càng nhiều, từ làm một mình ông hướng dẫn mọi người trong gia đình và dòng họ giúp sức. Hơn 50 năm gắn bó với công việc thiết kế, phục dựng và xây dựng các đình chùa, đền, nhà thờ đến nay ông đã thực hiện gần 400 công trình kiến trúc các loại tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước, với nhiều công trình chùa đền có quy mô lớn như khu di tích Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ ở huyện Tiền Hải (Thái Bình), cung Tứ phủ (Huế), chùa Bồng Lai thuộc quần thể khu di tích chùa Keo (Thái Bình), Cổng tam quan Trung tâm Phật giáo Trúc Lâm Thiên Trường (TP Nam Định), chùa Yên Quang (Ý Yên), Khánh Long tự ở Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng)… Thông thường một bản vẽ kiến trúc chùa cổ do ông thiết kế bao gồm 20 bản vẽ thể hiện, với 4 mặt cắt đứng (tiền, hậu và 2 hông), 4 mặt cắt trong và mặt bằng móng cốt âm, mặt bằng cốt không và mặt bằng tầng 1, tầng 2 cùng các hạng mục phụ trợ khác.  Từ kinh nghiệm của mình, năm 2010 ông đã phục dựng thành công bản vẽ kiến trúc ngôi chùa kiểu nội công ngoại quốc từ thế kỷ XVIII được coi là đỉnh cao của truyền thống dựng chùa thờ Phật bằng kiến trúc gỗ của người Việt trên đất Bắc, bao gồm 7 gian tiền đường, gian giữa là hậu cung và 5 gian nhà phía sau thờ Tổ tiêu biểu như chùa Trăm Gian, chùa Bút Tháp, chùa Keo, chùa Phổ Minh. Nhờ thế, ông đã được Cục di sản  Văn hoá mời sang Hồng Kông cùng với đoàn khảo sát thương nghiệp với mục đích quảng bá cho kiến trúc chùa cổ Việt Nam. Ông cũng giành được Cúp vàng Doanh nhân tiêu biểu 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội với tác phẩm tri ân “Tứ linh quần tụ”, điêu khắc truyền thống bằng vôi, giấy. Ông còn được Cty Cổ phần Thương mại và xây dựng 379 Bộ Quốc phòng mời tư vấn thiết kế các mẫu bản vẽ về chùa chiền, hoạ tiết trang trí mái, xà, cột, cửa chùa…

“Gìn giữ những tinh hoa của cha ông xưa để lại là hành động thể hiện sự trân trọng, biết ơn đối với những thế hệ cha ông đã sáng tạo ra giá trị cả về vật chất và tinh thần cho thế hệ sau. Đồng thời phục dựng và xây mới các công trình kiến trúc thờ tự, tôn giáo như đình, chùa còn quảng bá và giới thiệu cho thế giới biết đến những tinh hoa kiến trúc nghệ thuật độc đáo của dân tộc ta”- Ông Khoan tâm sự với chúng tôi. Đến nay, dù đã khá cao tuổi, nhưng ông vẫn trực tiếp vẽ, thiết kế và quản lý hơn 180 thợ, đồng thời là người thầy truyền dạy và chỉ bảo các kỹ năng về đắp, xây dựng các công trình kiến trúc cổ. Anh Nguyễn Văn Khương, con trai của ông Khoan cho biết, hiện tại đội thợ của anh gồm 50 người, trong đó có 7 thợ chuyên đắp, vẽ và 4 thợ chuyên lợp mái ngói mũi đao với kinh nghiệm hơn 20 năm làm nghề. Theo anh Khương, nghề xây dựng đền, chùa đòi hỏi người thợ phải luôn tâm niệm đặt chữ TÂM lên hàng đầu chứ không phải lợi nhuận. Để đào tạo lớp thợ kế cận, ngoài các buổi học lý thuyết do ông Khoan trực tiếp truyền dạy, các thợ trẻ còn được chỉ bảo cặn kẽ qua từng công đoạn thực hành cụ thể trong quá trình tham gia trừng tu, tôn tạo và xây dựng công trình kiến trúc cổ. Hiện tại đội thợ của anh Khương đang thi công công trình lớn là chùa Đông Quý ở Tiền Hải (Thái Bình), chùa Lộng ở thành phố Thái Bình, chùa Thượng Đồng ở Yên Tiến (Ý Yên), nhà thờ tổ chùa Thao Chính huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Đến bất kỳ nơi nào gặp gỡ ai có tâm học nghề này anh luôn sẵn sàng chỉ bảo tận tình. Cha con ông Khoan luôn tâm niệm chia sẻ kinh nghiệm để ngày càng có nhiều người biết, tham gia truyền bá, gìn giữ tinh hoa quê hương, dân tộc thì “tài sản” ấy sẽ luôn tồn tại vững bền cho con cháu mai sau.

 

Uỷ ban Nhân dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định
- Điện thoại: 0350. 3877.141 - Fax: 0350.3877.143
- Email: vanphong@haihau.vn
© 2003-2010 by INCOM
CLB DOANH NHÂN HẢI HẬU
Góp ý: doanhnhan@haihau.vn
SEO là gì | XSMB | XSMT | Lịch Vạn Niên |