news

Tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Biên

(05:55, 07/05/2013)

            Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, Đại đoàn 320 - Đại đoàn Đồng Bằng hoạt động ở tả ngạn sông Hồng, được lệnh trên phải đánh mạnh để giữ chân địch ở chiến trường đồng bằng, không cho chúng vơ vét, đưa lực lượng tiếp viện cứu nguy cho mặt trận Điện Biên Phủ; đồng thời tranh thủ thời cơ tiêu diệt địch, mở rộng các vùng giải phóng ở đồng bằng Bắc Bộ.

            Khoảng thượng tuần tháng 4/1954, tôi (Bùi Sinh) được lệnh của Bộ tư lệnh Đại đoàn 320 đưa Tiểu đoàn Đống Đa - đơn vị chủ công của Trung đoàn 48 vào vùng phía nam Nam Định để phối hợp với Trung đoàn 52, Tiểu đoàn pháo binh 834, một bộ phận tiểu đoàn phòng không 535 (Mai Đà) và một số lực lượng bộ đội địa phương. Tôi - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 48, đơn vị chủ công của Đại đoàn, là chỉ huy trưởng; đồng chí Hoàng Văn Khánh - Trung đoàn trưởng Trung đoàn 52 là chỉ huy phó; đồng chí Lê Tư - Chính uỷ Trung đoàn 52 là chính uỷ. Ban Chỉ huy chung đóng ở Sở chỉ huy của Trung đoàn 52.

            Chúng tôi quyết định tiêu diệt Thức Hoá (vị trí cuối cùng của địch ở huyện Giao Thuỷ) trước, vì ở đây địch yếu hơn. Còn cụm cứ điểm Đông Biên giải quyết sau sẽ có lợi thế hơn. Với quyết tâm cao, cách đánh thích hợp, giữ được yếu tố bất ngờ, lại được nhân dân giúp đỡ, ngày 25/5/1954 chúng tôi đã chiếm gọn vị trí Thức Hoá, diệt và bắt sống 650 tên.

            Sau khi diệt xong vị trí Thức Hoá, chúng tôi chuyển ngay lực lượng đến Hải Hậu, chuẩn bị đánh cụm cứ điểm Đông Biên.

Ngày 07/5/1954, ta tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm hùng mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ. Tinh thần thi đua giết giặc lập công của quân dân huyện nhà dâng cao. Dân quân, du kích các xã trong huyện đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ lực thuộc Đại đội Đồng Bằng xiết chặt vòng vây cứ điểm Đông Biên.

            Cụm cứ điểm Đông Biên là một khu gồm nhà thờ lớn, công thự, thị trấn, làng mạc xen kẽ nhau nằm hai bên đường 56, từ Ninh Cường đi Giao Thuỷ. Phía sau khu là sông Đông Biên rộng 10 mét, bám sát và che chắn mặt bắc. Phía đông cách 500mét là đường 21 đi Lạc Quần. Địch chiếm Đông Biên, dựa vào địa hình có sẵn, chúng chia thành 4 khu, bố trí 5 cứ điểm với lực lượng là hai tiểu đoàn khinh quân 702, 706 và các lực lượng vũ trang phản động trong vùng. Trung tâm đề kháng và sở chỉ huy của địch là nhà tràng Lý Đoán - một nhà ba tầng, mái bằng, xây bằng xi măng cốt sắt, cao 10 mét, dài 91 mét, do một đại đội khinh binh và một đại đội trợ chiến giữ. Trên mái bằng, địch bố trí đủ các loại hoả lực: pháo 75mm, pháo cối, đại liên, trung liên sẵn sàng trợ lực cho các khu vực khác khi bị ta tấn công. Phía đông nhà tràng là nhà nguyện, nhà thờ xứ cao 11 mét. Trên các cửa sổ gác chuông, chúng bố trí hoả lực đại liên, trung liên. Các khu vực khác như Săngty, đất Vượt, nhà Mụ, mỗi vị trí địch bố trí từ 1 đại đội trở lên. Riêng khu Đông Cường, địch bố trí  ba chi đội địa phương để án ngữ, đề phòng ta tấn công mặt này. Bao quanh các cụm đóng quân của địch là hào sâu, cắm chông, gài mìn, rào dây thép gai dày đặc. Ngoài ra, giữa các cụm là những bãi chông, mìn, hàng rào dây thép gai ngăn cách nhau. Từ khu vực này sang khu vực khác là hàng chục lô cốt, công sự, hầm ngầm nối liền nhau bằng hệ thống giao thông hào có lát gỗ và phủ đất lên trên. Cụm cứ điểm Đông Biên là khu vực cuối cùng còn lại của địch ở vùng phía nam Nam Định. Ta đánh cụm cứ điểm này cũng là đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân vùng phía nam Nam Định nói chung và nhân dân Hải Hậu nói riêng. Bộ đội ta chuẩn bị đánh Đông Biên sau khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị thất thủ, vị trí Thức Hoá vừa bị diệt nên tâm trạng binh lính nguỵ ở Đông Biên càng rệu rã, còn tinh thần, khí thế cách mạng của quân và dân ta đang lên cao.

            Để tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Biên, kể cả đánh chặn bọn tiếp viện từ Lạc Quần đến, Đại đoàn Đồng Bằng đã quyết định đưa Trung đoàn 52, Tiểu đoàn Đống Đa thuộc Trung đoàn 48, Tiểu đoàn pháo 834, một bộ phận Tiểu đoàn phòng không 535 (Mai Đà) phối hợp với Tiểu đoàn 66, Đại đội 28 bộ đội địa phương tỉnh Nam Định và dân quân du kích huyện Hải Hậu. Chúng tôi được đồng chí Nguyễn Thế Lâm - Đại đoàn trưởng thay mặt Bộ tư lệnh Đại đoàn xuống trực tiếp theo dõi, hướng dẫn việc chuẩn bị cho trận đánh.

            So sánh lực lượng ta và địch trong trận này thì hai bên gần ngang nhau. Thông thường nếu đánh công kiên kiển cường tập, lực lượng của ta phải gấp ba địch mới giành thắng lợi. Do so sánh như vậy nên yêu cầu của trận này là phải tiêu diệt địch nhanh, giải quyết nhanh. Nếu để giằng co, kéo dài, quân ta sẽ bị thiệt hại nặng do phi cơ, pháo binh địch, ngoài ra còn có thể gây thiệt hại về tính mạng, tài sản cho nhân dân.

            Đáng chú ý là hơn một tháng trước ngày nổ súng đánh cụm cứ điểm Đông Biên, học tập kinh nghiệm cách đánh vây lấn ở mặt trận Điện Biên Phủ, Trung đoàn 52 đã phân công Đại đội 944, do Đại đội trưởng Trần Ngọc Quang chỉ huy, bao vây chặt khu Đông Cường, đào hào lấn dần, cô lập địch không cho chúng đưa quân ra ngoài cứ điểm hoạt động, không cho chúng liên lạc dẽ dàng với các cứ điểm khác, tạo điều kiện thuận lợi cho kế hoạch tấn công đánh Đông Biên sau này.

            Ban Chỉ huy, Đảng uỷ trận đánh đã họp thảo luận, tìm ra cách đánh hợp lý và hiệu quả nhất. Trong cuộc họp này có một số ý kiến cho rằng nên đánh từ các vị trí ngoài rồi mới đánh vào vị trí trung tâm nhà tràng. Nếu như vậy thì khi đánh vị trí trung tâm, lực lượng ta đã bị suy yếu, khó đủ sức đánh gục vị trí nhà tràng. Một số ý kiến khác đưa ra phương án phải bí mật đột nhập, nhanh chóng đánh gục vị trí nhà tràng thì mới nắm chắc phần thắng. Nhưng nhà tràng lại được các vị trí xung quanh bảo vệ chặt chẽ, nghiêm ngặt rất khó đột kích vào,…

            Trước đó, chúng tôi cùng các đồng chí Đoàn Hồng Sơn -Tiểu đoàn trưởng Đống Đa, Thanh Sơn - Tiểu đoàn trưởng Yên Ninh, Nguyễn Hữu Ích - Tiểu đoàn trưởng Bến Hiệp và các đồng chí đại đội trưởng đại đội chủ công đã nghiên cứu, khảo sát thực địa trong nhiều ngày. Ban ngày, dựa vào cơ sở nhân dân trong làng, chúng tôi quan sát bằng ống nhòm, đêm đêm chúng tôi bò vào sát hàng rào các vị trí, nghiên cứu, xem xét, tìm những hướng đánh. Cuối cùng, chúng tôi tìm được phương án: đánh trực tiếp vào chỗ yếu nhất của vị trí nhà tràng, đánh gục địch ngay từ đầu là hợp lý nhất. Muốn vậy, lực lượng đột kích chủ yếu của ta phải vượt qua được mạng lưới hoả lực dày đặc của các vị trí bảo vệ nhà tràng. Cụ thể là lực lượng đột kích chủ yếu của ta đánh vào mặt hồi A của nhà tràng, nơi địch phòng thủ sơ sài do ỷ vào sự bảo vệ của các vị trí bên ngoài. Để khắc phục hảo lực bắn lướt sườn của địch, ta bố trí hoả lực súng máy, sung cối kiềm chế từng hoả điểm của địch, đảm bảo cho đội đột kích của ta tập trung lực lượng, chiếm lĩnh trận địa, tiếp cận đột phá.

            Sau khi thảo luận kỹ, Ban Chỉ huy và Đảng uỷ trận đánh đã quyết định: tập trung lực lượng chủ yếu đánh vào khu nhà tràng, trung tâm đề kháng, chỉ huy địch. Tiểu đoàn Yên Ninh đánh vào khu đất Vượt, khu nhà Mụ. Các khu khác giao cho bộ đội địa phương và dân quân du kích bao vây, uy hiếp bức địch phải ra hàng. Còn một bộ phận lực lượng có nhiệm vụ chặn viện địch từ phía Lạc Quần. Đồng chí Hồng Sơn - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn chủ công của trận đánh lúc đầu không thông suốt với kế hoạch về hướng đánh của đại đội đột kích chủ yếu. Do thấy hướng đó, hoả lực khá mạnh quạt vào sườn lực lượng chủ công của ta nên đồng chí đề nghị không tham gia trận đánh nếu cứ để mũi chủ công đánh theo kế hoạch đã định. Nhưng sau khi suy nghĩ kỹ, thấy rõ không có cách nào hơn nên đồng chí đã đồng ý. Đồng chí Hồng Sơn là một cán bộ dũng cảm, dày dặn kinh nghiệm trong chiến đấu, trưởng thành từ những đơn vị chủ công. Khi chưa thông suốt thì nói thẳng ý kiến của mình, nhưng khi đã nhất trí với phương án tác chiến thì lại có quyết tâm rất cao trong thực hiện nhiệm vụ.

             Phương án tác chiến táo bạo, chuẩn bị cực kỳ khó khăn, nhưng là phương án hợp lý hơn cả, đã được sự nhất trí cao của mọi người và được Bộ tư lệnh Đại đoàn phê chuẩn.

            Tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Biên là yêu cầu bức thiết của đồng bào lương cũng như giáo ở huyện Hải Hậu cũng như khắp vùng phía nam tỉnh Nam Định. Dưới sự kìm kẹp, mê hoặc của hai linh mục phản động Hân và Khâm, nhân dân Đông Biên hầu như không còn quyền sống; thanh niên đã bị chúng bắt đi phu, đào hào, đắp ụ súng, làm vệ sỹ bảo vệ nhà thờ. Quanh đồn bốt, chúng cấm dân không được cày cấy, ai trái lệnh đều bị bắn chết. Bọn phản động đội lốt tôn giáo đã biến nhà thờ thành trại giam những người yêu nước, kính Chúa; biến nhà thờ, nhà tràng thành đồn giặc. Chúng còn lợi dụng giáo đường xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Chúng luôn miệng tuyên truyền trong dân tư tưởng thù địch “không đội trời chung với cộng sản”. Chúng xúi dục giáo dân đi cướp phá nhà cửa của đồng bào không theo đạo, gây hằn thù lẫn nhau, gây chia rẽ giữa lương và giáo. Mặc dù tàn bạo và nham hiểm như vậy, nhưng đa số giáo dân vẫn hướng về Chính phủ, căm thù địch sâu sắc, mong bộ đội chủ lực về giải phóng xóm làng thân yêu của mình.

            Xuất phát từ thực tế đó, đi đôi với kế hoạch tác chiến của bộ đội chủ lực, Huyện uỷ Hải Hậu đã có kế hoạch dân vận, địch vận, vạch mặt tội ác của địch, giúp đỡ mọi mặt cho bộ đội chuẩn bị chiến trường cũng như trong suốt trận đánh.

            Đêm ngày 3/6/1954, các đơn vị của bộ đội ta vào chiếm lĩnh trận địa theo đúng kế hoạch đã định. Có đơn vị phải đi trên đường 56 qua phố Đông Biên. Mặc dù địch đã ra lệnh nhà nào cũng phải thắp đèn trước cửa vào ban đêm, nhưng khi bộ đội đi đến đâu, dân đều ra tắt đèn tới đó và khi bộ đội đã đi qua hết, đèn lại thắp sáng lên, giữ được bí mật cho trận đánh, làm cho địch không nghi ngờ.

            Đúng 1giờ 30 phút, ngày 4/6/1954, ta nổ súng tấn công. Sau 30 phút đột phá, pháo 75mm và trung liên đã bịt được họng súng địch. Đại đội trưởng Nguyễn Văn Chiu, thuộc tiểu đoàn Đống Đa, dẫn đột kích 1 vượt qua hào, hàng rào dây thép gai, qua các ụ súng, đánh thẳng vào tầng 1 nhà tràng Lý Đoán, chiếm ngay 1 đoạn hành lang, 3 buồng tầng 1 và từ đó tiếp tục đánh lan sang các buồng khác. Một bộ phận chiếm đầu cầu thang lên tầng 2.

            Các chiến sĩ đột kích 2 lợi dụng lỗ tường bị đại bác ta bắn thủng, đã bắc thang treo leo lên đánh tầng 2. Một bộ phận của đội này, có trung đội địa phương phối hợp dẫn đường đã đột phá và đánh chiếm xong nhà nguyện, từ đó ném lựu đạn sang tầng 2 nhà tràng rồi leo cửa sổ nhảy sang nhà tràng.

            Tiểu đoàn Yên Ninh đánh khu đất Vượt. Sau khi chiếm xong đã phát triển sang nhà Mụ, vượt qua cầu Đông Biên đánh sang nhà Hội đồng (cạnh nhà thờ xứ) để phối hợp với Tiểu đoàn Đống Đa tiêu diệt khu trung tâm nhà tràng. Tiểu đoàn Bến Hiệp cùng hai đại đội địa phương tỉnh đột phá xong khu 3 và đang phát triển sang khu 4. Đại đội 77 địa phương trấn giữ mặt bắc sông Đông Biên kiểm soát khu phố Đông Biên đã hoàn thành nhiệm vụ kiềm chế và bắt giữ bọn tay sai lẩn trốn.

            Ở các khu khác, bộ đội địa phương đã bao vây, uy hiếp, chặn được bọn địch chạy trốn.

            Trời gần sáng, ở tầng 1 nhà tràng có thêm lực lượng từ nhà xứ dồn sang. Quân địch đông hơn quân ta. Chúng chiếm được thêm một buồng nữa và cố giữ. Ở tầng 2, ta và địch mỗi bên chiếm được một nửa. Từ tầng 3, địch dùng lựu đạn, đạn cối 60mm liên tiếp dội xuống tầng 2. Nhận thấy chiến đấu ban ngày trong khu trung tâm đề kháng của địch mà để lực lượng đông thì bất lợi, Ban Chỉ huy quyết định rút bớt lực lượng pháo, súng cối và một số đại đội ra phía ngoài, đến đêm sẽ đánh tiếp.

            Địch thấy thế đã tập trung lực lượng nhằm tiêu diệt hoặc ít ra cũng hất quân ta ra khỏi nhà tràng. Cuộc chiến đấu giành giật giữa ta và địch diễn ra rất quyết liệt.

            Phối hợp với các toán từ ngoài hành lang đánh vào, từ tầng 3 đánh xuống, từ các căn buồng đánh ra, địch liên tiếp tổ chức 7 đợt phản kích. Mỗi lần đánh ra, chúng lại dồn vợ con binh lính đi trước làm bình phong đỡ đạn, khiến cho chiến sĩ ta rất khó xử. Nếu nổ súng thì bắn vào đàn bà, trẻ con, nếu không thì sẽ mất chỗ đứng chân. Trước tình thế đó, một mặt ta kêu gọi binh lính đừng để bọn chỉ huy đẩy vợ con họ vào chỗ chết, mặt khác vạch rõ âm mưu thâm độc của bọn chỉ huy; đồng thời kêu gọi vợ con binh lính khuyên nhủ chồng đừng đẩy họ ra làm bia đỡ đạn, đừng lao sâu vào tội ác. Nghe theo lời kêu gọi của bộ đội ta, vợ con binh lính địch quay trở lại làm cho hàng ngũ địch rối loạn. Do bộ đội ta làm tốt công tác binh vận trong quá trình trận đánh, nên một vài lính địch còn chỉ chỗ cất giấu vũ khí, đạn dược cho bộ đội kịp thời bổ sung khi ta sắp hết đạn, hướng dẫn bộ đội ta cách sử dụng vũ khí mới thu được, góp phần tăng cường hoả lực của ta. Đến 11 giờ trưa hôm đó, đợt phản kích cuối cùng của địch đã bị bẻ gãy, chúng không còn khả năng phản kích nữa. Tuy vậy, lực lượng của ta cũng chỉ còn hơn một trung đội. Mọi người đều nhận thấy địch rất hoang mang, ta phải tranh thủ thời cơ đánh ngay. Tiểu đoàn phó Minh báo cáo ra ngoài, đề nghị Tiểu đoàn Yên Ninh cùng phối hợp. Lúc này, mọi người đều dồn hết tâm trí vào số địch ở tầng 3. Địch ở tầng 3 vẫn không ngừng thả lựu đạn, đạn cối 60mm chặn lối cầu thang, không cho bộ đội ta đánh lên. Sau khi thấy chỉ có tiến công theo đường cầu thang lên thì không đem lại kết quả, đồng chí Hoàng Văn Khánh bàn với các tiểu đoàn tiến công địch bằng nhiều hướng: một tổ bí mật bắc thang leo lên nóc mái bằng nhà tràng, dùng thủ pháo diệt súng cối và trọng liên của địch; một tổ đặt bộc phá áp đầu hồi tầng 2 mở đường cho quân ta đánh vào tầng 2; một tổ áp bộc phá vào trần tầng 1 mà đánh. Giữa lúc đó, Ban Chỉ huy thông báo cho biết: từ gác chuông nhà thờ có một cầu gỗ nối sang gác 3 nhà tràng. Đại đội trưởng Chiu và Trung đội phó Ngũ được phân công dò tìm và đã xác định được con đường đó. Ban Chỉ huy đã vạch ra một kế hoạch với nội dung sau: Tập trung bộc phá từ tầng 2 đánh sập một số buồng tầng 3, đánh vào tinh thần đã suy sụp của địch. Dùng hoả lực ĐKZ của Tiểu đoàn Yên Ninh từ nhà nguyện bắn sang tầng 3; một tổ badôca nổ súng phá tường, mở đường cho một tổ xung kích xung phong sang chiếm tầng 3, tiêu diệt, bức hàng số địch còn lại.

            Trong tiếng bộc phá nổ rung chuyển, 3 phát badôca của chiến sỹ Phúc đã mở của thông sang tầng 3. Trung đội phó Ngũ dẫn một tổ leo thang vọt sang, theo sau là tổ của đại đội trưởng Chiu. Địch hoảng hốt lao lên gác thượng. Chỉ một loáng sau, quân ta đã chiếm xong tầng 3 và bổ sung thêm quân số để giữ tầng này. Tuy vậy, trên gác thượng địch còn lại gần 500 tên. Trong khi tâm trạng binh lính địch đã hoang mang cực độ, bộ đội ta liên tục dùng loa gọi hàng. Một lúc sau, tên thiếu tá Tý cầm cờ trắng đi xuống. Số địch còn lại chưa dám ra hàng vì còn bị tên tuyên uý khống chế. Tuy nhiên cũng chỉ nửa giờ sau, tên tuyên uỷ cũng phải bước xuống đầu hàng theo sau là gần 500 tên lính của tiểu đoàn 702, 706.

            12 giờ trưa, ngày 4/6/1954, trận đánh kết thúc thắng lợi giòn giã. Vận dụng kinh nghiệm đã thành công ở một số nơi, ta ra lệnh cho tên thiếu tá Nguyễn Văn Tý vẫn giữ liên lạc với cấp trên của nó, coi như hai bên đang còn đánh nhau để chúng không cho phi cơ, pháo binh oanh tạc vào khu nhà tràng và yêu cầu tiếp tế thêm vũ khí, đạn dược từ Bùi Chu, Lạc Quần lên… Nhưng chúng không còn quân để cứu viện và tiếp tế nữa.

            Sau 12 giờ chiến đấu, ta đã tiêu diệt gọn cụm cứ điểm Đông Biên, bắt sống 640 tên, thu 340 súng các loại, 35 tấn đạn dược và nhiều quân trang, quân dụng. Các chức sắc tôn giáo trong nhà thờ không ai bị thương vong. Một không khí vui tươi, phấn khởi tràn ngập khắp xóm làng Đông Biên. Huyện Hải Hậu hoàn toàn được giải phóng.

            Cần phải khẳng định một lần nữa rằng, một trong những nguyên nhân cơ bản để bộ đội ta tiêu diệt gọn cụm cứ điểm Đông Biên là do được sự phối hợp chặt chẽ của Huyện uỷ Hải Hậu trong công tác dân vận và địch vận, được nhân dân Hải Hậu tận tình giúp đỡ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa ba thứ quân, có quyết tâm cao và kế hoạch tác chiến táo bạo, sáng tạo đánh đúng điểm yếu ở vị trí xung yếu của địch kết hợp đúng lúc tác chiến với địch vận.

            Tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Biên, quân dân Hải Hậu có vinh dự góp phần trực tiếp đập nát mặt xích cuối cùng trong vành đai cứ điểm phòng vệ vùng duyên hải Nam Định của địch. Chiến thắng này được ví như một Điện Biên Phủ Đồng bằng, đánh dấu kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp trên quê hương Hải Hậu anh hùng./.

Bùi Đức (ghi theo lời kể của Bùi Sinh - Hoàng Văn Khánh)

Uỷ ban Nhân dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định
- Điện thoại: 0350. 3877.141 - Fax: 0350.3877.143
- Email: vanphong@haihau.vn
© 2003-2010 by INCOM
CLB DOANH NHÂN HẢI HẬU
Góp ý: doanhnhan@haihau.vn
SEO là gì | XSMB | XSMT | Lịch Vạn Niên |