news

Nhớ ngày đánh giặc ở Văn Lý - Xương Điền

(05:39, 04/05/2013)

            Một ngày cuối thu năm 1953, trời nắng đẹp, chúng tôi được triệu tập đến Ban Chỉ huy Đại đội 830 nhận nhiệm vụ. Chúng tôi thuộc tổ trinh sát của Tiểu đoàn 922, được phân công cùng tham gia chiến đấu với tiểu đội mũi nhọn của đại đội chủ công này. Đó là các anh Nguyễn Văn Lanh - Tiểu đội Trưởng làm tổ trưởng, Hoàng Minh Thắng - Tiểu đội phó và Nguyễn Viết Thuật là tổ viên. Cuộc họp bao gồm các cán bộ từ tiểu đội phó trở lên, được tổ chức tại chùa Tân Anh.

            Chúng tôi nghĩ, hẳn sắp có một trận đánh quan trọng.

            Cuộc kháng chiến chống Pháp khi ấy đang bước vào giai đoạn quyết liệt. Ta thắng địch ở khắp nơi. Địch đối phó bằng cách cử tưởng Nava sang Đông Dương với kế hoạch mới hòng làm xoay chuyển tình hình bằng cách thực hiện kế hoạch bình định 18 tháng. Cốt lõi của kế hoạch Nava là nhanh chóng đôn quân bắt lính người bản xứ, xây dựng các đơn vị cơ động mạnh, từng bước giành quyền chủ động trên chiến trường để đánh bại ta.

            Đối với khu vực Bắc Bộ, địch rất coi trọng miền duyên hải. Riêng Hải Hậu, lúc ấy địch có tới 6 tiểu đoàn khinh quân và 20 đại đội nguỵ, đa số là người công giáo địa phương, co cụm tại căn cứ Đông Biên và khu vực Văn Lý - Xương Điền - Tang Điền. Bọn này cậy quân đông, vũ khí nhiều, liên tục mở các cuộc càn quét vào các xã trong vùng, gây cho đồng bào ta biết bao đau thương.

            Bộ Tư lệnh Liên khu III quyết định tiêu diệt địch đóng chốt ở vùng ven biển Hải Hậu. Hai tiểu đoàn của Trung đoàn 46-chủ lực của Khu và Tiểu đoàn 66-bộ đội tỉnh Nam Đinh nhận nhiệm vụ này.

            Rút kinh nghiệm trận đánh Tiểu đoàn 57 và Tiểu đoàn 703 của địch ở Văn Lý tháng trước không thành, lần này ta sử dụng lực lượng mạnh hơn, việc chuẩn bị chiến trường cũng tỷ mỉ hơn.

            Các chiến sỹ trinh sát đã bỏ nhiều công sức để điều tra địch. Các cán bộ từ trung đội đến tiểu đoàn đều đi thực địa. Ban Chỉ huy Trung đoàn đã nghiên cứu và thấy rõ từng mặt mạnh, yếu, sở trường, sở đoản của mỗi tiểu đoàn để có sự phân công sát hợp với từng đơn vị…

            Tiểu đoàn 703 của địch đóng ở Văn Lý có nhiều tên ác ôn từng gây nhiều nợ máu đối với nhân dân Hải Hậu; đa số bọn chỉ huy thuộc thành phần bóc lột, nên chúng căm thù cách mạng sâu sắc. Việc tiêu diệt bọn này được giao cho Tiểu đoàn chủ công 922. Đây là đơn vị có nhiều thành tích chiến đấu, hiện có quân số đủ, sức khoẻ chiến sỹ tốt, lại vừa qua chỉnh quân, chỉnh huấn nên tinh thần chiến đấu rất cao.

            Tiểu đoàn 57 được giao đánh Tiểu đoàn 707 địch đóng ở thông Xương Điền. Tiểu đoàn 66 - bộ đội địa phương, do chưa đủ mạnh nên được giao nhiệm vụ phục kích, hốt sạch bọn địch thua chạy ra phía biển Văn Lý - Xương Điền. Việc trừng trị tiểu đoàn 701 ở Tang Điền sẽ do các đơn vị cối của ta đảm nhiệm. Đơn vị hoả lực này còn có nhiệm vụ khống chế trận địa cối của địch, khi chúng bắn chi viện cho đồng bọn ở những nơi ta tấn công.

            Trận đánh được ấn định vào đêm 18, rạng ngày 19-10-1953. Trước đó, tất cả các Đại đội tham gia đánh địch đều đắp sa bàn bằng cát để cán bộ, chiến sỹ nghiên cứu, bàn bạc tìm cách đánh tốt nhất.

            Trở lại cuộc họp của chúng tôi. Trên tường của chùa là tấm “bản đồ” được ghép bằng hai tấm bạt cỡ chiếc chiếu. Bản đồ được vẽ bằng phấn, nhưng thể hiện khá rõ vị trí địch ở Văn Lý, cách bố trí lực lượng, binh lực, hoả lực cụ thể. Sở chỉ huy địch đóng tại nhà tràng xứ Văn Lý, được dán bằng giấy xanh. Các mũi tấn công của ta được cắt dán bằng giấy đỏ.

            Đồng chí Cao Niêm - Đại đội Trưởng trình bày kế hoạch chung rồi giao nhiệm vụ cụ thể cho từng trung đội, tiểu đội. Nhiệm vụ quan trọng và nặng nề nhất được giao cho tiểu đội mũi nhọn. Tiểu đội này cùng trung đội một phải tập trung tiêu diệt Sở chỉ huy địch đóng ở nhà tràng.

            Đối với những người lính chúng tôi, bàn việc đánh giặc bao giờ cũng sôi nổi, nhất là những trận đánh quan trọng. Khi Đại đội trưởng vừa nói xong, hầu như mọi người đều đứng cả dậy. Nhiều ý kiến thắc mắc được nêu ra, các cuộc trao đổi chung và riêng được thảo luận ngay tại cuộc họp khiến không khí trở lên náo  nhiệt. Người tiểu đội trưởng đội mũi nhọn có dáng cao, gầy, da ngăm đen đề nghị nói rõ hơn nhiệm vụ chiến đấu của tiểu đội mình.

            Cuộc họp trở nên trang nghiêm hơn khi Đại đội Trưởng Cao Niêm mời tiểu đội trưởng mũi nhọn lên nhận cờ. Đồng chí Biền, Chính trị viên Phó tiểu đoàn, thay mặt Tiểu đoàn uỷ và Ban Chỉ huy tiểu đoàn trao lá cờ danh dự đỏ thắm cho người tiểu đội trưởng với quyết tâm lá cờ ấy phải được tung bay ngạo nghễ trên nóc Sở chỉ huy địch. Mọi người đều xúc động nhìn nét mặt nghiêm nghị, dãi dầu gió sương của người tiểu đội trưởng. Thay vì không khí sôi nổi lúc trước là sự tĩnh lặng của đất trời, nơi chùa cổ. Mùi hương trầm toả ngào ngạt từ gian giữa. Các nhà sư thắp hương, cầu nguyện đức Phật Tổ phù hộ cho đoàn quân ra trận “đánh thắng và ai cũng bình yên trở về”.

            Trong chiến đấu, ai cũng hiểu rằng: nhận cờ danh dự là phải xông lên hàng đầu, là nhận tất cả những hiểm nguy về mình. Đối với trận này, ai cũng hiểu rõ sự kháng cự của kẻ thù, nhất là khi chúng được nhồi nhét tinh thần chiến đấu mù quáng.

            Giờ chiến đấu đã đến. Cho tới nay, tôi vẫn nhớ như in không khí đánh giặc của ngày ấy. Khoảng 4 giờ, chiều ngày 18/10/1953, theo kế hoạch, tổ trinh sát của chúng tôi đến tập trung chỗ tiểu đoàn mũi nhọn. Khi chúng tôi đến thì đại đội đã tập hợp thành hàng ngũ gần kín cả sân. Cái sân chừng một sào, phía sau là ngôi nhà lợp rạ, cạnh là ao beo tây nhỏ.

            Tôi đưa mắt nhìn và nhận ngay ra các chiến sĩ xung kích. Họ gọn ghẽ trong bộ quần áo màu gụ. Hồi ấy, cán bộ chiến sỹ ta hoạt động ở vùng địch hậu, mỗi năm được phát hai bộ quần áo dệt thủ công, chỉ dày hơn vải màn một chút. Khi ra trận, các chiến sĩ nai nịt gọn gàng, quần xắn đến đầu gối, dây lưng to bản mang bao đạn thắt ngang hông. Vào những năm này, việc trang bị vũ khí của ta đã khá hơn. Ở đại đội chủ công, trung đội một có ba khẩu trung liên loại “Vanhnớp vanhcát”, hai trung đội còn lại mỗi trung đội có hai khẩu. Cán bộ trung đội và tiểu đội trưởng được trang bị tiểu liên “Tuyn”, tiểu đội phó được trang bị tiểu liên “Tômxông”, tổ trưởng tổ ba người được giữ súng trường tự động, mỗi chiến sỹ có một khẩu trường Mát. Trong trận đánh quan trọng này, các chiến sỹ trung đội một còn mang theo hàng chục khối bộc phá, có trọng lượng từ hai đến mười cân.

            Thời gian như chậm lại, nhưng rồi giờ lên đường cũng đã tới. Khoảng 4h30 chiều, nắng thu đã nhạt, Ban Chỉ huy ra lệnh xuất phát. Đơn vị hành quân từ cuối xã Hải Long, gần giáp ranh huyện Trực Ninh cũ, đến bố trí xung quanh làng Văn Lý.

            Trăng nhô cao ở phía đường chân trời. Hơi sương lành lạnh, đoàn quân tiến bước. Qua cầu chợ Cồn, chúng tôi rẽ cuống con đường đất nhỏ. Khi cách Quốc lộ 21 chừng một cây số, bất thần hàng loạt đạn cối của địch bắn ra chặn đường. Mỗi loạt khoảng bốn, năm quả nhanh và liên tục. Địch bắn trước, bắn sau, bắn bên phải rồi bên trái đội hình. Vài đồng chí đã bị thương. Lập tức các chiến sĩ này được chuyển về phía sau để chăm sóc. Địch đã phát hiện ra kế hoạch của ta hay bắn ngẫu nhiên? Mặc dù chưa giải đáp được, nhưng nhiệm vụ của cả đơn vị là phải tiếp tục hành quân đến vị trí tập kết.

            Khi còn cách làng độ 300mét, từ sau luỹ tre bỗng vang lên tiếng quát to đầy vẻ giận dữ, chắc là của tên chỉ huy ra lệnh cho quân lính chuẩn bị chiến đấu. Ngay liền đó, hàng chục khẩu súng trường và trung liên bắn quét về hướng đơn vị. Cả đơn vị vẫn tìm cách đến gần địa điểm đã định. Lập tức, cả trận địa phục kích của địch rùng rùng chuyển động. Hàng trăm khẩu súng trường tự động và mười khẩu trung liên Mỹ “Braoninh” từ luỹ tre rìa làng hướng bắc (dài chừng 400mét) nhất tề nhả đạn vào quân ta. Cùng lúc đó, hàng loạt đạn cối từ Tang Điền bắn vào đội hình đại đội chủ công. Phải nói là chúng bắn khá chính xác. Có lẽ ban ngày chúng đã nhằm sẵn và bắn thử nhiều để rút kinh nghiệm.

            Theo lý thuyết, cứ ba khẩu súng trường tự động bằng một khẩu trung liên. Như thế, ở tuyến phòng thủ này, địch có hơn ba mươi khẩu súng máy. Đây là một ưu thế rất lớn. Địch còn có thêm hai điều lợi nữa là: đêm ấy trăng rất sáng và trận địa ta khá trống trải (khu vực này có một số mẫu ruộng chuyên trồng cói, lúc ấy cói đã cắt, chỉ còn lại ruộng nước ngập đến đầu gối).

            Giành được thế chủ động nên bọn địch núp sau những rặng tre bắn ra ngày càng ác liệt. Trước tình hình ấy, cả đại đội buộc phải nằm rạp xuống nước để bảo toàn lực lượng. Từ nơi quân ta ẩn nấp tới rìa làng chỉ chừng 150 mét nên buộc phải nhích dần từng tí một để tiếp tục trận đánh. Phía trước có một ngôi mộ, xem ra có thể là nơi che đỡ được, nên hàng chục chiến sĩ trườn đến đó. Bất thần, hàng chùm đạn cối bắn tới tấp vây quanh ngôi mộ. Hoá ra là ngay cả ngôi mộ này cũng được địch dự đoán và căn sẵn. Lại thêm mấy chiến sĩ nữa trúng đạn. Loại cối sáu mươi ly chỉ nổ ngay trên mặt đất có độ sát thương rất ghê gớm.

            Nhìn đồng đội bị thương vong ngay lúc quân ta chưa được lệnh “phát hoả”, lòng tôi trào lên nỗi uất hận quân giặc. Bất giác, quên cả hiểm nguy, tôi ngẩng cao đầu nói rõ to: “Các đồng chí, chúng ta vừa được học tập…Bọn đế quốc phong kiến gây ra bao nỗi thống khổ, tang tóc cho biết bao người. Các đồng chí hãy ghì chặt tay súng, chuẩn bị tiêu diệt nguỵ binh tàn ác, trả thù cho đồng bào, đồng chí bị chúng sát hại”.

            Nói xong, tôi quay đầu nhìn sang bên cạnh, thấy anh Kiểm, y tá của tiểu đoàn, được cử tham gia chiến đấu đã nằm đó từ lúc nào. Cậu ta nhìn tôi, nhe răng cười, rồi ghé sát tai tôi nói như gào lên, trong tiếng đạn nổ chát chúa liên hồi của địch: “Trong tình thế này mà cậu động viên các chiến sĩ ta hăng hái chiến đấu thì tớ phục thật. Về nhà kỳ này nhất định tớ sẽ đề nghị đơn vị đề bạt cậu làm chính uỷ tổ ba người đấy”.

            Trong lúc quyết liệt như thế, được nghe đồng đội nói vui, người tôi bỗng nóng bừng lên. Mặc dù quần áo tôi cũng như bao chiến sỹ khác đều ướt hết, nhưng chỉ mong sao vũ khí vẫn còn khô ráo. Đột nhiên, những tràng súng máy của quân ta rộ lên giòn giã ở phía tây bắc, quét thẳng vào luỹ tre nơi địch ẩn náu. Có lẽ đó là khẩu đội đại liên của đơn vị chợ chiến (C836) lúc ấy mới đến kịp. Đúng lúc ấy, tất cả các khẩu trung liên của đại đội chủ công cũng “lên tiếng” đáp lại địch. Kỳ lạ thay, tiếng đạn súng cối của địch cũng tắt hẳn. Chắc là bên Tang Điền bọn này đang phải trốn chạy bởi hoả lực của ta như kế hoạch đã định. Hoá ra đúng như vậy. Sau ngày chiến thắng, dự đoán ấy được xác nhận.

            Lợi dụng cơ hội thuận lợi ấy, Đại đội Trưởng Cao Niêm, cùng tiểu đội mũi nhọn bật dậy, băng rất nhanh vào sát luỹ tre. Từng tràng tiểu liên và súng trường theo đó bắn tập trung vào một hướng, tạo thành cửa mở. Tình cờ đại đội trưởng lao đúng vào chỗ đặt khẩu trung liên, hai tên nguỵ đang loay hoay thay băng đạn liền bị anh đạp ngã. Lập tức các chiến sĩ phía sau lao tới bắt chúng rồi thu luôn khẩu súng này.

            Đại đội trưởng dẫn đầu tiểu đội mũi nhọn. Khẩu tiểu liên trong tay anh quét ngang, quét dọc. Tôi bám sát đội hình vượt qua luỹ tre. Phát hiện một số tên tháo chạy qua vườn giong riềng liền kẹp khẩu tiểu liên vào nách và lia nhanh về phía đó. Chưa hết băng đạn thì súng bị tắc. Tôi lấy khẩu cácbin đeo sau lưng bắn tiếp, nhưng được ba phát cũng tắc nốt. Hoá ra bùn nước văng đầy hộp khoá nòng, mà đây lại là bộ phận quan trọng nhất. Đến nước này thì tệ quá. Bây giờ chỉ còn cách dùng đến lựu đạn. Tôi sờ xuống thắt lưng, may mà bốn quả lựu đạn vẫn còn nguyên. Bọn địch vẫn tiếp tục rút chạy về phía nam. Tôi kịp thời “tặng” cho chúng hai quả vào chỗ chúng sắp chạy tới.

            Quân ta lần lượt truy kích các toán địch bỏ chạy. Ban Chỉ huy địch ngoan cố co cụm tại nhà tràng hòng chống cự đến cùng. Lúc ấy, chúng còn gần 60 tên, cố thủ ở tầng hai nhà tràng. Từ các cửa chính, cửa sổ và hành lang, địch chĩa súng ra bốn phía, sẵn sàng nhả đạn ra xung quanh.

            Đại đội chủ công còn gần 40 người. Đại đội trưởng chia đơn vị thành từng tổ ba người, lần lượt lao lên tìm cách tiếp cận mục tiêu, dùng bộc phá để tiêu diệt địch. Ba nhóm đầu tiên băng lên, chỉ cón cách nhà tràng chừng 50 mét thì bị chặn đứng lại bởi làn đạn dày đặc. Số lượng thương vong sẽ còn tăng nhiều hơn nữa mà không hoàn thành được nhiệm vụ. Đại đội phó Tuấn cũng bị thương trong khi truy quét địch. Ban Chỉ huy tiểu đoàn phải họp để tìm ra cách khác.

            Đồng chí Lê Huy Tiền, người trung đội phó trẻ tuổi đã dũng cảm nhận nhiệm vụ ôm bộc phá xông lên tiêu diệt địch. Thật cảm động khi anh tự nhận lấy phần nguy hiểm nhất về mình trong giờ phút gay go nhất. Hơn thế, cánh tay trái của anh lúc ấy đã bị thương nặng. Có lẽ lòng căm thù giặc đã tạo nên sức mạnh trong anh.

            Trong khi tất cả các cỡ súng tập trung bắn rát vào các ổ hoả điểm của địch thì người trung đội phó anh hùng đã băng lên như một mũi tên. Anh khôn khéo chạy dích dắc qua sân rồi lao vụt vào hành lang tầng một. Đến đúng khúc ngoặt của cầu thang lên tầng hai, anh đặt cả khối bộc phá vào đó. Với bàn tay còn lại, phối hợp với chân đạp vào bộc phá giữ đà, anh đã giật nụ xoè và lao nhanh xuống cầu thang. Một tiếng nổ lớn khiến phần trần của ngôi nhà năm gian đổ sập. Hơn 30 tên địch bị văng xuống. Những tên còn lại chưa kịp hoàn hồn liền bị các chiến sĩ ta tiêu diệt hoặc tóm gọn.

            Trước đó, Tiểu đoàn 57 đã hoàn thành việc tiêu diệt toàn bộ Tiểu đoàn 707 của địch ở Xương Điền. Đơn vị hoả lực của ta đã bắn, gây thiệt hại cho trận địa cối của địch ở Tang Điền, khiến chúng không ứng cứu được cho đồng bọn ở Văn Lý - Xương Điền. Quân ta tiếp tục truy quét tàn quân địch lẩn trốn.

            Sau trận đánh, khai thác bọn sĩ quan, ta mới hay, ít ngày trước đó, kế hoạch tấn công của ta đã bị lộ. Thậm chí địch còn biết rõ hướng đánh cụ thể, nhiệm vụ của đội chủ công, phiên hiệu các đơn vị và ngày giờ nổ súng của trung đoàn. Bởi thế mới có chuyện địch bắn ta ngay khi ta đang hành quân và nổ súng ngay khi ta chưa kịp củng cố trận địa.

            Trận đánh địch ở Văn Lý - Xương Điền đã giành thắng lợi to lớn, mặc dù ta bị một số tổn thất, nhất là thương vong lớn ở Đại đội chủ công 830 và Tiểu đoàn 66 không hoàn thành nhiệm vụ chặn bắt tàn quân địch, nhưng có thể nói đó là một trong những trận đánh vang dội của quân và dân ta lúc ấy. Chính thành tích đánh địch này đã được Bộ Tổng tư lệnh khen ngợi. Đồng chí Lê Huy Tiền được công nhận danh hiệu “La Văn Cầu”./.

Hoàng Minh Thắng

Uỷ ban Nhân dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định
- Điện thoại: 0350. 3877.141 - Fax: 0350.3877.143
- Email: vanphong@haihau.vn
© 2003-2010 by INCOM
CLB DOANH NHÂN HẢI HẬU
Góp ý: doanhnhan@haihau.vn
SEO là gì | XSMB | XSMT | Lịch Vạn Niên |