news

Hải Hậu góp lửa cùng cả nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược

(03:33, 07/05/2014)

Cách mạng tháng 8 thành công, chính quyền cách mạng nước ta còn non trẻ nhưng phải đối mặt với thù trong giặc ngoài. Đặc biệt thực dân Pháp có sự hậu thuẫn của đế Quốc Mỹ quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”.

Sục sôi dòng máu yêu nước, người dân Hải Hậu muôn người như một nhất tề đứng lên vâng lệnh “Cha già”. Hàng chục thanh niên Hải Hậu đã có mặt trong đội ngũ vệ quốc đoàn tại mặt trận Nam Định, hàng trăm chiếc thuyền đinh, thuyền lõng và các phương tiện vận chuyển từ các xã trong huyện được huy động để phục vụ cho nhu cầu chiến trường. Quân dân Hải Hậu thực hiện "Tiêu thổ kháng chiến", vừa góp hàng vạn cây tre, hàng vạn bó rơm, rạ đưa lên thành phố góp sức chiến đấu.

Tháng 6/1947, tại xã Quần Phương Nam (nay là xã Hải Long) Huyện uỷ Hải Hậu được thành lập. Hội nghị đã nghiên cứu và triển khai thực hiện đường lối kháng chiến: Toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh vào hoàn cảnh địa phương, thông qua một số công tác cấp thiết nhằm động viên thi đua, phát triển lực lượng, củng cố hậu phương, chi viện cho tiền tuyến. Việc đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến đã trở thành phong trào sâu rộng, thu hút mọi người, mọi nhà tham gia. Ngay sau ngày toàn quốc kháng chiến, Uỷ ban bảo trợ được thành lập, đã vận động quyên góp tiền thóc bán đi mua được 20 súng trường, một số tiểu liên, lựu đạn và nhiều vũ khí thô sơ. Sau đó phong trào đỡ đầu bộ đội, "Áo ấm mùa Đông binh sỹ" đã thu được kết quả tốt. Chỉ riêng trong 2 mùa Đông 1946, 1947 toàn huyện đã vận động đóng góp được 10 vạn đồng, 190 chiếc chăn, 200 áo trấn thủ gửi ra tiền tuyến cho bộ đội. Có đợt riêng xã Phương Đê ủng hộ 40 chăn và 40 tấm áo. Nhân dân Hải Hậu còn tích cực mua công phiếu kháng chiến. Ngay trong tuần lễ đầu phát động đã được 253.800đ. Nhân dân Xuân Thuỷ và Thịnh Long thu xếp nơi ăn, chốn ở và nơi làm việc cho 2 trại đồng bào Nam Định tản cư giảm bớt những khó khăn trước mắt.

Phong trào sản xuất, tiết kiệm được phát động sôi nổi trong toàn huyện, mọi nhà đều lập "Hũ gạo kháng chiến", tiết kiệm dành mỗi bữa ăn một nắm gạo trữ lại, đóng góp nuôi bộ đội đánh giặc ngoài mặt trận. Đồng thời quân và dân Hải Hậu đã đập tan các trận càn: Ăngtraxit, Bretagne, Tarang-taise…; các chiến công diệt đồn Khâm, Cầu đôi, Xương Điền, Văn Lý… mãi đi vào lịch sử.

Ngày 07/5/1954, ta tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm hùng mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ. Tinh thần thi đua giết giặc lập công của quân dân huyện nhà dâng cao.

Ở Hải Hậu, cụm cứ điểm Đông Biên do 3 tiểu đoàn khinh quân đóng giữ, được sự hỗ trợ của máy bay, đại bác cố mở những cuộc đột kích ra vùng ven để bảo vệ vị trí, hòng kéo dãn lực lượng ta, bắt người, vét của. Tại Đông Biên chúng bắt dân phải rỡ 21 nóc nhà, san phẳng chợ Đông Biên làm vành đai trắng để kiểm soát.

            Cụm cứ điểm Đông Biên là một khu gồm nhà thờ lớn, công sự, thị trấn, làng mạc xen kẽ nhau nằm hai bên đường 56 cũ. Phía sau khu là sông Đông Biên rộng 10 mét, bám sát và che chắn mặt bắc. Phía đông cách 500mét là đường 21 đi Lạc Quần. Địch chiếm Đông Biên, dựa vào địa hình có sẵn, chúng chia thành 4 khu, bố trí 5 cứ điểm với lực lượng là hai tiểu đoàn khinh quân 702, 706 và các lực lượng vũ trang phản động trong vùng. Trung tâm đề kháng và sở chỉ huy của địch là nhà tràng Lý Đoán - một nhà ba tầng, mái bằng, xây bằng xi măng cốt sắt, cao 10 mét, dài 91 mét, do một đại đội khinh binh và một đại đội trợ chiến giữ. Trên mái bằng, địch bố trí đủ các loại hoả lực: pháo 75mm, pháo cối, đại liên, trung liên sẵn sàng trợ lực cho các khu vực khác khi bị ta tấn công. Phía đông nhà tràng là nhà nguyện, nhà thờ xứ cao 11 mét. Trên các cửa sổ gác chuông, chúng bố trí hoả lực đại liên, trung liên. Các khu vực khác như Săngty, đất Vượt, nhà Mụ, mỗi vị trí địch bố trí từ 1 đại đội trở lên. Riêng khu Đông Cường, địch bố trí  ba chi đội địa phương để án ngữ, đề phòng ta tấn công mặt này. Bao quanh các cụm đóng quân của địch là hào sâu, cắm chông, gài mìn, rào dây thép gai dày đặc. Ngoài ra, giữa các cụm là những bãi chông, mìn, hàng rào dây thép gai ngăn cách nhau. Từ khu vực này sang khu vực khác là hàng chục lô cốt, công sự, hầm ngầm nối liền nhau bằng hệ thống giao thông hào có lát gỗ và phủ đất lên trên.

Cụm cứ điểm Đông Biên là khu vực cuối cùng còn lại của địch ở vùng phía Nam tỉnh Nam Định, vì vậy việc tiêu diệt cứ điểm được ta hạ quyết tâm cao. Đêm ngày 03/6/1954, các đơn vị của bộ đội ta vào chiếm lĩnh trận địa theo đúng kế hoạch đã định. Có đơn vị phải đi trên đường 56 (cũ) qua phố Đông Biên. Mặc dù địch đã ra lệnh nhà nào cũng phải thắp đèn trước cửa vào ban đêm, nhưng khi bộ đội đi đến đâu, dân đều ra tắt đèn tới đó và khi bộ đội đã đi qua hết, đèn lại thắp sáng lên, giữ được bí mật cho trận đánh, làm cho địch không nghi ngờ. Dân quân, du kích các xã trong huyện đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ lực thuộc đại đoàn đồng bằng, gồm 1 trung đoàn bộ binh, tăng cường thêm 1 tiểu đoàn pháo binh, 1 bộ phận của tiểu đoàn phòng không 535, phối hợp với tiểu đoàn 66, đại đội 28 bộ đội địa phương xiết chặt vòng vây cứ điểm Đông Biên.

            Đúng 1giờ 30 phút, ngày 4/6/1954, ta nổ súng tấn công. Sau 30 phút đột phá, pháo 75mm và trung liên đã bịt được họng súng địch.

Địch thấy thế đã tập trung lực lượng nhằm tiêu diệt hoặc ít ra cũng hất quân ta ra khỏi Đông Biên. Cuộc chiến đấu giành giật giữa ta và địch diễn ra rất quyết liệt. Địch ở tầng 3 không ngừng thả lựu đạn, đạn cối 60mm chặn lối cầu thang, không cho bộ đội ta đánh lên. Bộ đội ta một tổ bí mật bắc thang leo lên nóc mái bằng nhà tràng, dùng thủ pháo diệt súng cối và trọng liên của địch; một tổ đặt bộc phá áp đầu hồi tầng 2 mở đường cho quân ta đánh vào tầng 2; một tổ áp bộc phá vào trần tầng 1 mà đánh. Giữa lúc đó, Ban Chỉ huy thông báo cho biết: từ gác chuông nhà thờ có một cầu gỗ nối sang gác 3 nhà tràng. Ban Chỉ huy đã vạch ra một kế hoạch với nội dung sau: Tập trung bộc phá từ tầng 2 đánh sập một số buồng tầng 3, đánh vào tinh thần đã suy sụp của địch. Dùng hoả lực ĐKZ của Tiểu đoàn Yên Ninh từ nhà nguyện bắn sang tầng 3; một tổ badôca nổ súng phá tường, mở đường cho một tổ xung kích xung phong sang chiếm tầng 3, tiêu diệt, bức hàng số địch còn lại.

            Trong tiếng bộc phá nổ rung chuyển, quân ta đã chiếm xong tầng 3 và bổ sung thêm quân số để giữ tầng này, địch còn lại gần 500 tên, trong khi tâm trạng binh lính địch đã hoang mang cực độ, bộ đội ta liên tục dùng loa gọi hàng. 12 giờ trưa, ngày 04/6/1954, trận đánh kết thúc thắng lợi giòn giã, trận địa phòng thủ kiên cố với một hệ thống đồn bốt liên hoàn, nhưng trước sự tấn công mưu trí, mãnh liệt của quân dân ta, 2 tiểu đoàn khinh quân, 4 đại đội địa phương quân đã phải kéo cờ trắng ra hàng. Ta tiêu diệt 280 tên, bắt sống 640 tên, thu 340 súng các loại, 35 tấn đạn dược và nhiều quân trang, quân dụng.

Tiêu diệt cụm cứ điểm Đông Biên, quân dân Hải Hậu có vinh dự góp phần trực tiếp đập nát mắt xích cuối cùng trong vành đai cứ điểm phòng vệ vùng duyên hải Nam Định của địch. Chiến thắng này được ví như một Điện Biên Phủ đồng bằng, đánh dấu kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp trên quê hương Hải Hậu.

Cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của quân dân Hải Hậu nói riêng đã giành thắng lợi vẻ vang. Đã đánh 1.169 trận lớn nhỏ, tiêu diệt và bức rút 85 đồn bốt, vị trí dõng vũ trang. Diệt và làm tan rã 7.740 tên địch, phá hủy 13 xe cơ giới.

Nhân dân Hải Hậu đã đóng góp cho kháng chiến 3.753 quân nhân, có 822 liệt sỹ, 300 thương binh, 157 thanh niên xung phong cùng hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm, muối, cá…

Kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đảng bộ, quân và dân Hải Hậu tự hào đã đóng sức mình chia lửa cùng cả nước, giải phóng quê hương. Bản hùng ca Điện Biên phủ đồng bằng ở Hải Hậu được ngợi ca và trở thành biểu tượng cao đẹp về truyền thống yêu nước, tinh thần quả cảm, ý chí vượt khó vươn lên giành những kết quả toàn diện xứng đáng vùng quê Văn hóa-Anh hùng.

                                  Quang Nhuệ

Uỷ ban Nhân dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định
- Điện thoại: 0350. 3877.141 - Fax: 0350.3877.143
- Email: vanphong@haihau.vn
© 2003-2010 by INCOM
CLB DOANH NHÂN HẢI HẬU
Góp ý: doanhnhan@haihau.vn
SEO là gì | XSMB | XSMT | Lịch Vạn Niên |