news

Người phụ nữ hết mình vì thơ ca

(05:11, 07/03/2014)

Có người phụ nữ đã ở tuổi 78, bà là vợ của một anh hùng liệt sỹ, một đời tảo tần, chắt chiu thờ chồng, nuôi các con ăn học và phụng dưỡng mẹ Việt Nam Anh hùng. Nhưng người phải chịu nhiều mất mát ấy lại mang trong mình một trái tim thơ, một tình yêu quê hương đất nước dung dị mà mãnh liệt. Bà là nữ thi sỹ Anh Giang Vũ Thị Thơm - xóm 10 xã Hải Trung.

Gặp bà trong buổi giới thiệu tập thơ “Lối xưa” của CLB thơ Quần Phương - tập thơ thứ 4 của bà, tôi vô cùng ngạc nhiên bởi phong cách giản dị, chân chất và cởi mở. Ở đó, tôi cảm nhận được bà và các bạn thơ dường như đã quên đi mọi gánh lo của cơm áo gạo tiền để giành cho nhau những phút giây thoải mái và đậm chất nhân văn. Dù tuổi đã cao, nhưng trông nữ thi sỹ Anh Giang vẫn khỏe mạnh, lạc quan và linh hoạt. Khi nói đến thơ, ánh mắt lấp lánh niềm đam mê. Nhà thơ Vũ Thị Thơm với bút danh Anh Giang đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng người đọc với những tác phẩm dung dị, đằm thắm, thiết tha, chứa chan tình quê, tình đời.

Vốn yêu thơ và được biết đến CLB thơ Vũ Quần Phương từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi tìm về ngôi nhà bà đang ở để được hiểu thêm về đời sống cũng như đời thơ của bà. Điều thú vị đầu tiên là cánh cổng xưa cổ kính mà gần gũi, đậm chất làng quê Việt Nam. Tiếp đến là phong cảnh hữu tình với ngôi nhà cổ, hòn non bộ và cây cảnh do tự tay bà uốn tạo, cây cầu cổ cong cong dẫn ra chòi dựng ngoài ao theo dáng dấp của chùa Một Cột – đó có lẽ là nơi bà làm thơ, suy ngẫm cuộc đời và giao lưu với các bạn thơ, bầu bạn với thiên nhiên, trời đất…

Giao lưu với bạn thơ tại khu vườn gia đình
Chậm rãi rót chén trà mời khách, bà kể: sinh ra và lớn lên ở xã Đại Thắng - Vụ Bản - làng quê của bến nước, con đò và hồn quê đã dìu dắt bà lớn lên trong lời ca dao ngọt ngào ấm áp. Gia đình bà vốn có truyền thống hiếu học, ông nội dạy chữ nho, bố đẻ của bà cũng là ông đồ và làm thuốc. Từ nhỏ bà có tài viết chữ đẹp, khéo tay, ham học hỏi, chăm làm… Khi 9, 10 tuổi bà theo bố mẹ lập ấp sinh sống ở làng Quần Anh - Hải Hậu. Bà được đi học các trường Trung, Việt, Nho học và học trường tài chính kế toán.

Giọng bà đang hào hứng, bỗng trùng xuống: năm 19 tuổi, bà lập gia đình cùng ông Trần Văn Nùng - người con trai duy nhất của Mẹ Trần Thị Thiết ở xóm 10 – xã Hải Trung. Khi hạnh phúc gia đình vừa chớm nở với 3 người con xinh xắn lần lượt chào đời thì cũng như bao người phụ nữ Việt Nam, bà Vũ Thị Thơm đã nuốt nước mắt tiễn chồng lên đường ra chiến trận, khi đó cậu con trai út chỉ mới tròn 8 tháng tuổi.                                                                    
                                                   
“Một chiều se lạnh heo may

                                        Mưa giăng trắng đất, nước đầy ngập sân

                                                    Người đi trống gọi tòng quân

                Áo nâu dành lại đắp lần cho con”    

Ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, bà cũng như mọi người dân Việt Nam ăn mừng độc lập, nhưng tất cả như sụp đổ khi bà nhận giấy báo tử, chồng bà đã hy sinh ở chiến trường phía Nam, để lại trên vai bà 3 con nhỏ và người mẹ chồng yêu quý…

                                       “Mẹ ngồi tựa cửa ngóng trông

Ngày vui chiến thắng người mong không về”

Kể từ đó, 2 người đàn bà goá phụ phải tựa vào nhau vật lộn với cuộc sống đầy thử thách. Ban ngày bà đi làm kế toán thương nghiệp, đến tối về thì nhận vác bia thuê, viết vẽ và làm thuê để kiếm tiền nuôi cả gia đình. Và có lẽ hoàn cảnh éo le ấy đã thôi thúc bà cầm bút đến với văn chương để chia sẻ những tâm sự cuộc đời. Thơ như một cứu cánh đã góp phần cho Anh Giang Vũ Thị Thơm có một diện mạo riêng, một tiếng nói riêng của văn chương xứ biển.

Phải chăng những trắc trở của cuộc sống bà đã vượt qua đến độ tự tại và bình thản, bà bầu bạn với cỏ cây hoa lá, với thế đá hình cây làm men say cho thơ cất cánh! Phải chăng bà đã lấy thơ làm ngôi đền để tu dưỡng về nhân cách, tư cách và đức hạnh, lấy thơ làm gậy chống để đi vững vàng trên mọi nẻo đường đời. Hay nói cách khác là nhà thơ Anh Giang Vũ Thị Thơm làm thơ là để ru lòng mình, ru cuộc đời của mình mà vững tin vào cuộc sống, và bà làm thơ để chia sẻ, để dâng hiến…

Đọc thơ của tác giả Anh Giang Vũ Thị Thơm người ta dễ dàng cảm nhận được một tình yêu, tình yêu ấy như dòng nước chảy ngọt ngào như phù sa bồi đắp nên cuộc sống muôn nơi. Đọc thơ của bà, ta thấy từng câu chữ quyện hoà được chắt lọc trong biết bao rung cảm của người thi sỹ với trời đất vạn vật, với tình người và với chính mình. Từ năm 2000 - 2013, bà đã xuất bản liên tục 4 tập thơ, gồm : tập “Đơn sơ” do Sở VHTT Nam Định xuất bản, tập thơ “Chiều gió cát”, “Anh Giang” và “Lối xưa” đều do Hội Nhà văn xuất bản, hầu hết ở mỗi bài thơ, người đọc đều cảm thấy cái tình của người viết và thêm yêu mến, cảm phục tình yêu của nữ sỹ và thêm yêu quê hương. Thơ của bà có màu thời gian, có niềm hoài niệm khiến người đọc trôi theo một miền cảm xúc đẹp mà đau đáu. Chất cổ điển hoà trong cái mộc mạc mà ấm áp đã tạo cho thơ của Anh Giang một nét riêng biệt, sống động bởi hình tượng và ngôn ngữ:

Gánh cong thấp thoáng chiều xưa ấy

                        Trong tôi phong kín tấm lòng xanh

Hình ảnh “gánh cong” như cuộc đời bà gánh một gánh số phận trên triền dốc thời gian nhưng vẫn thuỷ chung son sắt thờ chồng, khuya sớm tảo tần nuôi mẹ, nuôi con. Cái tình quê, tình đời dường như trĩu xuống oằn cong cái đòn gánh tảo tần đó theo thời gian và đọng lại trong thơ Anh Giang. Bà đam mê với thơ như mê mải với cây cảnh, non bộ. Chẳng thế mà bạn bè phong tặng bà là “nghệ nhân” bởi tay nghề điêu luyện gọi hồn cho núi, thổi tên cho cây. Ngoài ra, bà còn tham gia phong trào Hội Người cao tuổi, Hội khuyến học, CLB thơ của địa phương…

Chia tay bà, trong tôi vẫn còn đọng lại nụ cười đằm thắm, ánh nhìn đầy lạc quan, cái bắt chặt tay trìu mến thân mật.... Dẫu tuổi già đã đôi lần toan tính gõ cửa phiền hà, nhưng đường thơ rộng thênh thang, lòng thơ thì mênh mông quá, nên xin thời gian hãy chậm trôi để nữ sỹ Anh Giang Vũ Thị Thơm trải hồn với những dòng thi hứng xanh tươi, bất tận. Bà là tấm gương lao động hết mình vì thơ ca, đáng trân trọng và học tập:

    “Mặc cho bão táp đẩy xô

                            Vẫn khoe sắc ngọc điểm tô cho rừng”
                                                                                             
Nguyên Hảo

Uỷ ban Nhân dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định
- Điện thoại: 0350. 3877.141 - Fax: 0350.3877.143
- Email: vanphong@haihau.vn
© 2003-2010 by INCOM
CLB DOANH NHÂN HẢI HẬU
Góp ý: doanhnhan@haihau.vn
SEO là gì | XSMB | XSMT | Lịch Vạn Niên |