news

Hải Hậu mở hướng làm giàu

(03:26, 14/02/2007)

(Nhân Dân) Đến vùng biển của xã Hải Hòa và thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu (Nam Ðịnh), trước mắt chúng tôi là đoạn đê biển mới được đổ bê-tông kiên cố, bên trong đê là những ruộng cà chua, bắp cải và vườn cây cảnh xanh tốt. Nhìn những cảnh sắc đó, ít ai nghĩ rằng chỉ một năm trước, đây là vùng đất tan hoang vì bão.

Sau Ðại hội Ðảng bộ huyện lần thứ 24, các xã ven biển của huyện Hải Hậu phải hứng chịu cơn bão số 7. Cơn bão đã phá vỡ ba km đê bao cùng nhiều nhà cửa, tài sản của các gia đình ven biển. Ước tính thiệt hại mà bão gây ra cho Hải Hậu là gần 350 tỷ đồng. Vậy là nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra với nhân dân toàn huyện là dồn sức khắc phục hậu quả cơn bão, sớm ổn định đời sống nhân dân. 95 hộ phải di dời đến nơi ở mới được cấp đất, trợ cấp tiền, gạo. Ðặc biệt là việc thau chua rửa mặn cho 250 ha đất phải huy động không biết bao nhiêu công sức mới làm nổi. Chỉ sau ba tháng mọi hoạt động đã trở lại bình thường. Chính diện tích đất này không ngờ lại cho năng suất bội thu khi vào mùa thu hoạch.

Hải Hậu có 32 km bờ biển và 226 km2, nhưng đa phần người dân nơi đây vẫn lấy sản xuất nông nghiệp là nghề chính. Tạo được bước đột phá trong phát triển kinh tế thật là khó. Ngay sau khi khắc phục hậu quả cơn bão, Huyện ủy đã cụ thể hóa Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 17 và huyện lần thứ 24 thành tám chương trình công tác lớn, bao gồm hai chương trình về công tác xây dựng Ðảng và sáu chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Việc triển khai Nghị quyết 04 của  Huyện ủy về tăng cường công tác vận động quần chúng phát triển kinh tế giai đoạn 2006 - 2010 là một trong các nghị quyết quan trọng đã được Huyện ủy tập trung lãnh đạo các cấp ủy đảng khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đưa một phần diện tích cấy hai vụ lúa và vườn tạp sang trồng hoa màu và cây cảnh. Nhiều hộ gia đình mạnh dạn đầu tư làm trang trại theo mô hình vườn, ao, chuồng. Ðến nay, cả huyện đã có 175 trang trại, 140 ha cây cảnh. 121 ha vùng trũng cấy lúa năng suất thấp đã chuyển sang nuôi cá rô phi đơn tính, tôm sú, tôm càng xanh... nâng tổng số diện tích đất chuyển đổi của huyện lên 464 ha. Nhờ đó mà sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2006 đạt 3.010 tấn, tăng 12,5% so với năm 2005  trong đó có 325 tấn tôm nuôi.

Anh Nguyễn Văn Nhĩ ở xã Hải Thanh không giấu được niềm vui khi dẫn chúng tôi đi thăm ao cá, ruộng cà chua chín đỏ: Năm 2003, anh Nhĩ nhận 0,576 ha đất ruộng, anh dùng 0,36 ha để đào ao nuôi cá và 0,216 ha còn lại trồng khoai tây, cà chua, gừng... Ban đầu xây dựng mô hình, ngoài chút vốn tiết kiệm của gia đình, anh được ngân hàng cho vay 20 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn được huyện hỗ trợ 1,6 triệu đồng/0,576 ha, xã khuyến khích bằng cách không thu sản phẩm năm đầu. Ðến nay, mỗi năm trang trại của anh cho thu nhập từ 60 đến 70 triệu đồng. Các khoản vay ngân hàng đã được thanh toán hết. Anh tâm sự, lúc đầu rất lo vì không biết làm ăn thế nào, nếu thất bại thì lấy tiền đâu trả cho ngân hàng. Nhưng được xã khuyến khích với những cơ chế cụ thể. Hơn nữa mình là đảng viên, nên cứ mạnh dạn làm. Bây giờ thì yên tâm rồi,  bởi thực tế đây là hướng đi đúng, nhiều hộ khác bắt đầu làm trang trại như gia đình anh.

Việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế làm cho nhiều ngành đạt  những thành tựu đáng khích lệ. Ngành khai thác thủy sản đóng mới 31 tàu, chủ yếu là những loại tàu có công suất từ 150 CV đến 300 CV. Các chủ tàu đã chủ động hơn trong việc cải tiến ngư cụ, mở rộng ngư trường và nâng cao khả năng đánh bắt. Về sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện phát triển ổn định. Tổng giá trị sản lượng cả năm đạt 184,7 tỷ đồng, tăng 21,1% so với năm 2005. Tiến độ xây dựng cụm công nghiệp làng nghề ở xã Hải Minh với các nghề cơ khí, chế biến nông hải sản... đang được khẩn trương thực hiện. Trong đó tiêu biểu là Nhà máy đóng tàu Thịnh Long và Công ty Cổ phần công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh. Hai đơn vị này có thể đóng tàu có trọng tải 1.000 tấn.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, đồng chí Ðoàn Việt Ðức cho biết, Hải Hậu đã 27 năm liền được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là huyện văn hóa. Nếp sống văn hóa trước hết phải được thể hiện trong phong cách làm việc của mỗi cán bộ, đảng viên, gần dân, sát dân, nắm vững tâm tư, tình cảm của nhân dân, nhất là trong việc thực hiện các chương trình công tác mà Huyện ủy đề ra. Cán bộ huyện phải nắm chắc xã được phân công phụ trách, cán bộ xã phải nắm chắc từng thôn, xóm để cùng dân tháo gỡ khó khăn mà trọng tâm là trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, là xây dựng thôn, xóm văn hóa. Nhờ đó mà khắc phục được tình trạng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi không theo quy hoạch, khuyến khích đa dạng hóa các loại cây trồng vật nuôi để có thị trường tiêu thụ. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" thường xuyên được các cấp ủy đảng và hệ thống chính trị duy trì và phát triển. Ðến nay toàn huyện có 148 xóm, tổ dân phố và 140 cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn nếp sống văn hóa, 249/550 xóm có nhà văn hóa. Phong trào sáng hóa đường nông thôn được các xã triển khai đồng bộ. Tiêu biểu như xã Hải Thanh, tất cả các xóm đều có đèn đường chiếu sáng do dân tự đóng góp. Nói về phong trào xây dựng nếp sống văn hóa, đồng chí Lê Duy Hiền, Bí thư chi bộ xóm Trần Cường, xã Hải Thanh, cho biết: Năm 2005, chi bộ xóm đã vận động nhân dân xây dựng nhà văn hóa và thực hiện phong trào sáng hóa đường làng, ngõ xóm. Xóm có 110 hộ, mỗi khẩu đóng góp 120 nghìn đồng để xây dựng nhà văn hóa và 80 nghìn đồng/hộ dành cho công tác sáng hóa đường nông thôn. Nhiều đảng viên đóng gấp đôi. Số tiền này được thu trong hai vụ hoặc bốn vụ tùy theo mỗi công trình, và trung bình mỗi vụ là 30 kg thóc. Ðể bảo đảm chất lượng, cũng như tiến độ xây dựng các công trình văn hóa, Bí thư chi bộ được cử tham gia ban xây dựng và giám sát thi công công trình.  Ðược biết xã Hải Thanh có 13 xóm thì tất cả đã hoàn thành chương trình sáng hóa đường giao thông nông thôn, xóm nào cũng có nhà văn hóa trị giá từ 130 đến 180 triệu đồng mỗi nhà. Ðể giáo dục truyền thống, lòng tự hào về quê hương, từ lâu Hải Thanh đã lấy tên các liệt sĩ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đặt cho tên xóm, như các xóm: Nguyễn Hoằng, Nguyễn Quất, Nguyễn Trẫm...

Mới hơn một năm sau ngày Ðại hội Ðảng bộ huyện, Hải Hậu đã có nhiều chuyển biến rất phấn khởi cả trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Ðảng. Những đổi thay trong mỗi thôn, mỗi gia đình đang tạo cho vùng quê này bước đi vững chắc trên con đường CNH, HÐH nông nghiệp nông thôn.

Ngọc Hiếu

Uỷ ban Nhân dân huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định
- Điện thoại: 0350. 3877.141 - Fax: 0350.3877.143
- Email: vanphong@haihau.vn
© 2003-2010 by INCOM
CLB DOANH NHÂN HẢI HẬU
Góp ý: doanhnhan@haihau.vn
SEO là gì | XSMB | XSMT | Lịch Vạn Niên |